Ông Hoàng Hữu An, Bí thư Huyện ủy Than Uyên, cho biết huyện đang tập trung huy động mọi nguồn lực phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Trong lộ trình thực hiện, hiệu quả của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã và đang góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn các xã.
Hiệu quả chuyển đổi sản xuất
Đến nay, huyện Than Uyên đã hình thành và phát triển thành công vùng sản xuất lúa chất lượng cao tập trung với quy mô 1.300 ha, sản lượng 6.500 tấn/năm, vùng chuyên canh sản xuất lúa đặc sản Séng cù quy mô 275 ha, sản lượng 1.235 tấn/năm, thu nhập và đời sống của người dân nông thôn liên tục được nâng cao.
![]() |
Hoạt động sản xuất của người dân tộc thiểu số ở Than Uyên đang có những chuyển biến tích cực, giá trị được nâng lên. |
Pha Mu là một trong những địa phương điển hình ở Than Uyên trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, xác định chăn nuôi là ngành mũi nhọn của địa phương, xã đã tuyên truyền, vận động và khuyến khích các hộ dân chuyển đổi phương thức chăn nuôi, hình thành mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo theo quy mô trang trại, gia trại, từ đó nâng cao giá trị sản xuất.
Đơn cử như anh Lò Văn Mặc, dân tộc Thái, bản Chít, xã Pha Mu đã chuyển đổi thành công từ cây trồng kém hiệu quả sang chăn nuôi gia súc với 16 con trâu, bò và dê. Cùng đó, anh kết hợp trồng quế, mang lại thu nhập ổn cho gia đình.
Anh Mặc cho biết từ khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình anh có thu nhập hơn 60 triệu đồng/năm từ chăn nuôi và 20 triệu đồng/năm từ tiền dịch vụ môi trường rừng. Trước đây trồng lúa, ngô chỉ đủ ăn, không có dư dả, nhưng nay có thêm thu nhập nên cuộc sống cũng ổn định hơn.
Còn anh Vừ A Khư, người dân tộc Mông, bản Huổi Bắc, xã Pha Mu đã mạnh dạn chăn nuôi gia súc, đến nay có 4 con bò, 3 con trâu. Mỗi năm, tổng thu nhập của gia đình khoảng 50 - 60 triệu đồng. Thời gian tới, anh tiếp tục chú trọng chăn nuôi gia súc và kết hợp trồng quế với hy vọng có thêm thu nhập.
Tương tự, ở Mường Cang, một xã có đông đồng bào tộc thiểu số như Thái, Mường, Dao… khi bắt tay vào triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới cũng đã chủ động đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy vai trò của các HTX.
Trong quá trình thực hiện, xã gắn việc phát triển sản xuất với các mục tiêu, nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã được áp dụng và nhân rộng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất, thu hoạch của xã đến nay đạt khoảng 70%.
Đặc biệt, UBND xã đã chỉ đạo nhân rộng mô hình trồng lúa Séng cù. Trong đó, HTX xây dựng Thanh Xuân là đơn vị tiêu biểu phát triển loại đặc sản này theo hướng hàng hóa khi không chỉ liên kết bao tiêu sản phẩm lúa Séng cù cho nông dân trong xã, mà với cả các hộ dân trên địa bàn huyện.
Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2009, đến nay HTX có 12 thành viên. HTX ký kết hợp đồng với hơn 200 hộ dân ở 2 xã Hua Nà và Mường Cang, 2/3 trong đó là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, sản xuất trên tổng diện tích hơn 30 ha lúa.
Ngoài ra, HTX còn đầu tư xe tải vận chuyển, thuê thêm nhân công làm việc… Trung bình mỗi năm, HTX thu mua, chế biến và xuất bán ra thị trường hơn 300 tấn gạo, doanh thu hàng tỷ đồng.
"Nước rút" để về đích đúng hẹn
Hiệu quả của quá trình chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với chuỗi giá trị đang giúp huyện Than Uyên xây dựng thành công nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh như gạo Séng cù, nếp tan pỏm, ổi Hua Nà, ruốc cá lăng...
![]() |
Hiệu quả chuyển đổi sản xuất là cơ sở để Than Uyên hướng tới các mục tiêu xây dựng nông nghiệp, nông thôn bền vững. |
Đặc biệt, huyện thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển các trang trại, HTX, tổ hợp tác, tăng cường liên kết chuỗi giá trị. Nhờ vậy, trong giai đoạn 2015 - 2020, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện đạt 31.994/30.800 tấn, thu nhập bình quân đầu người đạt 38,5 triệu đồng/năm.
Đến nay, huyện Than Uyên có 7/11 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,98%. Hơn 699 km đường giao thông nông thôn được cứng hóa, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trên 99,1% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia thường xuyên... Chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ngày được duy trì và từng bước nâng lên.
Bí thư Huyện Ủy Than Uyên Hoàng Hữu An cho biết, để hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Than Uyên trở thành huyện nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền huyện Than Uyên đã xây dựng lộ trình cụ thể, không nóng vội, chạy theo thành tích.
Theo đó, đối với 7 xã đã đạt chuẩn, huyện chỉ đạo rà soát kỹ các tiêu chí để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng; xây dựng ít nhất 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 bản nông thôn mới gắn với du lịch cộng đồng.
Với 4 xã Tà Mung, Khoen On, Tà Hừa, Pha Mu, huyện chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phân bổ nguồn lực hợp lý, đồng thời xác định tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau, các tiêu chí không phải bố trí kinh phí cần quyết liệt thực hiện hiệu quả.
Riêng 9 nhóm tiêu chí của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Than Uyên sẽ tập trung thực hiện tiêu chí giao thông, môi trường và văn hóa, giáo dục.
Đối với tiêu chí sản xuất, huyện đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 3 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 48,5 triệu đồng; 100% các xã có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều dưới 12%.
Xác định người dân đóng vai trò chủ thể trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện Than Uyên đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số hiểu về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”.
Mỹ Chí