Như phản ánh của Thời báo Kinh Doanh trong số báo trước, theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong số 49 dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ của 5 tháng đầu năm 2019, có tới 21 dự án của Trung Quốc, tương đương 43% tổng vốn FDI đầu tư vào ngành gỗ.
Việc xác định có hay không doanh nghiệp (DN) gỗ Trung Quốc lợi dụng nguồn gốc xuất xứ gỗ Việt Nam để xuất khẩu (XK) sang Mỹ né thuế đang tiếp tục được làm rõ thì DN Việt Nam hiện đang gặp phải rất nhiều khó khăn để cạnh tranh với DN Trung Quốc.
Giá bán giảm, khó mua nguyên liệu
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch XK các mặt hàng gỗ từ Việt Nam vào Mỹ tăng rất nhanh, đặc biệt từ nửa cuối năm 2018, từ 3,1 tỷ USD năm 2017 lên 3,6 tỷ USD năm 2018, tương đương tăng trưởng gần 30%.
Kim ngạch XK sang thị trường này tăng mạnh, bắt đầu từ nửa sau của năm 2018. Trong 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch XK vào Mỹ đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Nếu tốc độ mở rộng XK trong quý I được duy trì, Việt Nam sẽ chuyển từ vị trí thứ 12 năm 2018 lên vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng các nhà cung mặt hàng gỗ lớn nhất cho Mỹ trong năm 2019. Các mặt hàng từ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng XK vào Mỹ lớn nhất bao gồm gỗ dán, ván ép, ghế ngồi, nội thất nhà bếp.
Tín hiệu thị trường rất tích cực, song các DN gỗ Việt Nam lại cho biết đang rơi vào tình cảnh rất khó khăn, trước bờ vực phá sản.
Ông Trương Hữu Thắng, Chủ tịch công ty TNHH Tập đoàn gỗ Hương Sơn (Bắc Giang), cho hay, đến năm 2019, thị trường ảm đạm đến mức không thể tưởng tượng.
Ông Thắng chia sẻ: “Năm 2018, chúng tôi bán được 480 USD/khối gỗ, nhưng những tháng đầu năm 2019, giá giảm xuống 380 USD/khối, giảm gần 100 USD chỉ trong mấy tháng”.
Hiện nay, đại diện DN gỗ Hương Sơn cho biết, mỗi khối gỗ sản xuất ra, DN lỗ vốn gần 500 nghìn đồng, tương đương 20 – 25 USD. Nếu muốn duy trì sản xuất và bán được hàng, DN phải chấp nhận lỗ vốn. Để tồn tại, DN đang phải tìm mọi cách cắt giảm chi phí sản xuất.
Theo ông Thắng, nguyên nhân là do thời gian gần đây, nguồn gỗ từ Trung Quốc bị ứ đọng từ trước đến nay đã tuồn sang Việt Nam qua đường biên giới. Hiện, nhiều đoàn container chở gỗ qua biên giới đi về nhà máy của DN Trung Quốc rồi từ đó xuất bán giá rẻ sang Mỹ.
Trước thực tế trên, DN Hương Sơn kiến nghị: “Chúng tôi sẽ cố gắng thay đổi bản thân, nâng cao trình độ sản xuất, công nghệ chế biến để theo kịp xu hướng thế giới. DN muốn vươn lên không khó nhưng khó nhất là phải cạnh tranh với hàng gian lận thương mại. Cũng như chính sách của Nhà nước phải giúp DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi”.
Cùng tình cảnh, ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc CTCP sản xuất và thương mại Kim Sen (Phú Thọ), cho biết giá XK gỗ như công ty Hương Sơn còn cao hơn DN của ông. Hiện nay, Kim Sen chỉ XK được 330 – 340 USD/ khối gỗ, DN đang rơi vào tình cảnh thua lỗ, hàng nghìn công nhân có nguy cơ sẽ mất việc làm.
Hơn nữa, khó khăn nhất của DN hiện nay là phải cạnh tranh thu mua nguyên liệu với DN gỗ Trung Quốc. Thời gian gần đây, DN gỗ Trung Quốc sang Việt Nam rất nhiều, điều đầu tiên là cạnh tranh vùng nguyên liệu với DN Việt Nam.
![]() |
Giá gỗ xuất khẩu sang Mỹ liên tục lao dốc |
Cần xem lại chính mình
Ông Hồng cho biết DN cuả ông gần như thua trên sân nhà, bởi DN Trung Quốc đang đẩy giá thu mua nguyên liệu lên cao. “Chúng tôi không hiểu họ sản xuất thế nào mà giá mua nguyên liệu cao hơn 300 – 400 nghìn đồng/khối gỗ, do đó DN Việt Nam không thể mua được với giá đó”, ông Hồng nói.
Đề cập tới nghi vấn hàng tạm nhập tái xuất, ông Hồng cho biết có DN Trung Quốc chỉ sản xuất 500 khối gỗ mỗi tháng, nhưng thực tế XK với số lượng rất lớn. Vậy, họ lấy ở đâu; Có hay không việc gỗ từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó XK sang Mỹ. Hiện nay, ngành thép Mỹ gần như đóng cửa với Việt Nam, nếu giờ mà phía Mỹ phát hiện ra ngành gỗ tạo điều kiện cho gian lận thương mại, chắc chắn con đường XK gỗ sang Mỹ sẽ rất khó khăn.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc, các DN cho rằng đây là cuộc cạnh tranh gay gắt về nguồn nhân lực, về nguồn nguyên liệu…, đặc biệt trong bối cảnh ngành gỗ Việt Nam hiện tại vẫn phải cạnh tranh với các đối tác nước ngoài bằng nguồn nhân công giá rẻ.
Vì vậy, ở một góc nhìn khác, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương, cho rằng đặc thù của DN Việt Nam là yếu và thiếu đủ đường. Vậy làm sao để xử lý thách thức này mới là điều quan trọng.
Trước ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, DN Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam là bình thường, thấy Việt Nam có điều kiện thuận lợi thì họ mới sang. Vì vậy, giờ DN gỗ cứ tin rằng DN Trung Quốc sẽ sang, còn vấn đề của mình là làm sao nâng cao sức mạnh nội lực.
“DN Việt yếu, thiếu đủ chuyện nhưng một trong những thứ chúng ta có thể làm được là liên kết, tạo nên sức mạnh chung của toàn ngành. Một trong những cách hiệu quả nhất là hình thành thật nhanh khu công nghiệp chuyên ngành tập trung, tạo điều kiện cho các DN liên kết với nhau, tránh tình trạng như hiện nay mỗi DN ở một khu, một vùng khác nhau, như tỉnh Bình Dương tập trung 50% giá trị XK đi các nước nhưng thực tế sự liên kết giữa các DN nội địa rất yếu”, ông Hiệp chia sẻ.
Trong khi đó, đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam chia sẻ với việc một số DN trong ngành gỗ lo lắng hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam ảnh hưởng tới DN bản địa.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nếu nhìn nhận một cách tích cực việc DN Trung Quốc sang Việt Nam sẽ thúc đẩy cải tiến công nghệ, quản lý, thiết bị sản xuất của DN Việt Nam. Qua đó, giúp ngành gỗ Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh.
“Thị trường là một cuộc chơi cần sự nỗ lực, không ngừng nâng cao sức cạnh tranh mới sinh tồn được”, vị này nói.
Còn đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến nghị, DN phải tính toán hiệu quả sản xuất, cân nhắc khả năng đầu tư sâu hơn, có nguồn nguyên liệu ổn định, từ đó nâng cao sức cạnh tranh.
Mặt khác, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia Tổ chức Forest Trends cho rằng các hiệp hội cần chủ động cập nhật thông tin từ đối tác của mình, từ các cơ quan chức năng và cập nhật cho các hội viên của mình, nhằm tránh các rủi ro trong thương mại.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Văn Hồng - Giám đốc CTCP sản xuất và thương mại Kim Sen Bảo DN Việt Nam cạnh tranh với Trung Quốc thì thực sự khó vì ngành gỗ ván ép “cha sinh mẹ đẻ” là ở Trung Quốc, bản thân DN Việt Nam cũng phải thuê chuyên gia, nhập máy móc từ Trung Quốc. Vậy nên nếu hàng Trung Quốc giá rẻ chuyển sang Việt Nam, DN sẽ không thể cạnh tranh. Ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương Tôi cho rằng cần tập trung giải quyết năng lực nội tại của DN Việt Nam. Trên thực tế, chúng ta không thể ngăn được việc dịch chuyển, không có chiến tranh thương mại thì sự dịch chuyển vẫn diễn ra bình thường. Về góc độ chính sách, các DN cần tập hợp với nhau để kiến nghị các khó khăn vướng mắc tới cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội sẽ đại diện để nói lên tiếng nói của DN. Ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM Việt Nam có nhiều cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nhưng chúng ta có nắm bắt được hay không và nắm bắt thế nào. Với sự dịch chuyển của DN Trung Quốc sang Việt Nam, sự cạnh tranh về nguyên liệu, lao động là khó tránh khỏi, DN Việt Nam cần xem lại chính mình để cải tiến công nghệ, trình độ quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh. |