Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Lạng Giang, trong 6 tháng đầu năm 2021, bất chấp những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, toàn huyện vẫn có gần 2.000 lao động được tạo việc làm mới, việc làm thêm tại các HTX, công ty trong và ngoài tỉnh.
Vững vàng nhờ có nghề
Trong bối cảnh công nghiệp hóa diễn ra mạnh, thời gian qua, xã Tân Hưng luôn chủ động đẩy tạo thêm cơ hội việc làm cho người lao động. Cụ thể, xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể rà soát tình hình thực tế, đề xuất mở các lớp dạy nghề.
![]() |
Tay nghề vững vàng giúp người dân ổn định công việc, không chịu tác động quá mạnh từ đại dịch Covid-19. (Ảnh TL). |
Các lớp dạy nghề của xã hiện đang hướng mạnh vào các lĩnh vực cơ khí, may mặc, mộc mỹ nghệ… Ưu tiên hình thức vừa học vừa làm, liên kết với HTX, doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ cụ thể, bám sát nhu cầu thị trường.
Lãnh đạo xã Tân Hưng cho biết, cách làm này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, lao động có cơ hội việc làm cao. Toàn xã hiện có hơn 550 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong huyện.
Chị Bùi Thị Thao, thôn Sông Cùng, xã Tân Hưng chia sẻ sau khi học hết cấp 3, kinh tế khó khăn nên chị có nhu cầu học nghề. Được nhà trường hướng nghiệp và các đơn vị tuyển dụng tư vấn, chị tham gia lớp học nghề may công nghiệp do UBND xã và công ty may LGG phối hợp tổ chức.
“Sau 2 tháng học nghề, nắm chắc những kỹ năng cơ bản, tôi được nhận vào làm việc tại công ty, với mức lương 4,5 – 6 triệu đồng tháng, tùy theo năng suất sản phẩm. Nhờ có tay nghề vững, cuộc sống của tôi ngày càng ổn định, dịch bệnh Covid-19 xảy ra cũng không gây ảnh hưởng quá nhiều”, chị Thao phấn khởi nói.
Tương tự, sau khi học xong phổ thông, anh Nguyễn Hữu Hùng, xã Đại Lâm cũng rời bỏ đồng ruộng đi học nghề cơ khí. Nhiều năm nay, anh có việc làm với mức thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng tại một xưởng sửa chữa ô tô ngay gần nhà.
Thực tế cho thấy, các chương trình đào tạo nghề ở Lạng Giang đang phát huy hiệu quả tích cực. Theo thống kê, toàn huyện có hơn 115.000 người trong độ tuổi lao động. Trong đó, lao động trong độ tuổi thanh niên có sự chuyển dịch mạnh nhất.
Trước nhu cầu của nhiều HTX, doanh nghiệp chỉ tuyển lao động có tay nghề đã qua đào tạo, huyện chủ động đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị dạy nghề, bình quân mỗi năm mở 20 - 25 lớp dạy nghề ngắn hạn cho đối tượng có nhu cầu.
Đặc biệt, tại những nơi tình hình công nghiệp hóa diễn ra mạnh, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, các đơn vị dạy nghề cũng đổi mới phương thức tổ chức lớp học như tổ chức dạy nghề lưu động ở các xã, thị trấn…
Nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo
Theo UBND huyện Lạng Giang, trên địa bàn hiện có gần 500 HTX, doanh nghiệp hoạt động với các ngành nghề chủ yếu như may mặc, cơ khí, mộc... Mỗi năm, tuyển dụng trên 1.500 lao động địa phương.
![]() |
Các lớp đào tạo nghề ở Lạng Giang đang tạo được hiệu ứng tích cực. (Ảnh TL). |
HTX cơ khí Lạng Giang, thị trấn Vôi, đang là một trong những đơn vị điển hình trong dạy nghề, tạo việc làm cho lao động trên địa bàn huyện Lạng Giang. HTX hiện có 25 thành viên chính thức và 30 lao động có tay nghề vững, với mức lương bình quân 7 – 8 triệu đồng/người/tháng.
"Để cạnh tranh được lao động chất lượng cao, bản thân các HTX đã vận động để tự đào tạo lao động cho mình bằng cách cầm tay chỉ việc. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động, HTX rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc mở các lớp đào tạo nghề để nâng cao tay nghề cho lao động”, ông Đặng Đình Bình cho hay.
Đang đẩy mạnh đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp, song huyện Lạng Giang cũng không bỏ quên ngành nghề nông nghiệp là trồng trọt và chăn nuôi, bởi đây vẫn là lĩnh vực có ảnh hưởng đến đông đảo người lao động khu vực nông thôn.
Cùng với sự đồng hành của địa phương, các HTX cũng đang giúp công tác đào tạo nghề nông nghiệp ở Lạng Giang chuyển biến mạnh. Điển hình như HTX Tiên Tiến, xã Tiên Lục hiện tạo việc làm ổn định cho 7 hộ thành viên chính thức và hơn 30 hộ liên kết. Sản xuất nấm an toàn đang là một trong những ngành chủ lực của HTX.
Để phát triển ổn định trong những năm qua, HTX đã hoạt động theo phương châm “thực phẩm an toàn, cuộc sống tươi đẹp”. Quy trình sản xuất của HTX được xây dựng và hoàn thiện theo tiêu chuẩn VietGAP, với các tiêu chuẩn cao về an toàn lao động và vệ sinh thực phẩm.
Sản xuất khoa học, với tay nghề cao giúp các sản phẩm nấm của HTX có chất lượng vượt trội, sức cạnh tranh trên thị trường được nâng cao. 100% sản phẩm VietGAP của HTX đang được bao tiêu với giá cao hơn thị trường 10 – 25%.
Năm 2021, huyện Lạng Giang phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,5%, giải quyết việc làm mới cho hơn 4.200 lao động. Trong bối cảnh dịch bệnh, đây là mục tiêu cao đòi hỏi sự nỗ lực lớn của cả người dân và chính quyền địa phương.
Thời gian tới huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền, các ngành, đoàn thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền, làm chuyển biến nhận thức của người dân về học nghề gắn với việc làm tại địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi lao động có nhu cầu đều được học và giới thiệu việc làm sau đào tạo.
Lệ Chi