Trong một loạt vướng mắc, bất cập ở khâu thủ tục của Bộ NN&PTNT, nhiều DN kinh doanh lĩnh vực thực phẩm phản ánh trường hợp điển hình như việc thực thi Thông tư 26/2016/TT – BNNPTNT về kiểm dịch thủy sản và sản phẩm thủy sản nhập khẩu.
Dỡ “rào cản”
Ông Nguyễn Hoài Nam, chuyên gia của dự án USAID GIDG, cho biết, Thông tư này tạo ra tình trạng kiểm tra 100% các lô hàng nhập khẩu về mà không phân biệt xuất xứ, lịch sử chấp hành tốt và cũng không có cơ chế dựa trên quản lý rủi ro.
Hoặc như vấn đề hồ sơ quảng cáo hàng thực phẩm. Theo ông Nam, Bộ Y tế yêu cầu phải có nội dung ghi nhãn mang tính chất quảng cáo cần được đăng ký về quảng cáo.
Bộ Công Thương yêu cầu phải có hồ sơ công bố mới thì họ mới nhận hồ sơ và duyệt nội dung quảng cáo. Vậy nhưng chưa đủ, hồ sơ này còn phải chịu thêm yêu cầu từ Bộ NN&PTNT là nhà sản xuất sản phẩm đó phải có tên trong danh sách sản phẩm được phép nhập khẩu vào Việt Nam mới được xét duyệt hồ sơ quảng cáo.
Ông Nam than vãn thực trạng trên đã gây lãng phí, tốn thời gian cho cả DN và Nhà nước. Điều đáng nói, nó còn làm giảm hiệu quả và gây khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo đánh giá, Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Y tế được cho là chỉ đứng thứ hai (sau Bộ Công Thương) về số ĐKKD. Trong đó, có khá nhiều điều kiện, giấy phép con đã và đang “trói ” sự phát triển của các DN sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.
Như kiến nghị gần đây của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong lĩnh vực NN&PTNT nên sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ 142 điều kiện. Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp còn có 7 ngành nghề có phạm vi kiểm soát chưa phù hợp, cần điều chỉnh.
Ghi nhận của Thời báo Kinh Doanh ở nhiều cuộc hội thảo, giới DN trong thời gian qua (đặc biệt với các DN ngành thực phẩm) đã bức xúc, kêu ca rất nhiều về những bất cập trong khâu thủ tục kiểm tra chuyên ngành, ĐKKD, giấy phép con của Bộ NN&PTNT. Mà theo đó, nếu cắt giảm được, sẽ tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho DN.
Điều đó cũng được thể hiện rõ tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/10, trước những vướng mắc lớn của DN, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, trong tổng số 345 điều kiện đầu tư, kinh doanh, bộ đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%), cụ thể bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện.
Ngoài ra, bộ sẽ tiếp tục tổ chức rà soát đối với 508 thủ tục hành chính (TTHC) còn hiệu lực và đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 TTHC (chiếm 56,5 %), gồm bãi bỏ 81 TTHC, đơn giản hóa 205 TTHC.
![]() |
Các DN ngành thực phẩm phản ánh nhiều khâu thủ tục, ĐKKD
Quyết “cởi trói”
Như khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, không phải chỉ cắt giảm thủ tục, mà bộ máy của Bộ NN&PTNT cũng cần chấn chỉnh lại để thích ứng với yêu cầu mới, tiếp đó là đến công tác kỹ thuật, quản lý chuyên ngành.
Mặt khác, Bộ NN&PTNT còn đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 18/40 TTHC kiểm tra chuyên ngành (chiếm 45%) theo hướng hợp nhất thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm và thủ tục kiểm dịch; nhập hai thủ tục đăng ký kiểm dịch và khai báo kiểm dịch.
Trong vấn đề kiểm dịch, như kiến nghị nhiều lần của các DN thực phẩm, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) nên công nhận kết quả Giấy chứng nhận kiểm dịch, an toàn thực phẩm của các nước xuất khẩu. Các nước xuất khẩu đa phần là những nước phát triển, hoặc đã có hiệp định thương mại tự do hay thỏa thuận với Việt Nam (như EU, Mỹ, Australia, New Zealand…).
Các DN cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT nên giảm chỉ tiêu, giảm mức phí kiểm nghiệm cho phù hợp. Đồng thời nên kiểm tra lô hàng theo tỷ lệ/xác xuất (quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế).
Được biết, trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT đang thực hiện 40 TTHC kiểm tra chuyên ngành, gồm 32 liên quan đến hàng hóa nhập khẩu và 8 liên quan đến hàng hóa xuất khẩu.
Ông Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, trong buổi làm việc với Bộ NN&PTNT, có lưu ý rằng trong thủ tục kiểm tra chuyên ngành không được để kiểm tra bằng hình thức cảm quan, tạo hiện tượng tiêu cực; Phải có quy trình và công nhận lẫn nhau, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, quản lý rủi ro; Đồng thời cần giảm danh mục hàng hóa và giảm cả hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.
Với các cơ quan quản lý của ngành nông nghiệp hiện nay, theo khuyến nghị của giới chuyên gia, để có thể “cởi trói” đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của các DN liên quan đến lĩnh vực mà mình quản lý, điều quan trọng là hãy “bớt chỉ đạo và tăng kiến tạo”. Và việc cắt giảm các ĐKKD bất hợp lý, những thủ tục bất cập là một trong những hành động kiến tạo đó.
Vì vậy, bằng cách tập trung vào kiến tạo môi trường thuận lợi, Bộ NN&PTNT có thể huy động được nhiều nguồn vốn để từ đó khuyến khích và thu hút đầu tư của nông dân và DN hơn nữa.
Chẳng hạn như vấn đề an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn môi trường, có những lúc Bộ NN&PTNT cần cho phép các DN áp dụng hay loại bỏ quy trình công nghệ trong từng giai đoạn một cách phù hợp, thay vì áp dụng đột ngột các biện pháp mới và yêu cầu phải tuân thủ ngay.
Thế Vinh