Phú Cần là xã thuần nông, có diện tích tự nhiên hơn 2.362 ha. Những năm qua, xã đã chủ động tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy công tác dạy nghề, nâng cao vai trò của HTX, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.
Học để đổi mới tư duy
Kể từ năm 2015 đến nay, các ban ngành xã Phú Cần đã phối hợp tổ chức nhiều lớp dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân, với trên 200 lượt người tham gia.
![]() |
Được học nghề giúp nông dân ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất (Ảnh TL). |
Hàng năm, xã còn phối hợp các ngành chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hàng trăm lượt lao động.
Thông qua các lớp tập huấn, dạy nghề, xã đã vận động nông dân xây dựng được nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, với kiến thức học được, nhiều nông dân trên địa bàn xã đã cải tạo diện tích vườn cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình như mô hình trồng cam sành kết hợp nuôi gà thả vườn của ông Hoàng Văn Thanh, trên diện tích hơn 1 ha, cho thu trên 150 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí.
Ông Thanh chia sẻ: “Năm 2016, sau khi được xã tạo điều kiện tham gia khóa đào tạo kỹ thuật trồng cây VietGAP, tôi đầu tư cải tạo 1,1 ha vườn tạp để trồng cam sành. Nhờ nắm vững kỹ thuật, vườn cam phát triển ổn định, không sâu bệnh, cho quả đẹp, năng suất cao từ năm thứ 3”.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc học nghề, năm 2019, ông Thanh tiếp tục tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ của huyện, sau đó kết hợp nuôi gà thả vườn kết hợp trồng cam, đến nay đang cho hiệu quả vượt trội.
Theo đại diện UBND xã Phú Cần, việc tham gia các khóa tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn từ 1 đến 3 tháng giúp người nông dân nâng cao kiến thức, nắm vững quy trình kỹ thuật, từ đó nâng cao giá trị sản xuất, khắc phục được tình trạng lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật…
Bên cạnh công tác đào tạo nghề nông nghiệp, hơn 5 năm qua, xã Phú Cần còn làm tốt công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, phát động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài, các khu công nghiệp, công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Xã khuyến khích các HTX, doanh nghiệp đầu tư phát triển, giải quyết lao động tại địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 54 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,38%.
Liên kết để vững bức
Sau khi học nghề, không chỉ tự thân khởi nghiệp với mô hình riêng, nhiều nông dân trên địa bàn xã Phú Cần đã chủ động tham gia vào các HTX, Tổ hợp tác để phát triển kinh tế.
![]() |
Phú Cần sẽ chủ động nâng cao vai trò HTX trong tạo việc làm cho lao động sau học nghề (Ảnh TL). |
Đơn cử, thời gian qua, nhiều lao động trên địa bàn ấp Cầu Tre sau khi học nghề trồng trọt đã đăng ký tham gia vào các Tổ hợp tác sản xuất lúa, đặc biệt là HTX nông nghiệp Phú Cần để liên kết, phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa.
Hiện, ấp Cầu Tre đã thành lập được 9 Tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao, với 236 thành viên, riêng vùng kênh của ấp có 5 tổ hợp tác với 142 thành viên, sản xuất trên diện tích 110 ha.
Ông Kim Sa Thia, Bí thư Chi bộ ấp Cầu Tre, cho hay việc tham gia vào các HTX, Tổ hợp tác giúp người lao động phát huy được các kiến thức đã học trong các lớp đào tạo nghề, tạo nên những giá trị tốt, nâng cao thu nhập.
Ngược lại, các HTX, Tổ hợp tác tiếp nhận các lao động đã qua đào tạo cũng tận dụng được hàm lượng “chất xám” cao hơn, từ đó tạo động lực cho hoạt động sản xuất, nâng cao doanh thu, lợi nhuận.
Đơn cử, tại HTX nông nghiệp Phú Cần, từ năm 2015 đến nay, năng suất lúa trong mô hình không ngừng tăng từ 6 tấn lên 8 tấn/ha. Các thành viên chủ động áp dụng hiệu quả khoa học- kỹ thuật vào sản xuất lúa chất lượng cao và tham gia liên kết trong quá trình sản xuất ngày càng tốt hơn.
Tính chung trên địa bàn xã, đến nay, giá trị sản xuất trên một diện tích đất canh tác của xã Phú Cần đạt 121 triệu đồng/ha/năm. Việc được đào tạo nghề, nâng cao kỹ thuật, giúp nhiều hộ xây dựng kinh tế vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Với những thành công đang có, xã Phú Cần dự kiến tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu sản xuất, nhất là chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực, hiệu quả, bảo đảm tính bền vững.
Đồng thời, xã cũng sẽ chủ động phối hợp tổ chức thêm nhiều lớp đào tạo nghề nông thôn, nâng cao hiệu quả của các HTX để tạo việc làm cho lao động sau học nghề, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhật Minh