Vẫn "tự sản - tự tiêu"
Gần 11 giờ trưa bà Lưu Thị Tươi mới tất tả từ đồng về nhà. Gặp phóng viên, bà hồ hởi chia sẻ về mô hình sản xuất rau quả an toàn mà THT của bà đang triển khai. Bà kể, THT được thành lập năm 2017, diện tích sản xuất hơn 1ha với 6 hộ gia đình tham gia, đây là một trong những mô hình điểm của huyện Thanh Liêm về sản xuất nông sản an toàn.
Theo bà Tươi, trước đây, trên diện tích này người dân địa phương sản xuất theo phương thức truyền thống, mạnh ai nấy làm, tự sản, tự tiêu nên hiệu quả kinh tế không cao. Khi tham gia mô hình THT, cái được lớn nhất là các hộ nông dân được đi tham quan mô hình sản xuất nông sản an toàn hiệu quả trong và ngoài tỉnh, được tập huấn khoa học kỹ thuật, môi trường đồng ruộng không bị ô nhiễm, bởi nông dân chủ yếu sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu vi sinh... Hiểu rõ việc chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn là cần thiết, mang tính bền vững, vì vậy các hộ dân tham gia THT thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật theo đúng hướng dẫn. Cùng với đó, các hộ gia đình đều có nhật ký đồng ruộng ghi rõ lịch trình sản xuất hằng ngày.
Đặc biệt, để hạn chế tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, bước đầu nông dân đã thực hiện sản xuất có kế hoạch, sản xuất nông sản thị trường cần… Nhờ đó, sản phẩm THT sản xuất ra được người tiêu dùng tin tưởng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất chính là đầu ra cho sản phẩm. Hiện, sản lượng rau an toàn THT sản xuất ra vẫn tự tiêu là chính, chủ yếu được bán lẻ ở các chợ truyền thống tại địa phương. Cùng với đó, giá bán rau an toàn và rau thường lại như nhau, trong khi đầu tư sản xuất rau an toàn cao hơn, mất nhiều công hơn. Thậm chí, nhiều thời điểm rau an toàn khó bán hơn bởi “mẫu mã” không đẹp như rau thường.
![]() |
Sản xuất nông sản an toàn của các HTX, THT cần có đầu ra ổn định (Ảnh: Phạm Duy) |
“Do không có đầu ra ổn định, giá cả thị trường lại hết sức bấp bênh, sản xuất vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, nên tình trạng lúc khan hàng, giá cao thì không có rau bán. Ngược lại, lúc được mùa, rau rộ giá lại xuống thấp… vẫn còn xảy ra”, bà Tươi nêu thực tế.
Là một trong 6 thành viên tham gia THT, ông Lê Quang Tuấn, thôn Bạc chia sẻ: Vùng đất màu ven sông Đáy của thôn Bạc trước đây người dân chủ yếu trồng lạc, trồng ngô, hiệu quả kinh tế thấp, trung bình chỉ đạt từ 5 đến 7 triệu đồng/sào/năm. Nhờ dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, chuyển đổi phương thức sản xuất, thu nhập của người nông dân được nâng lên. Hiện thu nhập bình quân mỗi sào trồng rau an toàn cao hơn gấp 2-3 lần so với sản xuất trước đây.
“Ngoài khó khăn về đầu ra cho sản phẩm hiện chúng tôi còn gặp khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất để mở rộng sản xuất bởi người cho thuê đất đòi giá cao, lại phải trả luôn “một cục” trong suốt thời gian thuê đất. Nếu không tích tụ, mở rộng được diện tích thì việc tiêu thụ sản phẩm sẽ tiếp tục gặp khó khăn bởi sản lượng sản xuất ra thấp, không đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị muốn ký kết, bao tiêu”, ông Tuấn cho biết.
Sớm ban hành chính sách hỗ trợ THT
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Hà Nam có 1.665 THT với khoảng trên 8.000 thành viên. Về cơ bản, các THT đang hoạt động trên các lĩnh vực như: chăn nuôi, xây dựng, trồng nấm, cơ khí, thu gom rác thải … Hoạt động của các THT này đã góp phần tạo ra việc làm tại chỗ, tăng thu nhập hộ thành viên, tận dụng tối đa lợi thế về nhân lực về đất đai, nguyên liệu... từ đó đã có nhiều đóng góp vào ổn định tình hình kinh tế, chính trị xã hội tại địa phương.
Tuy nhiên, hoạt động của THT cũng gặp nhiều khó khăn, chịu nhiều rủi ro từ thị trường giá cả, không chủ động được khâu tiêu thụ sản phẩm, thành lập tự phát từ nhu cầu thành viên, công tác tổ chức không chặt chẽ, người đứng đầu THT còn thiếu kiến thức quản lý khoa học do chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thiếu liên kết chặt chẽ nên các thành viên THT có thể rời bỏ bất cứ lúc nào. THT hoạt động còn mang tính thời vụ, manh mún, thiếu chiến lược lâu dài... Do đó, THT vẫn chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, gia công tận dụng thời gian, nguyên liệu, nhân công...
![]() |
Sản xuất nông sản sạch cần phải có sự liên kết mới mang lại hiệu quả bền vững (Ảnh: Phạm Duy) |
Ông Lê Văn Vọng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Nam nêu giải pháp, để các THT hoạt động có hiệu quả, ngoài việc xác định phương hướng sản xuất kinh doanh cụ thể và phù hợp với địa phương, các THT rất cần sự quan tâm định hướng của cơ quan chuyên môn trong xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện để THT được hưởng các chính sách hỗ trợ về tài chính, đất đai, khoa học - công nghệ, thị trường...
“Chúng tôi mong muốn chính quyền, các cơ quan chuyên môn cần ban hành các chính sách hỗ trợ THT đẩy mạnh sản xuất và lưu thông hàng hóa. Giúp các thành viên trong THT tăng thêm thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống, làm cho nhận thức của người dân về kinh tế hợp tác được nâng lên, từng bước biết chủ động tìm cách cải thiện đời sống, giảm bớt tình trạng bị động trong sản xuất của THT, tận dụng và nâng cao hiệu quả các nguồn lực về đất đai, nguyên liệu, vốn, lao động,… ở địa phương. Có như vậy các THT mới có thể phát huy được hiệu quả”, Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Nam Lê Văn Vọng kiến nghị.
Phạm Duy