Chào mừng ông Juergen Hartwig đến thăm và làm việc với Liên minh HTX Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cảm ơn những hỗ trợ của các chuyên gia GIZ trong nhiều năm qua.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 23.000 HTX, thu hút hơn 7 triệu hộ thành viên với khoảng 30 triệu người. Khu vực kinh tế hợp tác (KTHT), HTX đang ngày càng đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng của nền kinh tế tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Vai trò nòng cốt
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho biết trong thời gian gần đây, các HTX đang có xu hướng phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng hoạt động. Đây cũng là xu hướng phát triển được Chính phủ quan tâm và tạo điều kiện phát triển.
Trong xu hướng phát triển đó, Liên minh HTX Việt Nam đóng vai trò nòng cốt trong việc thành lập và phát triển các HTX; chủ động tham mưu, tư vấn cho Chính phủ các chính sách tạo điều kiện tốt nhất để HTX phát triển.
Liên minh HTX Việt Nam đồng thời đóng vai trò tư vấn, định hướng HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị; hướng dẫn các HTX tìm ra các sản phẩm chủ lực, tìm kiếm doanh nghiệp liên kết, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ năng lực quản trị và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Liên minh HTX Việt Nam đã xây dựng và phát triển các đơn vị trực thuộc như Trung tâm tư vấn và xúc tiến thương mại, Trung tâm Khoa học công nghệ và môi trường, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX…
Ngoài ra, Liên minh HTX Việt Nam cũng được Chính phủ giao nghiên cứu và xây dựng mô hình kiểm toán HTX của Liên đoàn HTX CHLB Đức (DRGV). Dự kiến, trong năm 2019, Liên minh HTX Việt Nam sẽ thành lập Trung tâm Kiểm toán HTX.
Về vấn đề đào tạo, Liên minh HTX Việt Nam cũng đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu toàn diện các trường đào tạo nghề trực thuộc hệ thống Liên minh để nâng cao chất lượng đào tạo, tăng sức cạnh tranh.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá rất cao những kinh nghiệm trong chuyến thăm DRGV vào tháng 7/2018, nhất là mô hình đào tạo kép. Hiện nay, Liên minh HTX Việt Nam đã báo cáo lên Chính phủ mô hình đào tạo kép này và đang đề nghị được đưa vào triển khai.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Juergen Hartwig rất ấn tượng với quy mô của hệ thống HTX tại Việt Nam. Ông cho rằng với việc có tới 7 triệu hộ thành viên, tác động của Liên minh HTX Việt Nam đến nền kinh tế xã hội là rất lớn.
Tuy nhiên, với hầu hết HTX có quy mô nhỏ như hiện nay, ông Juergen Hartwig cho rằng vẫn cần nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn để phát triển.
![]() |
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo trao quà lưu niệm cho ông Juergen Hartwig |
Hỗ trợ nhiều hơn để phát triển
Riêng về vấn đề đào tạo, hệ thống đào tạo nghề tại Đức được xem như thành công nhất trên thế giới. Trong đó, đúng như Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhận định, hệ thống đào tạo kép (đào tạo song hành) là mô hình tối ưu hiện nay.
Khi tham gia đào tạo kép, học viên sẽ được đào tạo lý thuyết tại các trường, thường sẽ từ 1, 2 buổi/tuần. Thời gian còn lại sẽ được đào tạo ngay tại doanh nghiệp. Sau 3,5 năm, học viên sẽ có bằng và hầu hết được ký hợp đồng toàn thời gian với chính doanh nghiệp đào tạo.
Tuy nhiên, hệ thống đào tạo này mới chỉ áp dụng được với 3 nước trên thế giới đều là các nước phát triển cao. Đối với Việt Nam, ông Juergen Hartwig cho rằng nên tìm ra những yếu tố thành công của mô hình đào tạo trên và áp dụng, không nên đưa nguyên mô hình vào.
Hiện nay, GIZ đang kết hợp với Bộ LĐ- TB&XH Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp cho các trường, giúp các trường này dần tự chủ tài chính, đổi mới mạng lưới giáo dục nghề nghiệp …
"Phải tăng cường vai trò của doanh nghiệp, HTX trong định hướng đầu ra cho nhân lực. Doanh nghiệp, HTX phải là đơn vị đánh giá chuẩn đầu ra, từng bước sàng lọc, lựa chọn học viên", ông Juergen Hartwig nhận định.
Trong giai đoạn tiếp theo, GIZ tiếp tục cử chuyên gia hỗ trợ xây dựng chương trình giảng dạy, đề xuất mua sắm các công cụ hỗ trợ học tập… Song song với đó là xây dựng năng lực kỹ thuật cho các trường, bao gồm năng lực giáo viên và năng lực cho cán bộ quản lý. Cuối cùng là giúp các trường hỗ trợ năng lực hợp tác với doanh nghiệp để tạo đầu ra cho học viên.
Tuy nhiên, ông Juergen Hartwig cũng cho biết GIZ chỉ là cơ quan phụ trách hợp tác kỹ thuật, bao gồm cả nguồn vốn kỹ thuật không hoàn lại và xây dựng năng lực cho 130 quốc gia. Các chương trình hoạt động của GIZ sẽ dựa trên kết quả đàm phán hàng năm giữa chính phủ hai nước trong việc phân bổ nguồn vốn ngắn hạn.
Thông thường, GIZ sẽ hỗ trợ các quốc gia 3 lĩnh vực, gồm môi trường, năng lượng và đào tạo nghề. Mỗi lĩnh vực sẽ kéo dài theo một số năm nhất định. Nhưng trung bình 3 năm gia hạn một lần. Riêng đào tạo nghề tại Việt Nam đã kéo dài 10 năm.
Trao đổi tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhìn nhận công tác đào tạo của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và mong muốn hợp tác và nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn nữa từ GIZ.
Hồng Nhung