Từ đầu năm 2019, một nghịch lý khác lại xảy ra là giá lợn lên cao chót vót. Biết là lợi nhuận đem lại rất cao, nhưng đa số người dân đã phải bỏ cuộc vì khó khăn chồng chất khó khăn.
Nước mắt của người nuôi lợn...
Trao đổi với phóng viên tại UBND xã Ngọc Lũ khi vừa được nhận tiền hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi, ông Nguyễn Văn Quy, thôn 5, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục cho biết, từ năm 2019 đổ về trước, cũng như nhiều gia đình khác, ngoài cấy lúa hai vụ, trong chuồng nhà ông lúc nào cũng có từ 70 đến 100 con lợn kế đàn. Bình quân hai tháng, gia đình ông cũng xuất bán được 20 con lợn thịt, thu nhập cũng tương đối ổn định.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến gần hết năm 2017, gia đình nhà ông rơi vào khó khăn vì lợn thịt hơi liện tục rớt giá từ 60.000đồng/kg, xuống thấp kỷ lục còn 17.000đồng/kg. Kiệt quệ hơn, vào năm 2019, do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi khiến hơn 50 con lợn từ 60kg đến hơn 90kg bị dịch bệnh phải tiêu huỷ. Vì đã gần 70 tuổi, con cái ở riêng, giờ không có tiền nên gia đình ông cũng không thể tái đàn.
![]() |
Người dân xã Ngọc Lũ huyện Bình Lục nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước do bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi (Ảnh: Phạm Duy) |
“Vì gia đình nhà tôi nuôi ít nên số lượng mất chỉ gần 200 triệu. Nhiều gia đình khác, số lợn phải tiêu huỷ lên đến cả tỷ đồng đã khiến hàng loạt gia đình rơi vào cảnh nợ nần chống chất. Rất may mắn là được Nhà nước hỗ trợ vì phải tiêu huỷ nên cũng phần nào giúp người dân chúng tôi giảm bớt khó khăn và tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nông dân, nông nghiệp”, ông Quy chia sẻ.
Cũng rơi vào cảnh thiệt hại hơn 400 triệu vì giá lợn xuống thấp và dịch tả lợn Châu Phi, nhưng vì gia đình khá giả, tuổi cũng chưa quá cao nên gia đình ông Nguyễn Văn Dậu, thôn 1, xã Ngọc Lũ cho biết, gia đình ông vẫn mạnh dạn tái đàn khi nhà nước khuyến khích. Do vậy, từ Tết đến nay, gia đình ông đã xuất bán được đàn lợn thịt 10 con, tổng thu được 87 triệu đồng, trừ hết chi phí thức ăn, thuốc men, đàn lợn cho lãi được hơn 50 triệu đồng. Hiện trong chuồng nhà ông còn 50 con, trọng lượng đạt từ 50 đến 80kg/con. Giá lợn cao nên gia đình ông cũng chăm sóc đàn lợn hết sức chu đáo, cẩn thận.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Dậu, thôn 1, xã Ngọc Lũ đang cẩn thận chăm sóc đàn lợn (Ảnh: Phạm Duy) |
Gia đình ông cũng vừa nhận được hơn 18 triệu đồng tiền hỗ trợ của Nhà nước do lợn bị ảnh hưởng bởi dịch tả Châu Phi năm 2019. Số tiền này chính là động lực để người dân ở “thủ phủ” nuôi lợn Ngọc Lũ chúng tôi tin tưởng vào chính sách ưu Việt của Đảng và Nhà nước dành cho nông dân.
"Lợn đối với người dân Ngọc Lũ chúng tôi giờ là vàng. Do vậy, gia đình tôi đã mua quạt gió, máy phát điện và dự trữ sẵn một lượng xăng nhất định để nổ máy, bật quạt cho lợn mát vào mùa hè này bất cứ lúc nào nếu không may mất điện”, ông Dậu dí dỏm cho biết.
Vì sao chưa thể tái đàn?
Theo ông Nguyễn Văn Vụ, thôn 5, xã Ngọc Lũ, trước đây trong chuồng gia đình ông lúc nào cũng có hơn 200 con lợn. Trong 3 năm từ cuối 2016 đến gần hết năm 2019, gia đình ông cũng mất trắng hơn 250 triệu tiền nuôi lợn. Vì sống bằng nghề nông và chăn nuôi lợn nhiều năm nay, nhưng nay gia đình ông cũng chỉ dám nuôi 20 con, trọng lượng hiện cũng đạt khoảng 70 đến 80kg/con. Đây là số lợn ông nuôi để gây sề rồi nhân đàn chứ không phải lợn thịt.
“Giá lợn giống từ 5 đến 7kg/con tới 3 triệu đồng nên không dám đầu tư. Đặc biệt là lợn không rõ nguồn gốc nên càng không dám mua về nuôi. Mặt khác, trước đây các đại lý thường bán thức ăn chăn nuôi chịu cho các gia đình. Nay do hàng nghìn hộ gia đình nợ các đại lý với số tiền lên đến vài chục tỷ đồng nên không đại lý nào dám đầu tư. Bên cạnh đó, vì nợ cũ chưa trả nên không ngân hàng nào cho các gia đình ở Ngọc Lũ vay để tái đàn khiến cho người dân dù rất muốn nhưng cũng không thể”, ông Vụ than thở.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Vụ, thôn 5, xã Ngọc Lũ chưa dám tái đàn nhiều vì giá lợn giống đắt và những khó khăn của gia đình phải gánh chịu từ thiệt hại "kép" giai đoạn từ cuối năm 2016 đến 2019 (Ảnh: Phạm Duy) |
Trao đổi với phóng viên Thời báo Kinh doanh, ông Trần Đình Thiện, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ cho biết, trước năm 2019, Ngọc Lũ có 5 thôn với 2.300 hộ gia đình thì có đến 1.600 hộ nuôi lợn với tổng đàn hơn 100.000 con. Khi lợn rớt giá từ 60.000đồng/kg hơi xuống còn 17.000 đồng/kg hơi thì mỗi con lợn nuôi từ nhỏ đến khi xuất bán lỗ 3 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn mà người nuôi lợn ở Ngọc Lũ phải gánh chịu. Khắc nghiệt hơn, khi giá lợn chưa kịp hồi phục thì lại xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, khiến người dân càng trở nên điêu đứng, cụt hết nguồn vốn, nợ nần chồng chất nên không thể tái đàn.
Biết là giá lợn hơi đang cao, nếu có lợn thịt bán tại thời điềm này, người chăn nuôi thu lãi 2/3, nhưng cũng không có để bán và không dám đầu tư để tái đàn. Bởi ngoài nỗi lo giá cả bấp bênh, dịch bệnh có thể xảy ra bất thường, giá lợn giống quá cao lại khan hiếm, nếu có cũng không rõ nguồn gốc nên người dân không dám đầu tư. Bên cạnh đó, các đại lý thức ăn chăn nuôi không bán chịu. Người dân cũng hết vốn, trong khi ngân hàng không cho vay vì nợ cũ chưa thể trả.
"Xã cũng đang tiến hành phát tiền hỗ trợ của Nhà nước cho các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Hiện cả xã cũng chỉ còn 100 hộ nuôi với số lượng từ vài chục con trở xuống và 10 hộ nuôi từ hơn 100 con trở lên”, ông Trần Đình Thiện cho biết.
Có lẽ, bên cạnh những hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ dân nuôi lợn nhỏ lẻ, đã đến lúc cần tính chuyện dài hơi hơn, đó là giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ và chuyển sang nuôi lợn tập trung. Đây có thể xem là xu hướng tất yếu nếu muốn phát triển ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, để làm được điều này chỉ mình phía Nhà nước chưa đủ, cần sự chung tay của địa phương và đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Hình thành những mô hình chăn nuôi lợn khép kín, đủ lực chống chọi với dịch bệnh và nuôi theo quy hoạch, nuôi tập trung theo quy mô lớn, công nghệ cao gắn với sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi. Có như vậy mới tránh được những "cú sốc" mà người chăn nuôi phải chịu đựng trong thời gian vừa qua.
Phạm Duy