Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tính đến ngày 23/8, cả nước có tổng 45.299 dự án điện mặt trời mái nhà đã đi vào vận hành, công suất 1.029 MWp, sản lượng đạt khoảng 500.692 MWh. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn quá nhỏ bé so với tiềm năng kỹ thuật ước tính tổng công suất lên tới 48.000 MWp.
Thiếu tiêu chí xác định, nhà đầu tư gặp khó
Đáng chú ý, thời gian qua, có hiểu khác nhau về quy định liên quan tới điện mặt trời mái nhà. Dẫn tới, nhiều chủ đầu tư điện mặt trời tại các trang trại nông nghiệp ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Đăk Nông... đã rơi vào tình cảnh đầu tư hàng chục tỷ đồng vào hệ thống điện mặt trời. Tuy nhiên do thiếu tiêu chí xác định cụ thể là điện mặt trời mái nhà hay nối lưới mà họ chưa thể ký hợp đồng mua bán điện cũng như thanh toán tiền điện với EVN.
![]() |
Điện mặt trời nông nghiệp không được công nhận là điện mặt trời mái nhà. |
EVN cho rằng những nơi nào quy hoạch sản xuất nông nghiệp có xây dựng điện mặt trời áp mái là điện mặt trời mái nhà, được hưởng chính sách giá 8,38 cent (khoảng 1.943 đồng/kWh), trong khi giá mua điện mặt trời mặt đất là 7,09 cent (1.644 đồng/kWh và điện mặt trời nổi là 7,69 cent (1.783 đồng/kWh).
Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây gửi Bộ Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo dẫn Quyết định số 13/2020, Luật Xây dựng 2014 cho biết chỉ những hệ thống điện mặt trời mái nhà của công trình xây dựng, có công suất không quá 1MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35kV trở xuống mới được coi là hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Còn các hệ thống điện mặt trời lắp trên khung giá đỡ trên hồ, ao nuôi tôm, trồng cây nông nghiệp công nghệ cao... mà không lắp trên mái nhà công trình xây dựng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng không được tính là điện mặt trời mái nhà nên không được hưởng giá bán 8,38 cent/kWh.
Về vấn đề này, PGS.TS. Đặng Đình Thống, Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (nguyên Giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội), cho rằng trên thế giới đang phân loại 3 loại điện mặt trời: điện mặt trời mặt đất (lắp đặt trên mặt đất), điện mặt trời mái nhà (lắp đặt trên mái nhà), điện mặt trời nổi (lắp trên mặt nước). Riêng với điện mặt trời mái nhà, tất cả hệ thống nguồn điện mặt trời nào mà có dạng pin sản xuất lắp trên mái được gọi là điện mặt trời mái nhà.
Theo ông Thống, có ý kiến cho rằng điện mặt trời mái nhà chỉ nên giới hạn là hộ gia đình, nhưng thực tế không phải như vậy. Tất cả mái nhà từ gia đình, cơ quan, siêu thị, nhà xưởng... đều gọi là điện mặt trời mái nhà, dãi công suất từ 1 vài kW đến vài MW.
"Vì vậy, cứ cái nào lắp trên mái gọi là điện mặt trời mái nhà, chứ không nên phân biệt, chẻ nhỏ ra như vậy", ông Thống nói.
Chính sách cần khuyến khích phát triển
Trong khi đó, TS. Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia năng lượng tái tạo, nhìn nhận đang có sự chồng chéo trong quy định của các văn bản, dẫn đến cách hiểu và thực thi chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư điện mặt trời (không loại trừ việc lợi dụng sự nhập nhằng của quy định và nhũng nhiễu nhà đầu tư), cản trở việc lồng ghép “phát triển kép, đạt lợi ích kép” cho mục năng lượng tái tạo và nông nghiệp, thủy sản.
Theo chuyên gia Hiệp, Nghị quyết số 55-NQ/TW6 mang tính định hướng và thông thoáng “Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà và trên mặt nước”, thì hàng loạt các văn bản cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện việc khuyến khích, ưu đãi đầu tư điện mặt trời mang tính bó hẹp lại với khái niệm “điện mặt trời mái nhà”.
Điều đó đã cản trở, làm khó, ngăn cản đầu tư hiệu quả, tiết kiệm các dự án đầu tư điện mặt trời mái nhà trường học, kho xưởng, đặc biệt là không thể lồng ghép với nông nghiệp, thủy sản. Đối với các dự án điện mặt trời trên mặt nước (nuôi thủy sản) và mặt đất (sản xuất nông nghiệp), đầu tư lồng ghép “mục tiêu kép” của các trang trại càng khó thực hiện hơn.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, chuyên gia của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), cần chính sách rõ ràng cho phát triển điện mặt trời mái nhà trong tương lai. Đầu tiên phải cho điện mặt trời mái nhà một "danh phận" rõ ràng trong quy hoạch điện VIII đang được xây dựng, trong đó có mục tiêu cụ thể. Như vậy, chúng ta mới tận dụng tiềm năng phát triển loại hình năng lượng này.
Đồng quan điểm, bà Nguỵ Thị Khanh, Giám đốc điều hành Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID), khuyến nghị cần định danh cho điện mặt trời mái nhà một vị trí trong "làng" năng lượng tái tạo với mục tiêu cụ thể về công suất, địa điểm. Từ đó, EVN cũng biết được tiềm năng để xây dựng hệ thống hạ tầng đấu nối.
"Chúng ta cần nỗ lực thiết kế chính sách mang tính dài hạn, có chỉ dẫn cụ thể mục tiêu cho các giai đoạn. Đặc biệt chính sách phải khuyến khích phát triển, chứ không phải có quá nhiều rào cản, để rồi tập trung gỡ rào cản đã hết thời gian. Việt Nam có tiềm năng thì chúng ta phải đi trước, là người thay đổi cuộc chơi", bà Khanh nhấn mạnh.
Mặt khác, ông Phạm Nam Phong, Chủ tịch Tổng giám đốc Vũ Phong Solar, đề nghị: Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, EVN kiến nghị Chính phủ duy trì chính sách giá FIT cho mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp với năng lượng tái tạo sau khi Quyết định 13 hết hiệu lực. Các địa phương tuân thủ thời gian quy định (trong vòng 10 ngày) về thủ tục đăng ký biến động đất đai để các dự án có thể được triển khai nhanh chóng hơn.
"Bộ Công Thương, EVN và các bộ ngành, địa phương cần quan tâm và có các hành động thiết thực hơn nữa đến việc chuyển dịch năng lượng công bằng và bền vững..., tham mưu, cụ thể hóa Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả... bằng các chính sách khuyến khích thực sự để toàn xã hội tham gia vào phát triển năng lượng tái tạo", ông Phong nói.
Lê Thúy