Năm 2016, sau khi tham gia khóa đào tạo nghề ngắn hạn của địa phương, quyết định chuyển đổi toàn bộ gần 3 ha đất trồng lúa sang trồng bưởi da xanh VietGAP trở thành bước ngoặt, mang lại thành công ấn tượng cho ông Trần Minh - một nông dân sản xuất giỏi ở Định Thành.
Giỏi cũng phải học
Ông Minh chia sẻ, sau nhiều năm gắn bó với cây lúa, ông nhận thấy cây trồng truyền thống này của địa phương không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao vì giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định, nên đã ấp ủ ý định chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh.
![]() |
Được học nghề giúp nông dân tự tin chuyển đổi sản xuất, gặt hái thành công (Ảnh TL). |
Dù là nông dân giỏi có tiếng tại địa phương, ông Minh vẫn xin tham gia khóa đào tạo nghề nông nghiệp kéo dài 3 tháng do xã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức, nhằm trang bị kiến thức về trồng trọt VietGAP, ứng dụng kỹ thuật mới…
“Gần 20 năm kinh nghiệm trên đồng ruộng, nhưng chuyển đổi từ lúa sang cây ăn quả vẫn là thách thức không nhỏ. Vì vậy, tôi chủ động xin tham gia lớp dạy nghề của xã nhằm phát triển sản xuất theo hướng khoa học, tạo ra những sản phẩm chất lượng, giàu sức cạnh tranh”, ông Minh cho hay.
Nhờ chịu khó học thêm kiến thức, được sự đồng hành của cán bộ kỹ thuật địa phương, vườn bưởi nhà ông Minh đang phát triển ổn định, cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 3 - 5 lao động thời vụ, tiền công trên dưới 4 triệu đồng/người/tháng.
Hai năm qua, với những thành công đã đạt được, ông Minh còn chủ động dạy lại những kiến thức đã được học cùng với kinh nghiệm của bản thân cho hàng chục hộ dân trong xã, giúp các hộ phát triển sản xuất, vươn lên khấm khá.
Không chỉ dạy nghề nông nghiệp, xã Định Thành cũng tích cực phát triển các nghề thủ công nghiệp. Điển hình, xã đang có Tổ hợp tác đan và dạy nghề đan giỏ mây ấp Hòa Long tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ tại địa phương.
Chị Từ Thị Kim Sự, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết, mô hình đan giỏ đang giải quyết được hơn 100 việc làm cho lao động ở địa phương và các xã lân cận. Với những người chưa biết đan, Tổ hợp tác sẵn sàng dành thời gian dạy nghề miễn phí để bắt nhịp công việc nhanh nhất.
Theo chị Sự, nghề đan giỏ rất dễ học, chỉ cần chú tâm thì mất vài giờ là rành. Chị em nào chịu khó, làm nhiều thì hưởng nhiều. Thời điểm vào vụ, có người kiếm thêm thu nhập gần 200.000 đồng/ngày.
Tiếp đà thúc đẩy
Vào cuối năm 2020, xã Định Thành cũng đã tổ chức thành công 2 lớp dạy nghề cho lao động địa phương. Việc chú trọng đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm ổn định đã giúp cho đời sống người dân trong xã được nâng lên, góp phần "nâng chất" xã nông thôn mới nâng cao.
![]() |
Cần thêm nguồn lực thúc đẩy dạy nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân (Ảnh TL). |
Lãnh đạo xã Định Thành cho biết, việc hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp là hướng đi được chú trọng của địa phương.
Hiệu quả công tác dạy nghề góp phần nâng cao đời sống của người dân. Mức thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt gần 50 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới giảm còn dưới 3% so với năm 2011 là 6,60%.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Định Thành đã đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu quan trọng mà chương trình xây dựng nông thôn mới của xã hoàn thành trong thời gian qua.
Để thực hiện tốt công tác đào tạo và giới thiệu việc làm, chính quyền xã đã tích cực phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thoại Sơn chủ động khảo sát nhu cầu học nghề, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, tư vấn học nghề và tạo việc làm cho lao động trên địa bàn.
Hiện, các nghề đang được người lao động trong xã ưa chuộng nhất là may công nghiệp, đan giỏ, xây dựng dân dụng, sửa xe gắn máy… Hầu hết các lao động, đặc biệt là lao động nữ, sau khi học nghề đều có việc làm, thu nhập ổn định.
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, để đảm bảo sinh kế cho người dân, việc chú trọng giải pháp đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động, tạo nguồn vốn, đa dạng hóa hoạt động tạo thu nhập, gắn với xây dựng nông thôn mới là một hướng đi đúng đắn, cần được xã nhân rộng.
Hưng Nguyên