Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), cơ hội xuất khẩu (XK) sản phẩm nông nghiệp rất lớn, tuy nhiên thị trường Trung Quốc cũng rất quan trọng với ngành nông nghiệp. Hơn nữa, Việt Nam có lợi thế gần về địa lý, am hiểu thị hiếu tiêu dùng, nhiều mặt hàng có lợi thế cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc.
Xu hướng tất yếu
Khác với trước đây, hiện nay, Trung Quốc đã không còn là thị trường dễ tính. Vì vậy, kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản những tháng đầu năm 2019 sang Trung Quốc có sự sụt giảm do nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục, quy định của nước này cũng như một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã đưa hàng không đúng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã của đối tác. Hiện nay, các cửa khẩu tiểu ngạch phía Trung Quốc siết rất chặt, có nơi cơ quan chức năng Trung Quốc đã rào lại.
Ông Tăng Xuân Trường, Chủ tịch HĐQT CTCP nông sản Hưng Việt, chia sẻ kể từ khi phía Trung Quốc đưa ra yêu cầu XK theo đường chính ngạch, DN gặp rất nhiều khó khăn. Từ trước đến nay, hàng nông sản của công ty vẫn đi theo đường tiểu ngạch, chỉ mất mấy tiếng đồng hồ là qua được cửa khẩu. Hiện nay, để hoàn thiện tất cả các thủ tục, đáp ứng quy tắc nguồn gốc xuất xứ, mỗi lô hàng phải mất vài ngày mới thông quan được sang Trung Quốc.
Ông Trường cho biết, lúc trước chủ yếu xuất bằng đường tiểu ngạch nên chi phí thấp, giờ chuyển sang chính ngạch nên chi phí đội lên 5-7%. "Mọi năm, hàng hóa đi theo đường tiểu ngạch, năm nay chuyển sang chính ngạch, thời gian gấp quá nên DN bị đội chi phí sản xuất về bao bì, thuế, thời gian thực hiện thủ tục kéo dài", ông Trường chia sẻ.
Tuy nhiên, bản thân chủ DN này cũng thừa nhận việc XK bằng con đường chính ngạch giúp khẳng định được thương hiệu cho DN, cho hàng nông sản Việt Nam nói chung. Trước đây, các DN nhỏ, đơn vị sản xuất nhỏ lẻ sản xuất không theo một quy trình nào vẫn có thể xuất sang Trung Quốc, dẫn tới chất lượng sản phẩm không được phân loại, hàng tốt bị đánh đồng với hàng kém chất lượng.
Đánh giá về thị trường Trung Quốc, Ts. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nhận định thu nhập của người dân Trung Quốc ngày càng tăng, vì vậy việc họ đòi hỏi yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng cao với hàng nông sản Việt Nam là chuyện dễ hiểu.
Vấn đề hiện nay là nằm ở ngành nông nghiệp Việt Nam, phần lớn nông sản có chất lượng tốt đang được XK vào các thị trường khó tính như EU, Mỹ hay Nhật Bản, còn những sản phẩm có chất lượng trung bình thấp hơn nhắm tới thị trường Trung Quốc.
Làm ăn với Trung Quốc, đa phần các DN có tư tưởng thích buôn bán tiểu ngạch, thủ tục đơn giản. Vì vậy, đứng trước yêu cầu từ phía Trung Quốc, DN cảm thấy đột ngột, khó đáp ứng nhưng thực ra đó là xu thế không thể đảo ngược, là yêu cầu cấp thiết mà nông nghiệp Việt cần phải dịch chuyển.
Theo ông Sơn, Trung Quốc là thị trường lớn, nằm ngay sát nước ta, đa phần các nước trên thế giới mơ ước đưa hàng hóa vào thị trường này. Hơn nữa, nông sản Việt Nam cũng có thế mạnh vào thị trường Trung Quốc.
![]() |
Cần bỏ tư duy xuất bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc |
Nhắm vào thị trường điểm cuối
Quan trọng nhất là những yêu cầu của Trung Quốc mới dừng ở mức đầu tiên là đáp ứng nguồn gốc xuất xứ, chưa có các yêu cầu khác về tiêu chuẩn kỹ thuật chặt chẽ hay những vấn đề liên quan tới môi trường, lao động… Do vậy, không có lý do gì mà DN Việt không làm được.
Tuy nhiên, chuyên gia Đặng Kim Sơn cho rằng xưa nay những việc này thường đổ đầu vào DN, nông dân, nhưng vai trò Nhà nước hiện nay rất quan trọng. Ví dụ, việc định ra hệ thống về mã số cho các địa phương, ngành hàng cho DN, Nhà nước phải làm. Ngược lại, về phía nông dân sản xuất phải bám vào điểm đó, đáp ứng đúng yêu cầu mà phía Trung Quốc đưa ra.
Việc thống nhất giữa Nhà nước và nông dân là rất quan trọng để DN hoạt động có hiệu quả. Muốn vậy, nông dân phải tham gia chuỗi giá trị bằng cách tham gia các HTX, tạo sản xuất lớn, tuân thủ theo quy trình.
Điều quan trọng, theo ông Sơn, xưa nay, chúng ta thường đưa hàng hóa thâm nhập tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (những tỉnh giáp biên giới, buôn bán qua lối mở, đường mòn). Đến nay, nếu nhắm vào thị trường ở điểm cuối – đầu của chuỗi giá trị, đầu vào cho các nhà máy chế biến ở các địa phương Thâm Quyến, Thượng Hải, thị trường chắc chắn sẽ ổn định, đó là mỏ vàng mà DN Việt cần khai thác.
Theo chuyên gia nghiên cứu và phân tích thị trường nông sản Việt Nam Nguyễn Đình Bích, dự báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy Trung Quốc sẽ không ngừng tăng nhập khẩu nông sản từ các thị trường thế giới.
Rõ ràng do núi liền núi, sông liền sông, khoảng cách và thời gian vận chuyển ngắn, chi phí vận chuyển và bảo quản thấp, Việt Nam có lợi thế hơn bất cứ đối thủ cạnh tranh nào ở thị trường này.
Vì vậy, việc khôi phục và tiếp tục gia tăng thị phần tại Trung Quốc đối với Việt Nam có thể là điều kiện tiên quyết để duy trì nhịp độ tăng trưởng của nông nghiệp trong những năm tới.
"Vấn đề cốt lõi đặt ra là cái thời có gì bán nấy và có sao mua vậy ở chợ trời biên giới đã qua, chúng ta phải thay đổi cung cách tổ chức sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường này theo thông lệ quốc tế. Những thay đổi về chính sách quản lý đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc cũng chẳng khác gì so với chính sách mà Mỹ cũng như các nước châu Âu đã áp dụng đối với nông sản Việt Nam từ bấy lâu nay", ông Bích nhấn mạnh.
Về phần DN, ông Tăng Xuân Trường cho hay DN đang cố gắng đáp ứng các yêu cầu từ phía thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, một trong điểm vướng mắc nhất mà các DN gặp phải là những phiền hà về thủ tục hành chính.
Hiện nay, để xin giấy chứng nhận về chất lượng sản phẩm đủ tiêu chuẩn XK, DN phải đem sản phẩm từ các tỉnh về Hà Nội mới có giấy kiểm định, trong khi yêu cầu của hàng nông sản là thời gian vận chuyển càng nhanh càng tốt.
DN mong muốn Nhà nước tạo điều kiện cho địa phương có thể tự cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng nông sản, qua đó DN không phải đi xa, tốn kém chi phí về tiền bạc và thời gian.
Lê Thúy
Ông Tăng Xuân Trường - Chủ tịch HĐQT CTCP nông sản Hưng Việt Hiện nay, nhiều container hàng nông sản vận chuyển sang Trung Quốc, Đài Loan hay Singapore chỉ mất 4-5 ngày nhưng do thủ tục ở bên mình làm chưa xong, dẫn tới bị đình trệ ở cảng bên nước họ. Vì vậy, Nhà nước cần làm sao để rút ngắn thủ tục, giúp hàng hóa nhanh chóng được chuyển lên bờ thay vì nằm chờ ở cảng, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Với thị trường Trung Quốc, Việt Nam có lợi thế gần về địa lý, am hiểu thị hiếu tiêu dùng, nhiều mặt hàng có thể bổ sung cho nhau. Do đó, DN phải thay đổi tư duy XK, bắt buộc bằng con đường chính ngạch. DN phải bảo đảm chất lượng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc và nhãn mác bao bì tương tự như các thị trường khó tính. Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hiện nay, người tiêu dùng Trung Quốc không còn đặt giá cả là ưu tiên số một như trước đây. Thị trường này đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ, có tiêu chí nhất định về khâu chế biến và gia công của sản phẩm. Hơn nữa, DN XK Việt Nam cần nâng cao năng lực thiết kế bao bì, nhãn mác tiếng Trung và định ra các tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm nông sản của mình. |