Bộ NN&PTNT vừa cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) toàn ngành 2 tháng đầu năm 2018 ước đạt 6,1 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, ước tính giá trị nhập khẩu (NK) đạt 5,29 tỷ USD, tăng 30,6%.
Như vậy, kim ngạch NK chỉ kém XK 0,8 tỷ USD. Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng trưởng, NK đang cao hơn XK 0,4%. Bộ NN&PTNT cho biết trong đó, ước tính NK các mặt hàng nông sản chính đạt 4,12 tỷ USD, tăng tới 33,3%.
Nhập khẩu tăng mạnh
Sức ép của hàng NK ngày càng nóng. Câu chuyện của ngành hoa và ngành mía đường là một ví dụ cho thấy hàng ngoại đang có ưu thế hơn hàng nội.
Với ngành mía đường, tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2018 của Bộ NN&PTNT vừa diễn ra, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết năng suất mía của Việt Nam hiện rất thấp, chỉ đạt 64 tấn/ha, trong khi bình quân thế giới 70,7 tấn/ha.
Giá mía Việt Nam bình quân 50 USD/tấn, cao hơn nhiều so với giá mía Brazil (16 USD/tấn), Thái Lan (30 USD/tấn). Hội nhập quốc tế hiện rõ từng ngày với bà con nông dân, doanh nghiệp (DN) ngành mía.
Tuy nhiên, ông Toản cho rằng ngành mía đường không nên trông chờ vào bảo hộ của Nhà nước, thay vào đó nên đa dạng hoá sản phẩm như sản xuất thêm đường hữu cơ.
Về vấn đề của ngành đường, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cần đánh giá sâu sắc để báo cáo lãnh đạo Bộ có quyết sách rõ ràng nên hỗ trợ gì, chứ không phải cấm không cho nhập hay đánh thuế cao.
“Như vậy là trái với cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Liệu ngành mía đường có phải là ngành có lợi thế của Việt Nam, 300.000ha đang có thì cần duy trì thế nào?”, ông Tuấn nêu nhiệm vụ.
Với ngành hoa, những ngày gần đây, các “thủ phủ” trồng hoa tươi đang rơi vào tình cảnh rớt giá vì “lỡ” Tết. Trong khi trước đó, Việt Nam phải chi 18 triệu USD để NK hoa, cây cảnh (bao gồm dạng củ, dạng cây, dạng cành và loại khác). Con số này tăng 46,8% so với dịp Tết một năm trước.
Theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân là do năm nay, Tết đến muộn hơn 1 tháng, người nông dân lại thiếu kỹ thuật điều chỉnh nên đã đẩy ngành hoa rơi vào khó khăn.
Trước tình hình đó, ông Toản cho rằng ngành hoa cần ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; khống chế điều kiện khí hậu, tập trung lai tạo giống, có gói kỹ thuật đồng bộ.
“Ngành hoa hiện nay chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong nước. Muốn XK, hoa phải có chất lượng tốt, đẹp và có bản quyền sở hữu trí tuệ về giống”, ông Toản cho biết.
Lo lắng nền nông nghiệp trong nước ngày càng thiếu sức cạnh tranh với hàng nhập, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng có một điểm nghẽn đang xảy ra với nông nghiệp là nghịch lý “một chiếc xe chạy ra, hai chiếc xe chạy vào” – có nghĩa “XK một nhưng NK hai”. Nguyên nhân là vì chi phí sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam quá cao trong khi chất lượng nông sản kém.
![]() |
Có chế biến, xây dựng thương hiệu thì sản phẩm nông nghiệp mới đi xa
Xuất khẩu bấp bênh
Ở chiều XK, nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mới đây, Tổng cục Thống kê cho biết kim ngạch hàng hóa XK tháng 2/2018 ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 33,7% so với tháng trước, trong đó hầu hết các mặt hàng XK chủ lực có kim ngạch giảm nhiều: Gạo giảm 27,3%; thủy sản giảm 37,3%; hạt điều giảm 51,4%; chè giảm 51,8%; cao su giảm 66,2%.
Riêng với mặt hàng gạo, đầu năm đạt được nhiều kết quả ấn tượng, tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho biết còn không ít thách thức.
“Chúng tôi làm việc với các DN lớn đều nhận thức rõ khâu chế biến sản phẩm gạo của Việt Nam còn thấp so với trình độ chung của thế giới. Việt Nam còn kém xa Thái Lan về đa dạng hoá, chất lượng, mẫu mã và một số vấn đề về thương hiệu gạo”, đại diện Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết.
Do đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết đang nỗ lực hoàn thành và sớm trình Chính phủ đề án khắc phục những yếu kém này. Tuy nhiên, những giải pháp đó chắc chắn sẽ không thể giải quyết yếu kém trong một sớm một chiều.
“Ngành gạo phải cố gắng xây dựng thương hiệu, đồng thời chế biến là cốt lõi đi kèm tổ chức phát triển thị trường”, ông Toản nói.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh, để đảm bảo XK gạo bền vững, thời gian tới, ngành lúa gạo cần tiếp tục kiên trì đi theo con đường nâng cao chất lượng. Phải giữ cơ cấu chủ yếu là gạo XK có chất lượng tốt (chiếm 80%); gạo thường giữ không quá 20%.
“Tới đây phải làm tốt thương hiệu, có thương hiệu lâu dài, chúng ta sẽ giữ được giá”, ông Tuấn nói.
Về XK hồ tiêu, Việt Nam có lợi thế thu hoạch hồ tiêu từ tháng 1 – 7 không trùng với một số vùng phát triển hồ tiêu như Malaysia, Brazil. Trong bối cảnh diện tích hồ tiêu trên thế giới giảm mạnh, giá hồ tiêu lên cao, Việt Nam lại đang có dấu hiệu phát triển nóng ngành hồ tiêu.
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2015, giá hồ tiêu đạt 200.000 đồng/kg, gấp gần 4 lần so với trước đó nhưng chính điều này là thách thức lớn của chúng ta, vì bà con nông dân ồ ạt mở rộng diện tích, dẫn tới chất lượng sản phẩm kém.
Cùng với đó, ngành thuỷ sản hiện nay vẫn thấp thỏm chờ quyết định của Uỷ ban châu Âu (EC). Ngày 23/4 sắp tới là hạn chót để EC quyết định có rút “thẻ vàng” hay sẽ áp dụng “thẻ đỏ” – đồng nghĩa với việc cấm thuỷ sản Việt Nam XK vào thị trường lớn và tiềm năng này.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thuỷ sản, cho biết Bộ NN&PTNT hiện đang triển khai rất nhiều nội dung, giải pháp về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định mà EC yêu cầu.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT đã có các văn bản gửi các Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về việc phối hợp triển khai Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Thời gian qua, tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp tại vùng biển của các quốc gia khác đã giảm rõ rệt sau khi Thủ tướng ban hành Công điện 732, Chỉ thị 45.
Tuy nhiên, “số phận” của ngành thuỷ sản ở thị trường EU thế nào chắc chắn phải chờ tới quyết định chính thức của EC.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn yêu cầu ngành thuỷ sản cần học tập kinh nghiệm về tháo gỡ của Thái Lan, Campuchia cũng đã từng bị áp dụng “thẻ vàng”, có nước bị rút “thẻ đỏ”. Đồng thời, cơ quan chức năng trực thuộc cần thông báo kịp thời cho EC, gặp mặt trao đổi công khai, hợp tác trên tinh thần thẳng thắn, có trách nhiệm, kể cả ngoại giao.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Trước thực tế sản xuất của ngành nông nghiệp hiện cung đã vượt cầu, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương nhằm cải tiến, bổ sung cách xúc tiến thương mại cả ở thị trường trong lẫn ngoài nước nhằm giúp công tác mở rộng thị trường đạt hiệu quả cao. Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Nếu tiếp tục sản xuất theo hướng nhỏ lẻ, manh mún, không kiểm soát được đầu vào… ắt chi phí sẽ cao. Chỉ khi nào người nông dân tham gia vào hợp tác xã, từ đó chi phí sẽ giảm và chất lượng nông sản mới được cải thiện. Kinh tế tập thể phát triển đi kèm các mô hình hợp tác xã kiểu mới đủ mạnh sẽ tháo gỡ được điều này. Ông Hoàng Trọng Thuỷ - Chuyên gia nông nghiệp
Để ngành nông nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng và kim ngạch XK, ngành nông nghiệp phải tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần tăng năng lực thông tin về sản xuất, về thị trường, đưa thông tin về đến cơ sở để các hợp tác xã, DN, nông dân chủ động lựa chọn đối tượng, quy mô sản xuất. Mặt khác, cần tăng cường chất lượng quy hoạch, bố trí các cơ sở chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu tập trung, đặc biệt là đối với nông sản XK. |