Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước nhằm đưa kinh tế tập thể (KTTT) thoát khỏi những yếu kém, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn để kinh tế nhà nước cùng với KTTT ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt là hỗ trợ HTX theo Quyết định 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020, phát triển HTX, Liên hiệp HTX tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và tái cơ cấu nông nghiệp, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam xác định khu vực kinh tế hợp tác (KTHT), HTX, trong đó có HTX nông nghiệp là một trong những đối tượng ưu tiên đầu tư tín dụng và có nhiều chính sách hỗ trợ.
Doanh số vay đạt 69.147 tỷ đồng
Cụ thể, từ năm 2011, NHNN áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thấp hơn 1 - 2% so với mặt bằng lãi suất chung, điều chỉnh giảm từ mức 15% xuống hiện nay là 6,5%. Đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm và chỉ bằng khoảng 40% nửa cuối năm 2011, thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006. Đây là yếu tố tích cực để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX.
Sau 15 năm triển khai Nghị quyết 13, trong giai đoạn 2003 - 2018, doanh số cho vay đối với khu vực KTHT đạt 69.147 tỷ đồng, bình quân mỗi năm doanh số cho vay đạt 4.610 tỷ đồng. Số khách hàng còn dư nợ tăng từ 787 khách hàng năm 2003 lên 1.808 khách hàng còn dư nợ đến cuối năm 2018. Trong đó, dự nợ cho vay đối với các HTX, Liên hiệp HTX nông, lâm, ngư, diêm nghiệp tăng từ 114 tỷ đồng năm 2003 lên 771 tỷ đồng vào cuối năm 2018.
Cùng với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khác của Nhà nước, đầu tư tín dụng ngân hàng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của các HTX nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các thành viên HTX, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững cho hàng ngàn lao động. Cơ chế, chính sách tín dụng tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện cho HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh và tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, nhưng đại diện NHNN cũng xác định, đầu tư vốn tín dụng đối với các HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, hạn chế, làm ảnh hưởng đến nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển KTHT, HTX.
Nguyên nhân chính của khó khăn là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn tiềm ẩn rủi ro thiên tai, dịch bệnh, thị trường sản phẩm không ổn định; một số HTX chưa đủ điều kiện tiếp cận, tiếp nhận vốn tín dụng do bản thân các HTX còn hạn chế trong quản trị, điều hành, năng lực tổ chức quản lý, hoạt động, quản lý vốn còn yếu kém; hiệu quả hoạt động của một số HTX nông nghiệp còn thấp, số lượng dịch vụ ít, chất lượng dịch vụ chưa cao, chưa đáp ứng được sự thay đổi của thị trường, sản xuất hàng hóa chưa gắn với thị trường tiêu thụ, chưa có sự liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; một số HTX sử dụng không hiệu quả nguồn vốn vay, sử dụng vốn vay sai mục đích, nợ quá hạn kéo dài, có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước...
![]() |
Mục tiêu phát triển 15.000 HTX
Theo đánh giá của đại diện NHNN, để triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Đảng, Chính phủ, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của HTX nông nghiệp trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế đất nước, thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cho vay đối với các HTX nông nghiệp gắn liền với mục tiêu tái cơ cấu nền nông nghiệp, xây dựng NTM, đặc biệt là hoạt động sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, phát triển chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, có tác động lan tỏa tới nền kinh tế và số đông hộ nông dân.
Theo đó, NHNN tập trung vào các giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về HTX nói chung và chính sách hỗ trợ tín dụng đối với HTX nông nghiệp nói riêng; ổn định các mức lãi suất điều hành để kiểm soát và điều tiết lãi suất thị trường phù hợp, thực hiện các giải pháp hỗ trợ các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng có hiệu quả; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng cho vay các mô hình HTX kiểu mới làm ăn có hiệu quả, theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm có thế mạnh, có giá trị thương mại cao, tác động lan tỏa tới nền kinh tế và số đông hộ nông dân.
Đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản và phù hợp với đối tượng khách hàng là các HTX; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc rà soát, hoàn thiện và triển khai các cơ chế, hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020 và xây dựng mô hình điểm về HTX kiểu mới tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đề án phát triển 15.000 HTX, Liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020...
Phạm Duy