Theo ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Tp.HCM (JCCH), nhiều tập đoàn, DN Nhật Bản đang đợi dịch bệnh Covid-19 lắng xuống, giao thương trở lại bình thường sẽ đến Việt Nam để chọn nơi thuê đất, nhà xưởng để lắp ráp máy móc và sản xuất.
Khuynh hướng mở rộng đầu tư
Trong đó, các địa phương ở phía Nam phát triển mạnh về khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Tp.HCM tiếp tục là điểm đến ưu tiên của giới đầu tư Nhật.
![]() |
Tỷ lệ thu mua linh phụ kiện tại chỗ ở Việt Nam của giới đầu tư Nhật vẫn còn thấp, rất cần cải thiện hơn nữa. |
Như tại Đồng Nai được cho là một trong những nơi đón được nhiều nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản. Từ cuối năm 2020, đã có nhiều nhà máy của Nhật từ Trung Quốc dịch chuyển về đây. Ông Okada cho biết trong năm 2021 và 4 năm tới thì Đồng Nai tiếp tục đón được “làn sóng” đầu tư từ Nhật Bản vào lĩnh vực công nghiệp.
Nhiều nhà đầu tư Nhật chia sẻ rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc sản xuất linh kiện, phụ kiện tại các chuỗi cung ứng không đáp ứng theo kế hoạch của họ. Trong khi đó, Việt Nam nổi lên là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh nên thu hút được sự quan tâm đặc biệt.
Kết quả khảo sát thực trạng của các DN Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Tp.HCM công bố trong tháng 2/2021 cho thấy, trước bối cảnh tác động của sự lây lan diện rộng từ virus Corona chủng mới thì các nhà đầu tư Nhật có nhiều câu trả lời rằng thời kỳ để bình thường hóa hoạt động kinh doanh sau sự lây lan dịch bệnh là “nửa đầu năm 2021” và "nửa cuối năm 2021”.
Riêng tại Việt Nam, hơn 86% nhà đầu tư Nhật tham gia khảo sát trả lời rằng năm 2021 này, hoạt động kinh doanh sẽ được bình thường hóa, chỉ có 10% DN trả lời là từ năm 2022 trở đi.
Về định hướng phát triển kinh doanh trong vòng 1 - 2 năm tới, tại Việt Nam, tỷ lệ DN Nhật trả lời sẽ mở rộng là 46,8%, giảm 17,1 điểm so với khảo sát năm 2019 (63,9%). Đối chiếu với các quốc gia, khu vực khác thì tỷ lệ này chỉ sau Pakistan, Ấn Độ và Myanmar.
Trước tác động của virus Corona chủng mới thì Việt Nam cũng giống như các quốc gia, khu vực khác là “đánh giá lại đơn vị bán hàng” chiếm tỷ lệ lớn nhất (41,5%) với các DN Nhật được khảo sát.
So với từng quốc gia, khu vực khác thì Việt Nam có tỷ lệ đánh giá lại về chiến lược thu mua, sản xuất cao. Tuy nhiên, dù giới đầu tư Nhật có những trả lời rằng sẽ “dừng, trì hoãn đầu tư thiết bị, đầu tư mới (21%), nhưng mặt khác cũng có những trả lời rằng sẽ tăng cường đầu tư thiết bị, đầu tư mới (16.4%).
Kỳ vọng nâng tỷ lệ thu mua tại chỗ
Theo đánh giá, xét về đối tượng DN muốn thay đổi đơn vị thu mua thì tỷ lệ DN Nhật lựa chọn Việt Nam đứng thứ 4 (4,3%). Sau khi thay đổi đơn vị thu mua thì số DN lựa chọn Việt Nam đứng thứ nhất (18,8%). Và theo dự báo, tại Việt Nam số lượng DN Nhật mở rộng thu mua trong giai đoạn 2021 - 2025 là 198 DN. Trong đó, 84,3% DN dự kiến mở rộng thu mua tại chỗ.
Có thể nói, đó là thông tin lạc quan cho các nhà cung cấp Việt muốn tham gia vào chuỗi cung ứng Nhật. Tuy nhiên, như lưu ý của Jetro thì tỷ lệ thu mua từ DN Việt Nam vẫn còn thấp, chiếm 14,6% trên tổng thu mua (tăng 1,0 điểm so với khảo sát năm 2019) và chưa thu hẹp được khoảng cách với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia.
Thực ra, với các nhà đầu tư Nhật, tỷ lệ thu mua linh phụ kiện, vật liệu tại chỗ ở Việt Nam tăng dần từ năm 2010, nhưng sự tăng trưởng đó còn chậm. Những năm gần đây mặc dù ngang hàng với Malaysia, nhưng so sánh với Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia thì vẫn ở mức thấp.
Tỷ lệ thu mua tại chỗ ở Việt Nam trong năm 2020 là 37,0%, tăng 0,7 điểm so với khảo sát năm 2019 (36,3%). Giới chuyên gia cho rằng, do việc mua hàng trong ngành công nghiệp hỗ trợ của các DN Nhật ở Việt Nam còn ở mức thấp dẫn đến việc DN Nhật khi chọn đầu tư vào Việt Nam đã mang theo cả một hệ sinh thái các nhà cung ứng và các DN nhỏ và vừa của riêng mình.
Chính vì vậy, như lưu ý của ông Hirai Shinji, Trưởng văn phòng đại diện Jetro tại Tp.HCM, Việt Nam sẽ được chú ý nhiều hơn nữa trong việc thu hút dòng vốn Nhật, nhưng rất cần tăng cao hơn nữa tỷ lệ thu mua nội địa để duy trì vị thế là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với các công ty sản xuất Nhật Bản khi mở rộng kinh doanh ra nước ngoài.
Để có có sự thay đổi trong việc tăng tỷ lệ thu mua tại chỗ ở Việt Nam đối với giới đầu tư Nhật, trong một lần trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, bà Y.Hokkirigawa, phụ trách xúc tiến kinh doanh quốc tế của Trung tâm Hỗ trợ DN vừa và nhỏ Tokyo (Tokyo SME Support Center), đã nhấn mạnh điều quan trọng là các nhà cung cấp Việt phải đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn Nhật.
Cũng theo bà Y.Hokkirigawa, các nhà cung cấp Việt cũng cần sự giao tiếp thường xuyên với với DN Nhật để trao đổi thông tin và đạt đến mức độ mà cả hai bên đều có thể thoả thuận được hoạt động thu mua linh kiện, vật liệu.
Thế Vinh