Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng đưa ra 2 phương án: Phương án 1 là không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021. Phương án 2, từ 1/7/2021 sẽ điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng 2,5% để duy trì, đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Với phương án này, thời gian tăng lương sẽ chậm hơn so với trước đây 6 tháng.
![]() |
Cần có sự chia sẻ để hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động về tăng lương tối thiểu |
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người lao động và người sử dụng lao động đều gặp khó khăn. “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nỗ lực bảo vệ quyền lợi người lao động trong mối quan hệ và sự thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp”, ông Hiểu khẳng định.
Với nhận định doanh nghiệp chịu tác động lớn của dịch Covid-19, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ giải thể. Đơn cử như một số doanh nghiệp điện tử, dệt may, da giày... Do đó, tăng hay không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 cần phải được cân nhắc kỹ.
“Qua trao đổi với các hiệp hội doanh nghiệp, chúng tôi đề nghị không điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2021”, ông Phòng nói.
Theo quy định, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ nhóm họp kín 2 hoặc 3 phiên, sau đó thống nhất và trình lên Thủ tướng xem xét quyết định việc tăng hay không tăng lương tối thiểu vùng.
P.L