Tại Hội thảo “Đổi mới hoạt động của Hệ thống Liên minh HTX Việt Nam nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX” diễn ra ngày 24/4, anh Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Hòa Đông, Tiền Giang cho rằng, câu chuyện giữ chân, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn đang là bài toán nan giải mà nhiều HTX vẫn đang loay hoay tìm cách giải.
Đãi ngộ thấp khó thu hút và giữ chân nhân tài
Với 10 thành viên và lao động, bộ máy quản lý của HTX Tân Hòa Đông bao gồm 2 người có trình độ đại học và 1 người là nông dân. Mức lương chi trả cho cán bộ có trình độ đại học là 6 triệu đồng/người/tháng, trong khi người lao động là nông dân nhận 5 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù đang ấp ủ kế hoạch mở rộng sản xuất và rất cần nguồn nhân lực có chuyên môn cao, nhưng với mức đãi ngộ hiện tại, HTX Tân Hòa Đông nhận thức rõ sự khó khăn trong việc thu hút và giữ chân những người có năng lực thực sự.
Anh Thành thẳng thắn chia sẻ: "Với mức lương 6 triệu đồng/tháng, rất khó để đảm bảo cuộc sống và kỳ vọng những người có trình độ gắn bó lâu dài. Hiện tại, các thành viên và lãnh đạo HTX làm việc chủ yếu dựa vào tâm huyết”.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, ông Đinh Hồng Thái, đã nhìn nhận sâu sắc vấn đề này từ góc độ hệ thống. Ông nhấn mạnh rằng, trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc chỉ dựa vào "tâm huyết đơn thuần" sẽ là rào cản lớn khiến các HTX khó có thể chiêu mộ được nhân tài.
Thực tế cho thấy, hạn chế về cơ chế đãi ngộ và phúc lợi đang là "nút thắt" trong bài toán nhân lực của các HTX. So với các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, mức lương, thưởng, bảo hiểm, phụ cấp, cơ hội đào tạo và thăng tiến mà HTX có thể cung cấp thường thấp hơn đáng kể. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm tiềm lực tài chính còn hạn chế, cơ cấu quản lý phức tạp với sự tham gia của thành viên ở nhiều lĩnh vực khác nhau, và đôi khi là những khó khăn trong việc tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ một cách chưa hiệu quả.
![]() |
Một số HTX thủ công mỹ nghệ với công nghệ sản xuất và quản lý vẫn còn lạc hậu, khiến các kỹ sư và nhà thiết kế trẻ không nhìn thấy cơ hội để phát huy năng lực và đóng góp vào sự phát triển của HTX. |
Không chỉ riêng HTX Tân Hòa Đông, khảo sát thực tế cho thấy, ngay cả những HTX hoạt động trong các lĩnh vực có tiềm năng phát triển, mức lương cao nhất cho cán bộ quản lý có trình độ đại học thường chỉ dao động từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực sẵn sàng trả gấp đôi, thậm chí gấp ba cho các vị trí tương đương. Sự chênh lệch đáng kể này đã tạo ra một "lực hút" mạnh mẽ đối với những người trẻ có năng lực, khiến họ có xu hướng tìm kiếm cơ hội phát triển ở các doanh nghiệp khác.
Bên cạnh yếu tố thu nhập, môi trường làm việc tại nhiều HTX cũng chưa thực sự hấp dẫn đối với lực lượng lao động trẻ, năng động và có khát vọng phát triển. Cơ sở vật chất còn thiếu thốn, quy trình làm việc chưa được đổi mới sáng tạo, thiếu sự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Tất cả những điều này đã tạo ra một rào cản vô hình, ngăn cản những kỹ sư, nhà thiết kế trẻ và những người có trình độ chuyên môn cao gia nhập và cống hiến cho HTX.
Thậm chí, một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, vẫn còn tồn tại những định kiến về HTX như là một mô hình kinh tế "cũ kỹ", thiếu năng động và không có nhiều cơ hội phát triển. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý lựa chọn việc làm của những người có trình độ và kinh nghiệm.
Theo thống kê đến cuối năm 2024, tổng số cán bộ quản lý HTX ước đạt gần 127,4 nghìn người, tăng hơn 1.400 người, tương đương mức tăng 5,4% so với năm 2023. Trong số đó, số cán bộ quản lý có trình độ sơ, trung cấp chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 46,6% (khoảng 59,4 nghìn người), trong khi số cán bộ quản lý có trình độ cao đẳng, đại học đạt hơn 31,47 nghìn người, tương đương 24,7% tổng số.
Những con số này cho thấy một tín hiệu tích cực về sự cải thiện trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý HTX. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa đồng bộ và toàn diện trong khu vực kinh tế tập thể, HTX. Vẫn còn tồn tại sự chênh lệch lớn giữa các HTX, đặc biệt là giữa các HTX ở khu vực đô thị và các HTX ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Nhiều HTX đã xây dựng được đội ngũ quản lý chất lượng cao, nhưng không ít HTX vẫn đang loay hoay trong việc thu hút nhân lực có trình độ.
Việc không thể thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ hạn chế khả năng mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động và ứng dụng khoa học công nghệ, mà còn trực tiếp làm suy yếu năng lực cạnh tranh của HTX trên thị trường. Điều này trở nên đáng lo ngại trong bối cảnh khu vực doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, với cơ chế đãi ngộ hấp dẫn và môi trường làm việc chuyên nghiệp, đang "hút" phần lớn lực lượng lao động có trình độ và kinh nghiệm.
"Ươm mầm" HTX để hút nhân lực chất lượng cao
Việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang tạo ra những hệ lụy tiêu cực đối với sự phát triển bền vững của các HTX. Khả năng cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng suất và đổi mới sáng tạo bị hạn chế. Khó khăn trong việc ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao khả năng thích ứng với thị trường biến động cũng trở thành những thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và thương hiệu của HTX trên thị trường.
Để giải quyết bài toán nan giải này, theo các chuyên gia, trước hết, việc HTX chủ động rà soát và điều chỉnh mức lương, thưởng, phụ cấp và các chế độ phúc lợi khác để đảm bảo tính cạnh tranh so với các doanh nghiệp trong khu vực và ngành nghề là vô cùng cần thiết. Ông Phạm Minh Sơn, Phó trưởng Ban Kiểm tra (Liên minh HTX Việt Nam), đã chỉ ra một điểm sáng trong chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đó là các địa phương đã có quy định hỗ trợ lương thưởng cho người có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại các HTX với mức tối thiểu gấp 1,5 lần so với quy định của Chính phủ. Đây là một nguồn lực quan trọng mà các HTX cần chủ động nắm bắt và tận dụng để thu hút nhân tài.
TS Trần Hùng Thuận, Bộ Khoa học và Công nghệ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng hoạt động của HTX để thay đổi cách nhìn nhận của xã hội, từ đó tạo sức hút đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong bối cảnh đa số HTX ở Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ để tạo ra giá trị gia tăng và xây dựng niềm tin cho người dân, người lao động có năng lực là một yêu cầu cấp thiết.
So sánh với mô hình thành công tại Nhật Bản, nơi các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của HTX như dâu tây, táo có giá trị kinh tế vượt trội và luôn trong tình trạng thiếu hàng, TS Trần Hùng Thuận cho rằng Việt Nam với tiềm năng "rừng vàng biển bạc" vẫn chưa khai thác hiệu quả vai trò của HTX trong việc tạo ra giá trị gia tăng từ nông sản.
Để giải quyết vấn đề này và thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiệu quả trong HTX, việc xây dựng hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) về nông nghiệp là vô cùng quan trọng. Thực tế cho thấy, ngay cả trong lĩnh vực dược liệu đầy tiềm năng, số liệu thống kê vẫn còn hạn chế, gây khó khăn cho các HTX trong việc xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường.
"Nếu tình trạng thiếu dữ liệu vẫn tiếp diễn, sẽ trở thành một khoảng trống lớn cho sản xuất kinh doanh và gây khó khăn cho HTX," TS Trần Hùng Thuận cảnh báo.
Đồng quan điểm về sự cần thiết của các giải pháp hỗ trợ từ bên ngoài, anh Nguyễn Ngọc Thành ví HTX như những "hạt giống đang ươm mầm". Để những "hạt giống" này có thể phát triển mạnh mẽ và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, việc hỗ trợ về vốn tín dụng, đất đai và các cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn là vô cùng quan trọng.
Bởi khi các HTX có đủ năng lực tài chính và điều kiện thuận lợi để phát triển các dịch vụ phù hợp với nhu cầu thị trường và hoạt động hiệu quả, họ sẽ có khả năng chi trả mức lương cạnh tranh và xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn, từ đó giải quyết được bài toán nhân lực chất lượng cao, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.
Huyền Trang