Về tính bất cập trong phát triển công nghiệp cơ khí phụ trợ ở Việt Nam, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Tp.HCM, từng cho biết có tới 50% trong số gần 2.500 công ty nước này ở Việt Nam hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất, nhưng hầu hết đều nhập khẩu linh kiện và nguyên liệu từ Nhật Bản hoặc Trung Quốc để lắp ráp tại Việt Nam và sau đó xuất khẩu (XK) thành phẩm ra nước ngoài.
“Nguyên nhân là do các doanh nghiệp (DN) Nhật gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp lý tưởng tại Việt Nam”, ông Takimoto nói.
Khởi sắc, nhưng manh mún
Theo khảo sát của Jetro, tỷ lệ mua hàng trong nước của các công ty Nhật tại Việt Nam hồi năm ngoái chỉ vào khoảng 36,3%. Trong khi đó, phần cung ứng của DN ngoại và DN Nhật tại Việt Nam cho các công ty Nhật luôn chiếm tỷ lệ áp đảo.
Trước một thị trường cơ khí lớn như Việt Nam mà nhiều quốc gia mơ ước, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) Đào Phan Long cũng đặt vấn đề là tại sao DN cơ khí Việt Nam lại khó chiếm thị phần ngay trên thị trường nội địa.
Đặc biệt là các DN cơ khí trong nước vẫn chưa hình thành được một nền cơ khí chế tạo nội địa đủ sức làm hạ tầng kỹ thuật cho nền kinh tế để Việt Nam không bị thua thiệt trước sức cạnh tranh với nước ngoài khi mở cửa tham gia thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, có một điểm đáng ghi nhận là số lượng DN cơ khí hiện nay đã tăng đáng kể dù vấp phải không ít khó khăn. Số liệu mới đưa ra tại buổi họp báo ở Tp.HCM nhằm giới thiệu Triển lãm quốc tế về ngành công nghiệp sản xuất và cơ khí chế tạo MTA Việt Nam 2019 (diễn ra từ 2 – 5/7/2019) cho thấy số DN cơ khí Việt từ khoảng 10.000 DN vào năm 2010 đã tăng lên 21.000 DN đến năm 2016, chiếm 28% tổng số DN công nghiệp chế tạo.
Kim ngạch XK các sản phẩm cơ khí cách đây ba năm cũng đã đạt trên 16 tỷ USD, chủ yếu là các loại thiết bị gia dụng và phụ tùng linh kiện xe ô tô, xe máy, sản xuất kim loại.
Riêng 5 tháng đầu năm 2019, giá trị XK máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác của Việt Nam đã đạt 6,82 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, PGs. Ts Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ KH&CN, đánh giá việc ứng dụng công nghệ mới trong thay đổi cách thức sản xuất lĩnh vực cơ khí đã mang lại hiệu quả cho các DN cơ khí nội địa. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tiến bộ thì một điểm dễ nhận thấy là ngành cơ khí trong nước còn phát triển rất manh mún.
![]() |
Đổi mới công nghệ là điều kiện tiên quyết với DN cơ khí |
Điều kiện tiên quyết
Theo ông Đà, vấn đề là ngành cơ khí Việt thiếu các tập đoàn cơ khí lớn để có thể đáp ứng được những công trình lớn, những dự án lớn, trong khi vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.
“Trong khi đó, việc ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất cũng như nghiên cứu cơ khí cũng còn hạn chế. Một số DN cơ khí lớn thì còn khả dĩ, nhưng về cơ bản vẫn còn nhỏ lẻ”, ông Đà chia sẻ.
Chính vì vậy, ông Đà cho rằng thời điểm hiện nay là giai đoạn cực kỳ quan trọng mà ngành cơ khí Việt cần phải tiếp cận lại, từ vấn đề nghiên cứu và phát triển (R&D) cho đến vấn đề về sản xuất, cũng như việc tiếp cận thị trường.
Còn với Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, thực tế cho thấy ngành công nghiệp cơ khí Việt vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc số hóa và kết nối dữ liệu trong DN, ứng dụng các công nghệ và thiết bị thông minh trong dây chuyền sản xuất, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu, hoặc các DN cũng chưa bắt kịp các công nghệ tiên tiến như in 3D, robot sản xuất…
Do đó, hơn bao giờ hết, các DN cơ khí Việt cần có những bước đi chiến lược và đầu tư bài bản để phát triển bền vững, đặc biệt là cần dựa trên CMCN 4.0.
Để phát triển và cạnh tranh tốt hơn, các DN nhỏ và vừa trong ngành cơ khí cần thêm nhiều nguồn lực, nhất là nguồn vốn để đầu tư cho máy móc, thiết bị hiện đại. Thế nhưng, nguồn vốn hiện nay lại là điểm yếu của họ.
Ông Phạm Xuân Đà cho rằng để khắc phục điểm yếu này, ngành cơ khí cần phải phân loại. Kể cả với những lĩnh vực cơ khí thủ công kiểu hộ gia đình vẫn có thể làm được nếu biết chuẩn hóa về tiêu chuẩn sản phẩm, đưa thành sản phẩm đặc thù, đặc hữu thì có khi lại mang đến lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, đối với DN cơ khí lớn đòi hỏi cần ứng dụng công nghệ mới, sản xuất được những sản phẩm cơ khí mang tính chiến lược, phục vụ các công trình lớn thì ngành cơ khí mới không bị phụ thuộc vào nhập khẩu hoặc DN ngoại.
Những trường hợp thành công trong việc tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu của một số DN cơ khí nội địa đã cho thấy việc đổi mới công nghệ (cả về máy móc và quy trình sản xuất) để đáp ứng được tiêu chuẩn của các DN đa quốc gia và đáp ứng nhu cầu cho công nghiệp sản xuất trong nước là một trong những điều kiện tiên quyết.
Thế Vinh