Với nhiều chính sách hỗ trợ, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn đang từng bước đổi mới tư duy, chủ động đầu tư phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng hàng hóa, giá trị gia tăng.
Nâng cao trình độ sản xuất
Ông Lò Văn Quyền, dân tộc Thái, xã Ea Nuôl, đang sở hữu trang trại chăn nuôi gần 500 con gà lai chọi và 50 con lợn lai chất lượng cao. Nhờ nắm vững kỹ thuật, tuân thủ quy trình chăn nuôi VietGAP, mỗi năm gia đình ông thu lãi gần 200 triệu đồng. Để chủ động giống, ông còn đầu tư lò để tự ấp trứng gà tại nhà.
Ông Quyền chia sẻ, thời gian trước đây, gia đình ông thuộc diện khó khăn, hai vợ chồng đi làm thuê để trang trải chi phí sinh hoạt và nuôi các con ăn học nên lúc nào cũng thiếu trước hụt sau.
![]() |
Được trang bị kiến thức đầy đủ, người nông dân tự tin phát triển sản xuất. |
Năm 2017, sau khi được xã tạo điều kiện tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi gà và lợn do Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên của huyện tổ chức, gia đình ông Quyền đã áp dụng ngay kiến thức để xây dựng trang trại tổng hợp.
Theo ông Quyền, không chỉ gia đình ông, mà nhiều gia đình khác ở Ea Nuôl cũng có cuộc sống khá hơn nhờ được đào tạo nghề. Tại các lợp tập huấn ngắn hạn 2 - 3 tháng, người dân được truyền đạt những kiến thức chăn nuôi như thiết kế chuồng trại, cách chọn giống nuôi phù hợp, phương pháp lựa chọn thức ăn, phối trộn thức ăn, khẩu phần ăn cho vật nuôi theo từng giai đoạn…
Đặc biệt, xã Ea Nuôl cũng quan tâm phát triển các HTX trong lĩnh vực chăn nuôi nhằm thu hút lao động sau học nghề liên kết tham gia vào các mô hình kinh tế hợp tác. Điển hình như HTX sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Quân Vương Đắk Lắk, được thành lập năm 2017.
Anh Hoàng Minh Tuấn, Giám đốc HTX chia sẻ: “Hàng năm, HTX đã tổ chức các đợt tập huấn về vệ sinh an toàn lao động, an toàn thực phẩm cho tất cả thành viên và người lao động”.
Ngoài ra, HTX tổ chức cho cán bộ nhân viên đi tham quan các địa điểm chăn nuôi điển hình để học hỏi và mở rộng tầm nhìn. Bên cạnh đó, HTX hỗ trợ chi phí con giống, thức ăn và thuốc thú y cho các hộ thành viên trong quá trình chăn nuôi, giúp người lao động tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Tương tự, ở xã Ea Wen, công tác dạy nghề nâng cao trình độ sản xuất, giúp nông dân trên địa bàn tự tin phát triển sản xuất cũng đang được đầu tư mạnh và cho thấy kết quả tích cực.
Điển hình, gia đình ông Lục Văn Tuyên, dân tộc Tày, xã Ea Wen, trước đây từng là một hộ nghèo. Dù có hơn 1 ha đất sản xuất, nhưng vì phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên năng suất các loại cây ngắn ngày như rau, đậu đạt thấp, thu nhập bấp bênh, được tháng nào biết tháng đó.
Được các cán bộ khuyến nông địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, ông Tuyên đã thực hiện mô hình kết hợp chăn nuôi gia cầm dưới tán cây ca cao và cây ăn quả.
Năm 2013, ông Tuyên vay 7 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng ca cao và đầu tư trồng xen canh cam, quýt đường, nuôi gà, bồ câu Pháp thả quanh vườn. Nhờ nguồn thu từ mô hình nuôi, trồng kết hợp, gia đình ông hiện có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Thêm lực đẩy để bứt phá
Cũng giống như gia đình ông Tuyên, rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn đã phát triển kinh tế hiệu quả từ sự hướng dẫn, hỗ trợ của chính quyền địa phương.
![]() |
Sự chủ động của người dân cùng sự đồng hành của địa phương sẽ là động lực cho nông nghiệp huyện Buôn Đôn bứt phá. |
Theo ông Y Si Thắt Ksơr, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, những năm qua, để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo, huyện đã chủ trương, định hướng chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả.
Huyện cũng chỉ đạo các phòng, ban chức năng xúc tiến tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho đồng bào dân tộc thiểu số, liên kết với các HTX, doanh nghiệp hỗ trợ người dân con giống, thức ăn chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm.
Để nâng cao trình độ sản xuất cho người dân, huyện Buôn Đôn đã thống nhất chủ trương, chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhờ đó, các trung tâm dạy nghề của huyện đã triển khai các lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thị trường.
Trong 5 năm qua, nhiều mô hình đào tạo nghề đã được huyện Buôn Đôn triển khai thành công. Tỷ lệ lao động thuộc nhóm nghề nông nghiệp được đào tạo chiếm 64%, chủ yếu là đào tạo về chăn nuôi, trồng trọt. Nhóm nghề phi nông nghiệp qua đào tạo chiếm 36%, như may công nghiệp, may dân dụng, xây dựng dân dụng…
Các học viên tham gia đào tạo nghề từng bước thay đổi tư duy, chú trọng đầu tư sản xuất để nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống. Sau khi học nghề, nhiều người đã tham gia làm việc tại các HTX, doanh nghiệp, hoặc tự tin mở rộng mô hình sản xuất, thu nhập cao.
Thời gian tới, bên cạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, huyện sẽ tập trung nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, từng bước hình thành chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, huyện chủ trương đầu tư phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về cảnh quan, thiên nhiên, truyền thống, bản sắc dân tộc. Hình thành các khu du lịch, điểm du lịch quy mô lớn gắn với du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, nghiên cứu khoa học...
“Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Buôn Đôn sẽ tập trung đầu tư mạnh mẽ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thành công các chương trình nông thôn mới, giảm nghèo. Trước mắt, huyện sẽ triển khai nhân rộng các mô hình, dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả, chú trọng công tác đào tạo nghề, cải thiện giao thông nông thôn, nước sinh hoạt, kỹ thuật canh tác, hỗ trợ tư liệu sản xuất cho đồng bào các dân tộc thiểu số", Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Y Si Thắt Ksơr nhấn mạnh.
Hưng Nguyên