Sóc Tà Ngáo, ấp Phú Tâm ở xã biên giới An Phú (huyện Tịnh Biên) có 100% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Trước đây, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Tà Ngáo đổi thay
Tuy nhiên, những năm gần đầy, nhờ chính quyền địa phương triển khai lồng ghép có hiệu quả các chương trình giảm nghèo của Chính phủ: 134, 135, 167... nên đời sống vật chất, tinh thần của bà con Khmer ở sóc Tà Ngáo không ngừng được cải thiện.
![]() |
Chăn nuôi dê giúp đồng bào Khmer ở sóc Tà Ngáo (xã An Phú, Tịnh Biên) nâng cao đời sống. |
Cuộc sống người Khmer ở sóc Tà Ngáo đang đổi thay từng ngày. Đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đã đến tận tay người nghèo, vì vậy, nhiều người dân trong sóc đã biết tận dụng nguồn vốn, đầu tư sản xuất và chăn nuôi như: nuôi bò, dê, trâu, lợn... đạt hiệu quả cao, từ đó góp phần thoát nghèo bền vững.
Hồi cuối năm ngoái, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020, Hội Nông dân xã An Phú đã tổ chức trao 42 con dê sinh sản cho 23 hộ nông dân là những hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào người Khmer ở sóc Tà Ngáo và trên địa bàn xã.
Ngoài hỗ trợ dê giống sinh sản, Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, xây dựng chuồng trại, cách phòng trị bệnh và thực hiện việc tiêm phòng đầy đủ.
Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi dê, từng bước chuyển đổi cơ cấu vật nuôi trong sản xuất, các hộ nghèo được tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi gia súc, tạo vùng sản xuất hàng hóa, là bước ban đầu cho việc phát triển trang trại. Từng bước giúp các hộ nghèo, bà con nông dân trên địa bàn vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trên cơ sở nhu cầu sau lớp dạy nghề chăn nuôi dê do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Tịnh Biên tổ chức, UBND xã An Phú quyết định thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi dê, với 15 thành viên (trong đó có các nông dân Khmer ở ấp biên giới Phú Tâm) tham gia, quy mô ít nhất 15 con và nhiều nhất 100 con.
Hiện nay, người Khmer ở sóc Tà Ngáo ngoài làm nông nghiệp, khai thác và nâng cao giá trị các sản phẩm làm từ cây thốt nốt, còn phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn trái. Vì vậy, UBND xã An Phú đã huy động các nguồn lực, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào.
Phong trào nuôi dê ở xã An Phú những năm gần đây tập trung nhiều nhất tại sóc Tà Ngáo và ấp biên giới Phú Tâm, với giống nội địa hay còn gọi dê cỏ, hiệu quả kinh tế không cao.
Tà Lọt chuyển mình
Theo anh Nguyễn Văn Nhạc, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Phú, sau một năm thành lập, Tổ hợp tác nuôi dê xã An Phú hoạt động mang lại hiệu quả nhiều mặt, kể cả kinh tế gia đình và cộng đồng xã hội, nhất là với các thành viên là đồng bào Khmer. Việc chỉnh trang chuồng trại tốt hơn, đảm bảo vệ sinh môi trường và hướng tới “chăn nuôi an toàn" theo phương pháp kỹ thuật.
![]() |
Hoạt động chăn nuôi bò đang phát triển mạnh ở ấp Tà Lọt và xã An Hảo (Tịnh Biên). |
“Đó là lợi ích lớn nhất mà các thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi dê xã An Phú đã đạt được. Mô hình đang xem xét nhân rộng ở địa phương”, anh Nhạc khẳng định. Đây cũng là mô hình kinh tế hợp tác thu hút hội viên, nông dân Khmer quan tâm hiện nay.
Còn tại ấp Tà Lọt (nơi tập trung đông đồng bào dân tộc Khmer) thuộc xã An Hảo (huyện Tịnh Biên), cũng đang từng bước chuyển mình trong hoạt động chăn nuôi của đồng bào Khmer.
Như với nghề nuôi dê thì các hộ nông dân Khmer trong ấp đang nuôi các giống dê Hòa Lan, Bách Thảo, dê cỏ giống địa phương và dê Boer. Trong đó, việc nuôi dê Boer được cho là mang lại hiệu quả cao nhất nên đang được bà con Khmer nhân rộng.
Nhiều hộ nông dân Khmer trong ấp Tà Lọt nuôi dê theo kiểu bán chăn thả với quy mô từ 15 - 30 con, thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/năm. Qua đó góp phần cải thiện cuộc sống gia đình, đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, nhất là các xã miền núi, đất cát khô cằn, thiếu điều kiện canh tác lúa rẫy, hoa màu.
Ngoài hoạt động chăn nuôi dê, nhiều năm qua, tỉnh An Giang đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam chọn ấp Tà Lọt nói riêng và xã An Hảo nói chung để làm thí điểm triển khai chương trình giúp nông dân Khmer nâng cao tầm vóc đàn bò. Nhất là chăn nuôi giống bò lai Sind đang giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào Khmer.
Từ đó, huyện Tịnh Biên cũng đã xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng mô hình nuôi bò lai Sind ra các xã có nhiều đồng bào Khmer như: Vĩnh Trung, Văn Giáo, Tân Lợi. Nhờ đem lại hiệu quả kinh tế cao nên phong trào chăn nuôi bò ở Tịnh Biên hiện nay phát triển mạnh, với số lượng đàn bò lên tới khoảng 20.000 con.
Thanh Loan
Bài 2: Khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo