Những năm qua, cùng với quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xã Bình Hòa Phước đã đẩy mạnh thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, từ đó nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn xã lên hơn 65%.
Đào tạo theo nhu cầu thị trường
Để mở các lớp dạy nghề phù hợp và hiệu quả, xã đã chú trọng khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, HTX, làng nghề trên địa bàn, nhu cầu phát triển của xã hội cũng như nhu cầu học nghề của người lao động địa phương.
![]() |
Đào tạo nghề giúp lao động nông thôn nâng cao trình độ, mở ra nhiều cơ hội việc làm (Ảnh TL). |
Kể từ năm 2017, do nhu cầu xây dựng nhà ở, công trình dân dụng tăng cao, xã đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Long Hồ mở các lớp đào tạo nghề xây dựng dân dụng, với mô hình thực hành là các công trình tại địa phương.
Trong 3 năm qua, đã có 2 lớp học nghề xây dựng dân dụng được mở, thu hút 50 lao động nông thôn tham gia. Mỗi lớp học kéo dài 3 tháng và gắn với các công trình thực tế nên hầu hết các học viên sau khi học đều tự xin làm ở các công trình xây dựng gần nhà, từ đó nâng cao được thu nhập.
Do nhu cầu xã hội về ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tương đối lớn, xã cũng tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề cho lao động như đan lát, dệt, mộc mỹ nghệ…, bằng cách kết hợp với HTX, doanh nghiệp hoặc làng nghề.
Vào cuối năm 2020, xã Bình Hòa Phước cũng phối hợp với một doanh nghiệp chuyên về truyền thông đào tạo đã hoàn thành lớp đào tạo nghề pha chế đồ uống cho lao động địa phương.
Các học viên tham gia khóa học là người trong độ tuổi lao động ở nông thôn trong xã được miễn toàn bộ chi phí đào tạo cho lĩnh vực pha chế các loại thức uống từ trà, cà phê, ca cao, nước ép... Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng chỉ đào tạo, có cơ hội phát triển nghề nghiệp.
Việc đào tạo nghề nhằm tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương đang được xã Bình Hòa Phước đẩy mạnh, nhất là từ sau những tác động do dịch Covid-19 cũng như tình trạng biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng xấu đến cây trồng trên địa bàn.
Học đi đôi với hành
Trong đợt hạn mặn năm 2020, toàn xã Bình Hòa Phước có gần 500 ha vườn cây ăn trái bị suy kiệt. Giám đốc HTX chôm chôm xã Bình Hòa Phước Nguyễn Ngọc Nhân cho biết, HTX có 42 ha chôm chôm, trong đó hơn 70% diện tích đã bị thiệt hại, không thể xử lý cho ra trái.
![]() |
Được học nghề cũng giúp nông dân thích ứng, giảm tác động của biến đổi khí hậu (Ảnh TL). |
Để giúp thành viên HTX và nông dân trong xã phục hồi vườn cây ăn trái sau hạn mặn, chính quyền địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn về phòng, chống hạn mặn trên cây trồng, cấp phát tài liệu về hướng dẫn kỹ thuật canh tác.
Sự đồng hành của địa phương trong công tác đào tạo nghề đã giúp cho thành viên HTX cũng như nông dân ở Bình Hòa Phước nâng cao kỹ năng, khắc phục được phần nào những thiệt hại do hạn mặn gây ra.
Theo lãnh đạo UBND xã Bình Hòa Phước, những năm qua, việc đào tạo nghề nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu đang được xã chú trọng. Xã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nông dân chăn nuôi, trồng trọt theo tiêu chuẩn GAP, phát huy hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Với các lao động tham gia học nghề tiểu thủ công nghiệp đều được các công ty, doanh nghiệp, HTX bao tiêu sản phẩm, giúp họ tận dụng thời gian nhàn rỗi làm việc, tạo thêm thu nhập.
Nhờ chú trọng đến chất lượng đào tạo nghề thông qua nhu cầu thực tế trên địa bàn xã, khoảng 90% người lao động sau khi tham gia các lớp đào tạo đều có việc làm, thu nhập bình quân 3,5 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, với các nghề phù hợp với nhu cầu lao động địa phương. Xã cũng sẽ chủ động phối hợp với các HTX, doanh nghiệp, làng nghề trong và ngoài huyện để nâng cao cơ hội việc làm cho người lao động sau khi học nghề, có điều kiện nâng cao thu nhập.
Hưng Nguyên