Trong ngày 31/8, theo yêu cầu của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, các doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp ở tỉnh này phải hoàn thành việc ký bản cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại DN.
Áp lực các khoản định phí lớn
Tại các khu công nghiệp của Đồng Nai hiện có hơn 1,1 nghìn DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn đầu tư trong nước được chấp thuận cho thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm” để duy trì sản xuất.
![]() |
Vừa lo các khoản định phí lớn, các DN da giày, dệt may cũng mong chờ tháo gỡ bớt những thủ tục bất cập để giảm thiểu phần nào áp lực về chi phí trong bối cảnh dịch Covid-19 đợt 4 ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất kinh doanh. |
Còn thời gian qua, khi thực hiện “3 tại chỗ” đã có 50 DN (với hơn 8.000 người lưu trú trong tổng số 25.400 lao động) trong các khu công nghiệp của Đồng Nai xuất hiện ca dương tính Covid-19 qua sàng lọc xét nghiệm.
Thực tế cho thấy, không chỉ ở Đồng Nai, với những DN ở các tỉnh, thành phía Nam đang duy trì sản xuất theo “3 tại chỗ” hay các DN phải chấp nhận ngừng sản xuất vì có người lao động nhiễm SARS-CoV-2, một trong những áp lực lớn trong lúc này là phải chi trả những khoản định phí lớn như thuê kho bãi, nhà xưởng, phí tồn kho, lãi suất ngân hàng, chi trả lương chờ việc cho người lao động...
Đơn cử như với DN dệt may, một DN cỡ trung bình 4.000 lao động ngưng sản xuất, chỉ riêng khoản chi trả công nhân 14 ngày đầu đã là 4.000 người x 2,5 triệu đồng/người (bình quân) là 10 tỷ đồng.
Hay như với một công ty thủy sản quy mô trung bình, khi ngừng sản xuất sẽ bị thua lỗ khoảng 10 tỷ đồng/tháng. Và hiện tại, nhiều DN thuỷ sản đang cân nhắc tới phương án sẽ ngưng hoạt động hoàn toàn nếu trước 15/9, tình hình dịch bệnh ở địa phương chưa được ngăn chặn và các biện pháp giãn cách xã hội còn tiếp tục kéo dài.
Kết quả khảo sát mới đây từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho thấy, hiện nay đã có tới trên 50% nhà máy chế biến cá tra tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và nhà máy chế biến thủy sản ở miền Đông Tp.HCM đóng cửa. 100% DN khảo sát cho rằng, “3 tại chỗ” chỉ là phương án cầm cự, tạm thời để DN duy trì sản xuất.
Trước tình trạng khó khăn tứ bề như hiện tại, ngoài chính sách hỗ trợ cần nhanh chóng hơn nữa thì những bất cập ở thủ tục, phát sinh chi phí từ quy định mới… vẫn là điều mà các DN mong tiếp tục được tháo gỡ sớm.
Như mới đây, khi góp ý với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) về phương án cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) bày tỏ quan điểm đồng thuận với phương án cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ TN&MT.
Lo quy định mới tạo gánh nặng chi phí
Với số lượng thủ tục hành chính được rà soát (179 thủ tục), trong đó có 85% thủ tục dự kiến cắt giảm, đơn giản hoá và dự kiến chi phí tuân thủ tiết kiệm được chiếm 21,9% tổng chi phí tuân thủ, Vitas hy vọng việc này sẽ giảm gánh nặng rất lớn cho DN.
Ngoài ra, Vitas cũng đang cùng các hiệp hội ngành nghề, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đây cũng được cho là những quy định có tác động rất lớn đến sản xuất kinh doanh của DN.
Liên quan đến Dự thảo Nghị định này, Vasep mới đây đã có công văn đề nghị lùi thời hạn hiệu lực thi hành của Nghị định đến 1/1/2024 và hiệu lực áp dụng trách nhiệm tái chế bao bì sớm nhất là ngày 1/1/2025 vì quá gấp và chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Vasep cho rằng, cả người dân và DN vẫn đang phải gồng mình cùng Chính phủ chống dịch. Nếu Nghị định áp dụng vào ngày 1/1/2022 thì DN phải chịu thêm nhiều gánh nặng chi phí để tuân thủ các yêu cầu mới.
“Thực tế hiện nay, các DN đang gặp khó khăn trong việc sản xuất, kinh doanh, cũng như đã phát sinh rất nhiều khoản chi phí liên quan đến chống dịch Covid-19, không còn nguồn lực cho việc phục hồi sản xuất sau đại dịch chứ chưa tính đến nguồn lực cho việc tuân thủ này”, Vasep nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc áp dụng Nghị định ngay đầu năm 2022 và các quy định về trách nhiệm tái chế bao bì từ ngày 1/1/2024 cũng buộc các DN thuỷ sản phải tăng giá hàng hóa.
Như vậy lại càng bất cập khi cuộc sống của người dân sẽ càng bị ảnh hưởng nặng nề do giá cả hàng hóa đắt hơn trong khi thu nhập và tích lũy tài chính cá nhân đang giảm sút do đại dịch, và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu kép của Chính phủ.
Không những vậy, để đạt được tỷ lệ thu hồi bao bì cao như trong Dự thảo Nghị định quy định, các DN thuỷ sản sẽ cần đầu tư công nghệ mới và thời gian triển khai dự kiến phải mất từ 3 - 5 năm.
Do đó, đây là lúc mà các nhà hoạch định chính sách cần thấu hiểu nỗi lòng của DN để có thể lùi thời hạn hiệu lực thi hành của Nghị định, sớm nhất là từ 3 năm tới và hiệu lực áp dụng trách nhiệm tái chế bao bì là sau 4 năm tới.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.