Kết quả Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2018 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) mới đây cho thấy chi phí lãi vay tăng tới 23,3%, lỗ chênh lệch do biến động tỷ giá tăng từ 23 tỷ đồng lên 50,8 tỷ đồng.
Cộng các chi phí tài chính khác tăng gần 4 tỷ đồng khiến cho chi phí tài chính của Vinatex nửa đầu năm nay lên mức 278,2 tỷ đồng, cao hơn kỳ trước 33,8%.
Lỗ vì tỷ giá
Không chỉ Vinatex, Báo cáo tài chính nửa đầu năm nay của các CTCP dệt may khác như Phong Phú, Thành Công, Sợi Thế Kỷ cũng thể hiện rõ việc chịu ảnh hưởng lớn từ biến động tỷ giá ngoại tệ, bị lỗ hàng tỷ đồng trong thời gian gần đây.
Theo nhận định từ giới chuyên gia, là nhóm ngành xuất khẩu, đồng thời có vốn vay lớn bằng ngoại tệ, nên khi có biến động tỷ giá như thời gian gần đây, ngành dệt may dễ tổn thương.
Dư nợ nhiều, thậm chí lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng là nỗi ám ảnh thường trực của nhiều tập đoàn lớn hiện nay trước viễn cảnh biến động tỷ giá USD trong thời gian qua.
Trên thực tế, biến động tỷ giá đang tạo ra những khoản lỗ chênh lệch hàng tỷ đồng của các doanh nghiệp (DN) trong những lĩnh vực có truyền thống dư nợ ngoại tệ cao như dầu khí, điện lực, vận tải biển, xây dựng hạ tầng.
Chẳng hạn, như tính toán của công ty chứng khoán BSC, nếu tính khoản nợ của Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) đến tháng 6 năm ngoái là 890 triệu USD và 72 triệu EUR, khi tỷ giá USD/VND tăng 1% thì PV Power sẽ bị lỗ tỷ giá 173 tỷ đồng và EUR/ VND tăng 1% sẽ lỗ 16 tỷ đồng.
Trong khi đó, sau một thời gian dài ổn định, cuối tháng 6 và tháng 7/2018, tại thị trường trong nước đã chứng kiến những bước nhảy vọt của tỷ giá VND/USD.
Như nhận định của giới chuyên gia hồi giữa tháng 7 vừa qua, tiền đồng đã mất giá tổng cộng 1,4%, trái ngược với mức giảm khoảng 0,2% trong năm 2017. Xu hướng của tỷ giá làm nhiều DN và nhiều nhà đầu tư có tâm lý lo ngại.
Vấn đề tỷ giá VND/ USD đang biến động và có xu hướng mạnh lên được cho là do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra như hiện nay, khiến Trung Quốc phải hạ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) để duy trì xuất khẩu. Điều này được cho là gia tăng thêm áp lực về biến động tỷ giá đối với các DN Việt Nam.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, Ts. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng việc Trung Quốc phá giá đồng NDT thực ra không phải do họ cố tình mà tình thế buộc phải như thế. Nhưng đã là tình thế thì khó đoán được.
![]() |
Các doanh nghiệp ngành dầu khí chịu nhiều ảnh hưởng do biến động tỷ giá |
Chủ động ứng phó
"Nếu giá NDT giảm xuống nữa thì VND cũng phải xuống theo, nhưng chắc chắn là không thể đi theo mãi chiều hướng giảm giá của họ được vì lãi suất sẽ đi theo, ảnh hưởng đến dòng tiền của nước ngoài và đủ thứ chuyện phát sinh khác. Điều này đòi hỏi chúng ta cần có cách đi riêng để cân bằng", ông Thiên nói.
Cho nên, theo ông Thiên, trong chuyện này, hiệu ứng giảm giá NDT là cả vấn đề phức tạp, đặc biệt là tác động lãi suất. Do đó, điều cần làm lúc này là làm sao cố gắng giữ được lãi suất ổn định.
Theo nhận định, khi đồng NDT giảm giá khiến cho hàng hóa Trung Quốc đã rẻ nay còn rẻ hơn, tạo ra nguy cơ hàng Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam. Đây là điều Việt Nam cần phải hết sức chú ý và xem xét cẩn trọng trong thời gian tới, các DN cần có các biện pháp chủ động để ứng phó với vấn đề này.
Trong vấn đề liên quan đến tỷ giá, chính sách tiền tệ tại Việt Nam, trong đánh giá gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng tăng trưởng tín dụng cao sẽ đẩy tăng trưởng lên cao trong ngắn hạn nhưng lại gây ra rủi ro về ổn định tài chính trong trung hạn.
"Những bất định và rủi ro bên ngoài vẫn tồn tại, bao gồm rủi ro về tư tưởng bảo hộ trỗi dậy ở một số nền kinh tế tiên tiến có thể làm tăng bất định chính sách, qua đó gây gián đoạn về thương mại và đầu tư nước ngoài", WB đưa ra nhận xét.
Nhìn vào tình hình kinh tế Việt Nam tính đến nửa đầu năm nay, WB cho rằng trong bối cảnh áp lực lạm phát còn chưa lớn, chính sách tiền tệ vẫn tạo thuận lợi.
Trong thực tế, chính sách tiền tệ vẫn theo hướng tạo thuận lợi trong hai năm qua với các biện pháp như trung hòa từng phần dòng vào ngoại hối, duy trì tăng trưởng tín dụng cao, và lãi suất liên ngân hàng thấp hơn đáng kể so với lãi suất chính sách.
Mặt khác, theo WB, đó còn là mối quan ngại đáng lưu ý vì kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu làm động lực tăng trưởng chính.
Bên cạnh đó, như lưu ý của WB với nền kinh tế Việt Nam, việc các nền kinh tế tiên tiến đưa chính sách tiền tệ quay lại vị thế trước đây sớm hơn dự kiến cũng có thể làm tăng biến động tài chính, tuy Việt Nam phần nào ít bị ảnh hưởng hơn so với các nền kinh tế hội nhập tài chính nhiều hơn vì chỉ mở cửa ở mức tương đối hạn chế với dòng vốn đầu tư gián tiếp.
Thế Vinh