Ở ấp 1, xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc có bà Tòng Thị Gái, 63 tuổi, dân tộc Chơ Ro, là người rành cách may trang phục truyền thống của người Châu Ro.
Không để mai một trang phục truyền thống
Theo đó, điểm đặc biệt của bộ váy của phụ nữ Chơ Ro là phần chân váy được kết dạng lưới, mắt lưới là những quả cầu nhỏ đan vào nhau, áo may kiểu không tay, lệch vai.
Bà Gái cho biết, y phục nguyên thủy của người Chơ Ro gồm có váy dành cho nữ và khố dành cho nam. Váy và khố được đan từ vỏ cây rừng nên có hoa văn dọc ngang kiểu carô. Vòng, xuyến, viền áo là những khoen đồng, ngà hay sừng động vật.
![]() |
Trang phục truyền thống của người Chơ Ro ở Bà Rịa - Vũng Tàu thường được sử dụng trong các dịp lễ hội. |
Thế nhưng, bà Gái trăn trở, trang phục truyền thống của người Chơ Ro chỉ còn được sử dụng trong các dịp lễ hội.
Hiện nay, việc khôi phục trang phục truyền thống của dân tộc mình vẫn là điều mong mỏi với những người Chơ Ro tâm huyết tại Bà Rịa-Vũng Tàu, nhất là để thế hệ thanh thiếu niên quan tâm nhiều hơn đến việc bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Hơn thế nữa, việc tìm lại trang phục nguyên gốc của người Chơ Ro không phải chuyện dễ, bởi ngay cả những người cao tuổi nhất trong cộng đồng cũng không phải ai cũng lưu giữ được trang phục truyền thống của cha ông mình.
Theo một số nhà nghiên cứu, trên cơ sở khảo sát, điều tra, điền dã kết hợp phỏng vấn, so sánh, đối chiếu… đưa ra các dẫn chứng rằng, người Chơ Ro thuở xưa có kỹ thuật dệt vải giống như nhiều dân tộc ở khu vực nam Tây Nguyên.
Điều này chứng tỏ người Chơ Ro có trang phục cổ truyền riêng của dân tộc mình. Thế nhưng, do chiến tranh loạn lạc, họ sống rải rác thành từng nhóm nhỏ xen cư với các dân tộc khác, lại liên tục di chuyển chỗ ở nên không còn lưu giữ được trang phục dân tộc.
Trong đề tài khoa học “Nghiên cứu và phục chế trang phục truyền thống của người Chơ Ro”, ông Trần Tấn Vĩnh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã từng nhấn mạnh đến việc phục chế trang phục Chơ Ro làm đồng phục cho các học sinh Trường Dân tộc Nội trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm giúp các em học sinh người Chơ Ro kế tục, giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc mình trong sinh hoạt hàng ngày.
Ông Vĩnh được xem là người tiên phong cho công cuộc bảo tồn văn hóa dân tộc, và là tác giả của quyển Từ điển Việt - Chơ Ro với hơn 10.000 từ.
Bảo tồn văn hóa Chơ Ro
Những năm qua, Trường Dân tộc Nội trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã nỗ lực bảo tồn văn hóa Chơ Ro bằng việc duy trì Câu lạc bộ múa dân tộc, hát dân ca Chơ Ro.
Trường cũng hỗ trợ truyền dạy cho các câu lạc bộ hát, múa tiếng dân tộc ở Long Tân (Đất Đỏ), Hắc Dịch (thị xã Phú Mỹ), Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc)… những động tác múa, bài hát Chơ Ro để đồng bào không quên nền văn hóa dân tộc mình.
![]() |
Việc duy trì các câu lạc bộ múa dân tộc, hát dân ca Chơ Ro giúp cho việc bảo tồn văn hóa Chơ Ro ở Bà Rịa - Vũng Tàu được tốt hơn. |
Theo thầy Đào Phước, Phó Hiệu trưởng Trường Dân tộc Nội trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nét đặc biệt của các câu lạc bộ hát múa dân tộc là sự tham gia của thanh thiếu niên chiếm đa số, nên có sự nhiệt huyết, mới mẻ. "Chúng tôi muốn truyền lửa, tạo sự đam mê cho các em, từ đó các em sẽ là những hạt nhân để tiếp tục nhân rộng các bài múa, điệu hát của người Chơ Ro", ông Phước nói.
Cùng các nghệ nhân tại thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức, Trường Dân tộc Nội trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã sưu tầm, lưu giữ các điệu múa, cách đánh chiêng, làm đàn tre… của người Chơ Ro để truyền dạy cho học sinh.
Còn theo thầy Dương Văn Củng - một giáo viên của trường, những động tác trong đời sống, sản xuất của người Chơ Ro như: tưới cây, trỉa hạt, mời khách… đã được chuyển tải thành những động tác múa đơn giản trong câu lạc bộ hát múa dân tộc.
“Tôi mê từng điệu múa của người Chơ Ro từ nhỏ. Lớn lên, tôi tìm kiếm, học hỏi từ các nghệ nhân, người lớn tuổi, bổ sung kiến thức về múa truyền thống, từ đó truyền lại để các em không quên văn hóa dân tộc mình”, thầy Củng nói.
Các giáo viên của trường Trường Dân tộc Nội trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ, điều mà họ trăn trở nhất là làm sao giáo dục thế hệ trẻ Chơ Ro biết giữ gìn văn hóa dân tộc mình, cũng như khôi phục, giảng dạy chữ viết Chơ Ro. Điều này nhằm tránh mất đi các bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc.
Theo thống kê, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hơn 9.000 người Chơ Ro đang sinh sống, tập trung ở xã Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc); thị trấn Ngãi Giao, các xã Bàu Chinh, Kim Long, Bình Giã (huyện Châu Đức); Châu Pha, Hắc Dịch (huyện Tân Thành).
Và hiện nay, cùng với sự quan tâm của chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều người Chơ Ro đi trước vẫn luôn dành tâm huyết truyền dạy cho thế hệ sau những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình, từ trang phục, ngôi nhà sàn truyền thống, cho đến các lễ hội cúng thần rừng, thần lúa hay các nhạc cụ, nhạc khí, các bài ca, điệu múa dân gian...
Thanh Loan
Bài 2: Nỗ lực vươn lên thoát nghèo