Theo đánh giá của Chính phủ, thời gian qua, hàng ngàn điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được bãi bỏ. Hơn 50% doanh nghiệp (DN) đã đánh giá môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn.
Mặc dù vậy, xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam mới ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế (xếp thứ 69/190 về môi trường kinh doanh, thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh). Trong khu vực ASEAN vẫn chưa vào nhóm 4 nước dẫn đầu (đứng thứ 5 về môi trường kinh doanh, thứ 7 về năng lực cạnh tranh).
Nỗi lo doanh nghiệp "chết"
Đặc biệt, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức của DN trong khởi sự kinh doanh, trong hoạt động cũng như chi phí về thời gian, tiền bạc của người dân trong tiếp cận các dịch vụ công đã giảm nhưng vẫn còn nhiều.
Không ít nơi, ít lúc, DN và người dân vẫn bị gây khó khăn, nhũng nhiễu bởi những quy định còn nặng tính cục bộ của một số cơ quan công quyền và một bộ phận công chức, viên chức.
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, nhìn nhận DN Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, đối diện nhiều thách thức rủi ro nên số lượng DN tạm ngừng hoạt động, giải thể chiếm tỷ lệ cao.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết giai đoạn 2016 – 2018, trung bình số DN thành lập mới trên 100.000 DN mỗi năm, tuy nhiên số DN tạm ngừng hoạt động và giải thể còn lớn.
Đơn cử, năm 2018, cả nước có hơn 130.000 DN đăng ký thành lập mới, nhưng số DN tạm ngừng hoạt động và giải thể hơn 106.000 DN.
Trong đó, ông Lâm phân tích số DN tạm ngừng hoạt động có hai dạng: tạm ngừng có thời hạn (không đáng lo vì DN có thể hoạt động trở lại); tạm ngừng hoạt động không thời hạn – tình trạng này rất đáng ngại, năm 2018 có hơn 63.000 DN, tăng 63,4% so với năm 2017.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, Nhà nước hiện đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với khối DNNVV như Luật Hỗ trợ DNNVV, Quỹ bão lãnh tín dụng hay Quỹ phát triển DNNVV nhưng thực tế DN rất khó thụ hưởng. Nguyên nhân là do cơ chế, thủ tục cho vay, hưởng ưu đãi còn phức tạp.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng hiện nay, nhiều hỗ trợ đang rơi vào DN nhà nước, DN nước ngoài, trong khi 98% DNNVV không có khả năng tiếp cận các nguồn ưu đãi, dẫn tới khó có điều kiện phát triển.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, năm 2019 bắt đầu thực hiện Hiệp định CPTPP, nếu Việt Nam không nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, các DN sẽ cực kỳ khó khăn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều coi kinh tế tư nhân là quan trọng, Chính phủ đã ra nhiều Nghị quyết khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, thực tế kinh tế tư nhân vẫn khó khăn. Hiện có 5 triệu hộ sản xuất, khuyến khích họ lên DN không đơn giản.
![]() |
Doanh nghiệp mong chờ có bước đột phá trong môi trường kinh doanh |
Chính phủ chỉ đạo quyết liệt
"Cải cách bây giờ phải đi vào thực chất, không cơ học, ví dụ vừa qua để sản xuất một cái kẹo socola phải cần 13 giấy phép của các cơ quan công quyền. Như thế "ăn một cái kẹo" cảm giác "đau hết cả răng" thì ăn làm sao? Đây là sự việc buồn cười", Bộ trưởng đặt vấn đề.
"Chúng ta cần có cơ chế chính sách rõ ràng, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đang được Thủ tướng giao để đưa ra chính sách hỗ trợ tốt hơn về đất đai, tín dụng…, những cái họ cần chứ không phải chúng ta lựa cái dễ làm để tròn vai", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu.
Ở góc độ DN, theo ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc điều hành CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Chính phủ và Thủ tướng hiện nay rất cởi mở, quyết liệt, đồng hành cùng DN, vì vậy DN mong muốn các cấp chính quyền bên dưới cũng phải quyết liệt, tận tâm vì dân như Chính phủ.
Với các Bộ, ngành, cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN hoạt động, trên cơ sở các cơ chế chính sách thông thoáng. Hiện nay, còn rất nhiều thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê, nhất là ở các cấp trực tiếp mà DN vẫn phải đương đầu.
Để thể hiện rõ quyết tâm đưa môi trường kinh doanh Việt Nam vào nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN, ngay ngày đầu năm mới 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Nghị quyết 02 đề ra mục tiêu nâng xếp hạng Môi trường kinh doanh theo đánh giá của WB lên 15 – 20 bậc từ năm 2019 – 2021. Riêng năm 2019, tăng chỉ số này lên từ 5 – 7 bậc.
Nâng xếp hạng năng lực cạnh tranh theo WEF lên 5 – 10 bậc từ 2019 đến 2021 và tăng 2 –3 bậc vào năm 2019. Nâng chỉ số xếp hạng đổi mới, sáng tạo quốc gia theo đánh giá của Wipo lên 5 – 7 bậc từ 2019 đến 2021, năm 2019 tăng 2 –3 bậc.
Nâng chỉ số xếp hạng logistics theo đánh giá của WB tăng 5 – 10 bậc từ năm 2019 – 2021. Nâng xếp hạng Chính phủ điện tử lên 10 – 15 bậc vào năm 2020. Đồng thời, các chỉ số về khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, tiếp cận tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư… đều phải tăng từ 3 đến 30 bậc từ năm 2019 đến 2021.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi trước quý III/2019.
Đồng thời, Nghị quyết cũng yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện đảm bảo thực thi đầy đủ điều kiện kinh doanh bị bãi bỏ, những nội dung được đơn giản hóa của các quy định về điều kiện kinh doanh; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định mới về điều kiện kinh doanh.
Bộ KH&ĐT đánh giá mức độ thay đổi và tác động thực chất đối với DN của những cải cách, bãi bỏ đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành thực hiện năm 2018; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019.
Đồng thời theo dõi, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh ở các bộ, ngành, địa phương; định kỳ hàng quý báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết ngay các chậm trễ, sai lệch, biến tướng và các vấn đề mới phát sinh. Chủ trì xây dựng, trình Chính phủ đề án cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư trong quý IV/2019.
Lê Thúy
Ts. Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore Việt Nam phải phấn đấu hướng đến mục tiêu môi trường kinh doanh không thua kém gì các nước, thể chế của Việt Nam tiến bộ đến mức các nhà đầu tư thấy rằng đầu tư vào Việt Nam là có lợi, là yên tâm. Đặc biệt, nếu tạo được niềm tin cho người dân, cho DN để cùng nhau đi đến ước mơ của toàn dân tộc thì sẽ tốt hơn nhiều. Ông Trịnh Quốc Dũng - Giám đốc điều hành Vinamilk DN mong muốn Chính phủ triển khai nhanh các thủ tục hành chính trực tuyến để người dân, DN không phải tiếp xúc với các bộ phận, cá nhân thường xuyên tạo ra các khó khăn để nhũng nhiễu. Có cơ chế công khai, minh bạch hoạt động của các bộ phận xử lý thủ tục hành chính để người dân giám sát. Hạn chế thấp nhất nhũng nhiễu của người thực thi công vụ với DN và người dân. Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cần nhận thức rằng cơ hội của DN chỉ trong thời gian ngắn, tích tắc, nếu bộ, ngành và địa phương không hỗ trợ, cơ hội của DN sẽ mất đi. Cũng như chúng ta nói nhiều đến DN khởi nghiệp sáng tạo nhưng nếu không có chính sách cụ thể sẽ không đạt được mục tiêu đề ra, nhất là khi chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu DN. |