Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện Tp.HCM (HAMEE), cho biết các doanh nghiệp (DN) dạng nhỏ trong lĩnh vực cơ khí hỗ trợ hiện đang lo lắng về việc mất các đơn hàng cung cấp hàng hoá cho các DN khối FDI.
Ai nẫng tay trên?
Đáng nói là các đơn hàng này đã bị “nẫng tay trên” bởi những DN nước ngoài mới đầu tư vào Việt Nam không lâu, nhất là những DN nhỏ cùng quốc tịch với các DN FDI trước đó.
“Đã có trường hợp DN cơ khí trong nước đang làm việc với một số DN lớn thuộc khối FDI, nhưng sau khi xuất hiện các DN FDI thuộc dạng nhỏ mới đầu tư cùng ngành nghề, cùng quốc tịch với những DN lớn đó thì xem như đơn hàng của DN nội địa bị mất hết về tay các DN kia”, ông Tống nói.
![]() |
Việc tuột mất đơn hàng trên “sân nhà” vào tay các DN nhỏ khối FDI đang là nỗi ám ảnh của các nhà cung cấp nội địa. |
Vị chủ tịch của HAMEE đặt vấn đề về việc thu hút đầu tư nước ngoài không chọn lọc khi có quá nhiều những nhà đầu tư cùng ngành nghề, cùng trình độ của DN vừa và nhỏ trong nước. Khi vào Việt Nam lại được hỗ trợ mạnh về mặt chính sách và sự hỗ trợ từ các nhà mua hàng là những DN lớn cùng quốc tịch thuộc khối FDI. Và đó cũng là rào cản lớn cho các DN trong nước ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Ông Đỗ Phước Tống đề nghị, nên có sự thẩm định sâu sắc hơn trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài để tránh những DN FDI dạng nhỏ, không mang đến giá trị gia tăng cho nền kinh tế trong nước mà ngược lại còn tạo ra tính cạnh tranh khắc nghiệt với các DN nội địa.
Có thể thấy, việc mất đơn hàng cho khối ngoại ngay trên “sân nhà” là nỗi ám ảnh của các DN công nghiệp hỗ trợ nếu như khâu chính sách thiếu đi những động thái bảo vệ thị trường nội địa.
Nhất là khi lĩnh vực này vẫn đang thu hút mạnh vốn đầu tư của các DN FDI. Đơn cử như ở Đồng Nai, các dự án đầu tư mới của DN FDI trong những năm gần đây vào các khu công nghiệp có khoảng 40% thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ.
Trong đó, chủ yếu là các DN đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, các nước châu Âu…, chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực như: Điện tử, linh kiện, thiết bị máy móc, phụ tùng, xơ sợi dệt, vải...
Điển hình là các DN Nhật Bản khi vào Đồng Nai thường đầu tư nhiều vào sản xuất linh kiện máy móc, thiết bị cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong khi đó, theo khảo sát gần đây với giới đầu tư Nhật Bản của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) thì tỷ lệ thu mua tại chỗ ở Việt Nam năm 2020 là 37,0%, chỉ tăng 0,7 điểm so với khảo sát năm 2019 (36,3%).
Nâng sức cạnh tranh, thêm chính sách hỗ trợ
Điểm đáng lưu tâm thông qua cuộc khảo sát này, về chi tiết nơi thu mua linh phụ kiện, vật liệu tại chỗ của Việt Nam, DN Nhật Bản chiếm 46,1%, cao hơn so với các quốc gia/khu vực khác, DN trong nước chỉ chiếm ở mức thấp là 39,4%.
Về chuyện này, cần phải thừa nhận là năng lực cung cấp của khối nội vẫn còn có những hạn chế nhất định. Đặc biệt các DN nội chưa cải tiến quy trình sản xuất để có thể đảm nhận những đơn hàng lớn từ khối FDI, dẫn đến việc để cho các DN nhỏ thuộc FDI mới đầu tư vào Việt Nam đã có thể lấn sân ngay tại thị trường trong nước.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng khâu chính sách cần làm sao để cho các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước (nếu như họ có năng lực thật sự) được hỗ trợ thêm để thúc đẩy các đơn hàng với các DN lớn thuộc khối FDI, nhất là trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 như hiện nay.
Bởi lẽ, một khi các DN này tuột mất đơn hàng về tay của khối ngoại thì dẫn đến hệ quả là phải cắt giảm chi phí lao động, đồng nghĩa với việc nhiều lao động phải nghỉ việc và phát sinh những hệ luỵ xấu về mặt kinh tế.
Không những vậy, khi thiếu đi đơn hàng từ các DN lớn khối FDI thì khả năng đầu tư phát triển, đổi mới công nghệ của các nhà cung cấp nội địa sẽ càng trở nên thách thức hơn.
Để tháo gỡ phần nào mối lo chuyện mất đơn hàng về tay các DN nhỏ của khối FDI, bên cạnh khâu chính sách hỗ trợ, giới chuyên gia cho rằng các DN nhỏ trong nước cũng cần liên kết chặt chẽ hơn để gia tăng sức cạnh tranh so với các DN nhỏ thuộc khối FDI và sẵn sàng đáp ứng đơn hàng lớn cho khối ngoại.
Thực tế cho thấy mặc dù Việt Nam hiện đã có các chương trình hỗ trợ đầu ra, tạo đơn hàng cho các DN vừa và nhỏ, thế nhưng các chương trình này có những thiếu sót làm hạn chế khả năng tăng cường cạnh tranh và thúc đẩy liên kết với khối FDI.
Để tránh rủi ro tuột mất đơn hàng, điều quan trọng từ phía các nhà cung cấp nội địa là cần kết nối chặt chẽ hơn nữa với các DN lớn khối FDI. Mặt khác, ngoài mối lo cạnh tranh từ các DN nhỏ, khối FDI cùng quốc tịch thì suy cho cùng các DN trong nước vẫn cần tiếp tục nâng cấp năng lực của mình.
Hơn nữa, các nhà cung cấp Việt cần có khả năng tiếp tục phát triển với lượng khách hàng trung thành của họ từ khối ngoại, và bán sản phẩm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng, sản lượng cho công ty đầu chuỗi mới hoặc nhà cung cấp toàn cầu trên thị trường nội địa và quốc tế.
Thế Vinh