Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng của công trình xây dựng thấp, cũng như không thiếu giải pháp để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của những người tham gia xây dựng. Sự thiếu trách nhiệm đã dẫn đến một loạt vấn đề tại các công trình xây dựng và giao thông sử dụng vốn ngân sách hiện nay.
"Chạy đua"... quên cả chất lượng
Đó là tình trạng rút ruột công trình, khiến cho vốn ngân sách bỏ ra thì lớn mà công trình đưa vào sử dụng lại có chất lượng thấp; thất thoát, lãng phí trong quá trình xây dựng, bằng cách sử dụng các giải pháp kỹ thuật vượt quá yêu cầu chất lượng của công trình; ép tiến độ một cách duy ý chí, chỉ cốt lấy thành tích mà không quan tâm đến các yếu tố kỹ thuật - mà câu chuyện ép tiến độ thi công cốt nền từ 8 tháng xuống 3 tháng của Hầm chui Văn
Thánh (Tp.HCM) để rồi 6 tháng sau hầm chui này bị lún, nứt hẳn chưa phải là đã cũ.
Tại Hội nghị quản lý chất lượng công trình giao thông năm 2013 do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Tp.HCM tổ chức mới đây, ông Bùi Xuân Cường - Phó Giám đốc Sở GTVT Tp.HCM, thẳng thắn nói rằng nhiều chuyên viên được giao thẩm định dự án nhưng không đi thực tế, không nắm được thông tin mà vẫn trình lãnh đạo ký. Nhiều kỹ sư khi thẩm định dự án còn sử dụng lại hồ sơ của những công trình trước, dẫn đến chất lượng không tốt. "Vấn đề này nằm ở lương tâm người ta, nếu họ cố tình làm sai thì không tránh khỏi công trình kém chất lượng", ông Cường nói.
Còn theo ông Ngô Quang Tám - Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình, Sở GTVT Tp.HCM, hiện nay, khâu khảo sát và lập hồ sơ thiết kế, dự toán không phù hợp theo tiêu chuẩn định mức đơn giá. Việc giám sát cũng không thường xuyên, xác nhận sai khối lượng hoàn thành. Còn trong thi công thì nhà thầu sử dụng vật liệu không phù hợp với hồ sơ thiết kế được duyệt. Chất lượng hồ sơ dự án thấp, sai sót số liệu nhiều, thiếu cập nhật quy hoạch nên phải chỉnh sửa nhiều lần.
![]() |
Đập thủy điện Sông Tranh 2 bị rò rỉ nước, gây lo lắng cho người dân
Luật pháp đã có đầy đủ hệ thống văn bản pháp quy cần thiết để xem xét và xác định trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị tham gia từng khâu trong quá trình xây dựng. Đặc biệt, Nghị định 15/2013 vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/4 còn nhấn mạnh hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, với điểm mới nổi bật là các khâu từ khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình đều buộc phải thông qua các cơ quan quản lý nhà nước thẩm tra để bảo đảm an toàn, chất lượng, hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí, thất thoát. Đồng thời, tăng cường chế tài xử lý, xử phạt hành chính theo đúng quy định của pháp luật đối với các bên liên quan trong việc kiểm soát chất lượng công trình xây dựng, tiến tới có thể cấm tạm thời hoặc vĩnh viễn đối với các nhà thầu thi công yếu kém.
Ai chịu trách nhiệm?
Thế nhưng, sẽ chẳng bao giờ có một điều khoản nào quy định chữ "tâm" của những người làm xây dựng. Vậy nên, cách duy nhất để từng cá nhân trong từng khâu xây dựng làm việc đúng với trách nhiệm của mình, thì đã đến lúc cần xử lý những sai phạm trong quản lý chất lượng các công trình xây dựng một cách quyết liệt, triệt để.
Không khó để tìm ra nguyên nhân của những sự cố chất lượng trên các công trình sử dụng vốn ngân sách, vì tất cả các chi phí công khai đều có đơn giá rõ ràng, các chuyên gia ngành kế toán đều có thể tính toán được chênh lệch giữa chi phí thực tế và chi phí báo cáo là bao nhiêu, công trình bị rút ruột ở những khâu nào. Các chuyên gia ngành xây dựng cũng có thể tính toán được các thông số kỹ thuật của công trình có đảm bảo hay không, thừa thiếu như thế nào. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố, vẫn rất ít cá nhân và đơn vị phải chịu trách nhiệm. Thực tế, vẫn chưa có vụ việc nào được xử lý một cách quyết liệt, đến tận cùng. Phải chăng do chế tài chưa đủ mạnh?
Tại Hội nghị Tổng kết công tác thanh tra ngành GTVT năm 2012, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu năm 2013, nhất quyết phải chấm dứt tình trạng công trình vừa làm xong đã hỏng, công trình vừa hết thời hạn bảo hành đã xuống cấp. Tuổi thọ công trình là bao nhiêu năm phải đảm bảo, duy trì được.
"Việc thanh tra mới bám sát theo kế hoạch, còn khi có những vấn đề nóng, những vấn đề gây bức xúc thì chưa chủ động thanh tra đột xuất để kịp thời xử lý và công khai minh bạch trong dư luận", ông Thăng nói.
Thời gian qua, một loạt công trình giao thông trên địa bàn Tp.HCM nhanh chóng hư hỏng ngay sau khi khánh thành. Từ Đại lộ Mai Chí Thọ, Cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, Liên tỉnh lộ 25B (nay là đường Đồng Văn Cống), và mới đây nhất là cầu vượt thép đầu tiên bị sụt lún đang phải sửa chữa, đã gây rất nhiều bức xúc cho người dân.
---------------------------------------
Cứ "vào sân là được đá"
Ông Đinh La Thăng - Bộ trưởng Bộ GTVT
------------------------------------
Tại sao ở những công trình có chất lượng tồi nhưng người có trách nhiệm lại cứ bình chân như vại? Rõ ràng, cần phải phân định trách nhiệm của từng người, kể cả Thứ trưởng và Bộ trưởng.
Bên cạnh đó, ngành giao thông hiện nay ai muốn vào cũng được, cứ "vào sân là được đá", doanh nghiệp (DN) nào cũng có thể đầu tư, xây dựng. Nhiều DN vốn có 1 - 2 tỷ đồng cũng tham gia đấu thầu rồi cứ dây dưa, chất lượng không đảm bảo, tiến độ thì ì ạch, gây bức xúc cho người dân, ảnh hưởng đến uy tín của ngành.
Lệ thuộc vào cơ quan quản lý
Ông Lê Thanh Hà - Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông
------------------------------------
Việc lập dự án và tư vấn còn lệ thuộc quá nhiều vào cơ quan quản lý, thẩm định phê duyệt đề cương lập dự án còn nhiều khiếm khuyết, khâu giám sát, kiểm định phúc tra có nhiều sai sót. Công tác thẩm tra ở một số dự án còn mang tính hình thức, năng lực tư vấn thẩm tra hạn chế (còn nể nang đưa vào). Trong nhiều trường hợp, tư vấn đã sử dụng tư vấn phụ (kể cả dự án ODA), các tư vấn phụ thực hiện thiết kế lập dự án không chính xác, chất lượng không đảm bảo. Nhiều dự án mới làm xong đã trở nên lạc hậu và phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Cử tri phản ứng rất nặng nề
Ts. Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
------------------------------------
Tôi bị cử tri phản ứng rất nặng nề. Họ nói rằng tình trạng đầu tư giao thông quá nhiều tiền. Chất lượng thì kém, chưa đi đã hỏng, đường nông thôn làm đoạn đầu xong, kiếm tiền làm đoạn thứ hai thì đoạn đầu lại hỏng, nghĩ nhiều cách để sửa chữa, duy tu bằng tiền dân. Tại sao làm giao thông Việt Nam đắt như vậy? Tại sao chất lượng kém như vậy? Nếu trả lời được 2 câu hỏi này thì chúng ta mới an tâm đầu tư vào giao thông.
Việt Nguyễn