Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện Kim Bôi vẫn đạt được những kết quả tích cực nhờ quá trình triển khai, thực hiện linh hoạt, chủ động, sát với nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động của HTX, doanh nghiệp.
Có nghề là có thu nhập
Gia đình chị Cao Thị Huyền, dân tộc Mường, xóm Tre Thị, xã Xuân Thủy trước đây chỉ biết sản xuất nông nghiệp thuần túy, chăn nuôi theo kiểu truyền thống, công việc vất vả nhưng thu nhập khá thấp.
![]() |
Nhờ được dạy nghề, nhiều lao động dân tộc thiểu số ở huyện Kim Bôi đã có việc làm ổn định, thu nhập cao. |
Năm 2019, sau khi được tham gia lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ bệnh cho lợn theo Đề án 1956, hiệu quả chăn nuôi của gia đình chị Huyền đã được nâng lên đáng kể. Khu chăn nuôi của gia đình cduy trì 5 con lợn nái, 30 con lợn thịt, thu nhập bình quân 50 - 70 triệu đồng/năm.
Gia đình chị Huyền chỉ là một trong nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Kim Bôi phát huy được nghề đã học, từ đó đem lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống. Đáng chú ý, công tác đào tạo nghề ở Kim Bôi đang có sự tham gia tích cực của các HTX, tổ hợp tác.
Đơn cử, trong thời gian qua, bên cạnh lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất tinh dầu sả, HTX dịch vụ nông nghiệp Huy Chỉ, xã Hùng Sơn đã xây dựng thêm xưởng may, thành lập đội ngũ lao động lành nghề để triển khai may gia công cho một doanh nghiệp may mặc xuất khẩu ở Hà Nội.
Xuất phát từ nhu cầu của lao động nông thôn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kim Bôi đã phối hợp với HTX trong việc hỗ trợ dạy nghề, kết nối việc làm cho người dân địa phương.
Sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề may công nghiệp, 28/28 học viên đã được nhận vào làm việc tại xưởng may gia công của HTX. Mức lương tối thiểu của công nhân tại xưởng đạt 6 - 8 triệu đồng/người/ tháng. Riêng tháng cao điểm Tết Nguyên đán, thu nhập của người lao động cao gấp 1,5 lần.
Chị Bạch Thị Như, xã Hùng Sơn, công nhân may của HTX Huy Chỉ cho biết, chị làm công nhân may cho HTX từ 3 năm nay. Hiện, công việc của chị khá ổn định, thu nhập cũng cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp mà không phải ly hương, đi làm lao động trong các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
“Cái hay khi tham gia các lớp dạy nghề của HTX Huy Chỉ là được "cầm tay chỉ việc", sau đó là được nhận vào làm luôn. Nhờ có HTX mà hơn 20 lao động, đa phần là nữ người dân tộc Mường, Dao vốn quan năm "chân lấm, tay bùn" nay có việc làm, thu nhập ổn định”, chị Như phấn khởi nói.
Nâng cao hiệu quả đào tạo
HTX mỹ nghệ Tự Tâm, xã Vĩnh Đồng cũng là một trong những tên tuổi nổi bật trong dạy nghề, tạo việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kim Bôi.
![]() |
Nâng cao hiệu quả dạy nghề là chiến lược trong mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số huyện Kim Bôi. |
Hiện nay, HTX tập trung vào mảng điêu khắc gỗ với các sản phẩm như các con giáp, bàn ghế, đồ gỗ tự nhiên, tượng phật… Sản phẩm của HTX chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước, tại các địa điểm du lịch, văn hóa, khách sạn. Giá cả tùy theo kích cỡ và chất lượng gỗ, dao động từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu, trăm triệu.
Anh Bùi Văn Tự, Giám đốc HTX Tự Tâm cho biết, nghề điêu khắc cần có đam mê, lòng kiên nhẫn mới có thể lành nghề và sáng tạo được. Một lao động trình độ cao của HTX thường có thu nhập 10 - 15 triệu đồng/tháng, còn với thợ mới ra nghề thu nhập cũng được 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, với đội ngũ lao động có tay nghề cao, HTX đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, giúp đỡ nhiều thanh niên trong xã và các vùng lân cận học nghề điêu khắc gỗ. Từ các khóa dạy nghề của HTX, nhiều lao động đã tự tin làm nghề, thành lập các xưởng mộc có tiếng tại địa phương.
Một nghề khác gắn với hiệu quả sau đào tạo trên địa bàn huyện Kim Bôi là nghề may túi xách siêu thị. Đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kim Bôi đã đào tạo cho 90 học viên nữ là người dân tộc thiểu số.
Qua kênh tiêu thụ của các HTX, doanh nghiệp địa phương, 100% học viên được nhận vào làm tại xưởng may túi xách siêu thị xã Nam Thượng, Đông Bắc, đảm bảo mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Lê Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi, cho biết thực hiện Đề án 1956, giai đoạn 2010 - 2020, huyện Kim Bôi đã tổ chức mở 278 lớp đào tạo cho hơn 8.400 lao động nông thôn học nghề.
Các nghề phổ biến, mang lại hiệu quả tích cực nhất là làm chổi chít xuất khẩu, may túi xách siêu thị xuất khẩu, trồng cây có múi, nuôi và trị bệnh cho trâu, bò, thêu thổ cẩm, mây tre đan xuất khẩu, chăn nuôi gà hữu cơ, sản xuất rau an toàn, may công nghiệp, hàn điện, sửa chữa máy nông nghiệp...
Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trên địa bàn huyện đạt 90%, riêng lĩnh vực nghề nông nghiệp đạt 100%. Lao động sau khi được đào tạo có nghề nghiệp ổn định, tạo thu nhập cho gia đình, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương.
Thời gian tới, huyện Kim Bôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, để lao động nông thôn biết và tích cực tham gia học nghề.
Đồng thời, huyện sẽ làm tốt việc khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của lao động để có phương án phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt, thực hiện đào tạo nghề theo nhu cầu thực tiễn, gắn với giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mỹ Chí