Hiệu quả từ ứng dụng nền tảng công nghệ
Đang là giáo viên tiểu học, chị Đỗ Thị Phương (xã Công Lý, huyện Lý Nhân) đã gác lại công việc yêu thích để cùng gia đình và một số người dân địa phương thành lập HTX đông trùng hạ thảo Minh Đức. Trong quá trình hoạt động sản xuất, Giám đốc Đỗ Thị Phương nhận thấy sản phẩm làm ra, ngoài thị trường tiêu thụ trong tỉnh cần phải được mở rộng ra các địa phương khác, đồng thời phải có bao bì, nhãn mác và được chế biến thành các sản phẩm có mẫu mã, đóng hộp đẹp để làm quà biếu, tặng.
![]() |
Chị Đỗ Thị Phương (áo trắng bên trái), Giám đốc HTX Minh Đức giới thiệu về phôi nấm đông trùng hạ thảo với cán bộ Liên minh HTX tỉnh Hà Nam. |
Bên cạnh đó, HTX cũng tham gia nhiều chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm, các hội chợ thương mại do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) tổ chức, hội chợ thương mại của các HTX vùng Đồng bằng sông Hồng do Liên minh HTX các tỉnh trong khu vực tổ chức…
Đặc biệt, chị Phương cùng các thành viên HTX đã tích cực tìm hiểu công nghệ cao trong sản xuất, đồng thời tích cực ứng dụng công nghệ số, công nghệ 4.0 trong mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Theo đó, ngoài việc bán hàng qua Zalo, qua Facebook, qua Fanpage của các thành viên với gần 9.000 lượt người theo dõi, HTX còn xây dựng website http://duocthaominhduc.vn để giới thiệu và bán sản phẩm.
Ngoài ra, HTX còn đăng ký bán hàng và quảng cáo trên website http://linhchinonglam.com; nongsanantoanhanoi.gov.vn và bán hàng hàng thông qua các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, Tiki…, và chuyển hàng qua các công ty vận chuyển chuyên nghiệp để hạn chế lây lan dịch bệnh.
Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp, HTX…, nhưng doanh thu của HTX Minh Đức không giảm mà lại có chiều hướng tăng hơn. Nguyên nhân là người dân tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn để tăng cường bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Hiện, trung bình mỗi tháng, HTX Minh Đức bán các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo tươi đóng hộp, đông trùng hạ thảo sấy khô, gốc đông trùng hạ thảo đạt doanh thu từ 350 - 400 triệu đồng.
“Việc bán hàng trực tiếp, bán hàng thông qua trực tuyến hay chuyển hàng qua các đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp được chúng tôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, của các bộ, ngành và chính quyền địa phương”, chị Phương nói.
Chị Đỗ Thị Phương, Giám đốc HTX Minh Đức chia sẻ.
![]() |
Chị Đỗ Thị Phương, Giám đốc HTX Minh Đức giới thiệu sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo với ông Nguyễn Thành Thăng, Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân tại hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm do UBND tỉnh Hà Nam tổ chức. |
Một HTX khác cũng tích cực ứng dụng nền tảng công nghệ 4.0 trong kinh doanh, nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 gây ra là HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng (xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng).
Theo đó, HTX Hải Đăng do anh Nguyễn Văn Hiếu làm Giám đốc đã triển khai việc nuôi cá theo công nghệ cao “sông trong ao”. Đầu năm 2019, anh Hiếu mạnh dạn đầu tư tiền tỷ để tiến hành cải tạo ao dưới chân núi Bút Sơn đắp bờ ngăn, làm kênh thu nước từ trên núi chảy xuống, bảo đảm nguồn nước ổn định trong ao để nuôi cá. Sau những tháng ngày vất vả, được sự giúp sức của cán bộ, chuyên gia ngành nông nghiệp và đơn vị chuyển giao kỹ thuật, lứa cá đầu tiên đã cho thu hoạch với thành công bất ngờ.
Đây là HTX kiểu mới với cách làm rất phù hợp, góp phần nâng cao tiêu chí sản xuất, thu nhập theo hướng xã có vùng sản xuất tập trung với sản phẩm chủ lực, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, kinh doanh có hiệu quả.
Anh Hiếu cho biết: “Năng suất, hiệu quả kinh tế nuôi cá “sông trong ao” tăng gấp từ 3-5 lần so với nuôi cá truyền thống. Thịt cá chắc, thơm, không tanh”.
Khó nhân rộng
Năm 2020, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Kế hoạch số 64/QĐ-UBND về việc thực hiện Đề án Xây dựng mô hình điểm nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao”, sản xuất theo chuỗi liên kết để tiếp tục theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, hoàn thiện quy trình trước khi nhân rộng, nhằm phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.
Để nâng cao giá trị của con cá cũng như giá trị sản xuất và thu nhập cho người nuôi, HTX Hải Đăng đã triển khai chế biến các sản phẩm từ cá như: cá kho niêu, chả cá và ruốc cá. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và được cấp giấy chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm. Năm 2020, cả ba sản phẩm: cá kho niêu, chả cá và ruốc cá được huyện Kim Bảng chọn đăng ký là sản phẩm OCOP, làm phong phú thêm sản phẩm thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.
![]() |
Đại diện một số HTX nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Hà Nam ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với HTX Xuyên Việt (Hải Dương). |
Để việc tiêu thụ sản phẩm được thuận tiện, qua đó hạn chế được việc tiếp xúc đông người và ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, HTX đã ứng dụng nền tảng công nghệ 4.0 trong việc bán hàng trên các trang Web hieuca, Facebook HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng và Zalo cá nhân, đồng thời bán hàng trên nền tảng online của Công ty bưu chính viễn thông
“Việc bán hàng trên nền tảng công nghệ 4.0 tại thời điểm này dù chưa thực sự hiệu quả như mong muốn, nhưng cũng phần nào giúp HTX tiêu thụ được một phần sản phẩm”, anh Hiếu nói.
Ông Lê Quang Vọng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 330 HTX, trong đó chỉ có hơn 20 HTX ứng dụng công nghệ cao, HTX bán hàng trên nền tảng công nghệ 4.0.
Điểm nghẽn lớn nhất là nguồn vốn, mặt bằng sản xuất, khu chế biến nông sản, trụ sở làm việc, nguồn nhân lực có trình độ... Bên cạnh đó, khả năng ứng dụng công nghệ của các HTX còn hạn chế, nông sản do các HTX, nông dân sản xuất tự tiêu thụ theo hướng bán tự do tại các chợ truyền thống hoặc thương lái tự do, chưa có hợp đồng tiêu thụ với đầu mối lớn, ổn định nên thường bấp bênh về giá cả, hay bị thương lái ép giá.
Để khơi thông những "điểm nghẽn" đối với các HTX nông nghiệp, thời gian qua, chính quyền, các cấp ngành của tỉnh Hà Nam đã tích cực vào cuộc để hỗ trợ các HTX nông nghiệp, nông dân.
Theo đó, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các sở, ngành như: KH&ĐT, NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Liên minh HTX tỉnh và các địa phương triển khai các giải pháp tháo gỡ để tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật, máy móc vào sản xuất nhằm giảm sức lao động, tăng hiệu quả sản xuất, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết, bao tiêu nông sản giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất.
Về thị trường tiêu thụ truyền thống, UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu Liên minh HTX tỉnh, ngành công thương tổ chức hội chợ, tham gia chương trình xúc tiến thương mại, tham gia hội thảo giữa các doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội đầu tư cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các HTX.
Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo ngành KH&CN phối hợp với Liên minh HTX tỉnh đánh giá, xem xét và đề xuất các phương án hỗ trợ công nghệ cao để ứng dụng vào sản xuất, hỗ trợ về nền tảng công nghệ 4.0 để quảng bá, phân phối, bán hàng…, trong đó chú trọng đến hướng dẫn quy trình, cách thức để các HTX có thể sử dụng thành thục.
Hy vọng, với sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, các sở, ngành chuyên môn, việc triển khai ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng nền tảng công nghệ 4.0 của một số HTX trên địa bàn tỉnh Hà Nam sẽ nhân lên nhanh chóng và thuận lợi, tạo bước chuyển mạnh về chất trong hoạt động của khu vực kinh tế hợp tác.
Phạm Duy