Những năm gần đây, không ít các ngành nghề cho thấy nhu cầu nhân lực và mức lương có xu hướng giảm, song công nghệ thông tin, trong đó có tin học ứng dụng vẫn luôn giữ được sức hút với giới trẻ. Khảo sát tại nhiều trường nghề khu vực phía Bắc, IT là một trong 10 ngành nghề có chỉ tiêu tuyển sinh và cơ hội việc làm cao nhất.
Chưa tốt nghiệp đã có việc
Trong kỳ tuyển sinh năm 2021, chuyên ngành tin học ứng dụng là một trong những ngành có chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất của Trường Trung cấp bách nghệ Hà Nội (Thanh Xuân, Hà Nội), với trên 60 chỉ tiêu, chỉ sau ngành kỹ thuật chế biến món ăn.
![]() |
Tin học ứng dụng đang là một trong những nghề "Hot" trong trường nghề, có cơ hội việc làm cao. |
Anh Trần Thanh Tùng, cán bộ tuyển sinh của trường, cho biết trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt là đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải thay đổi phương thức hoạt động để phát triển. Các hoạt động công nghệ, truyền thông, thương mại điện tử được đẩy mạnh.
Chính vì vậy, nhu cầu tuyển dụng nhân sự phụ trách công việc quản lý, thiết kế xây dựng, phát triển và duy trì website… đang rất lớn trong những năm gần đây. Hầu hết các ngành nghề hiện nay đều có nhu cầu về những sản phẩm phần mềm đặc thù, vì vậy sinh viên, học sinh tốt nghiệp tin học ứng dụng có thể làm việc tại doanh nghiệp, trường học, bệnh viện…
“Ngành tin học ứng dụng hay rộng hơn là công nghệ thông tin là ngành học có liên quan mật thiết đến trình độ phát triển của mỗi quốc gia và có cơ hội việc làm rất cao, không chỉ cho doanh nghiệp trong nước mà cả những tập đoàn FDI. Ở Trung cấp bách nghệ Hà Nội, tỉ lệ sinh viên IT ra trường có việc làm đạt trên 95%”, anh Tùng cho hay.
Sau 3 năm tốt nghiệp chuyên ngành tin học ứng dụng tại Trường Trung cấp bách nghệ Hà Nội, anh Lê Xuân Huy hiện đang sở hữu một “bệnh viện” laptop ở phường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội.
Theo anh Huy, ngay từ khi chưa tốt nghiệp, anh và một số người bạn đã lập nhóm nhận dịch vụ cài đặt phần mềm, sửa chữa máy tính, máy in, khắc phục lỗi thao tác trên internet… để kiếm thêm thu nhập. Dù vừa học, vừa làm, anh Huy vẫn kiếm trung bình 2 – 3 triệu đồng/tháng.
“Cái được lớn nhất của sinh viên học trường nghề là không sa đà vào lý thuyết, được thực hành nhiều và tạo điều kiện làm việc thực tế tại doanh nghiệp từ khi còn đi học. Vì vậy, hầu hết sinh viên trường nghề có thể làm việc hiệu suất cao ngay sau khi ra trường”, anh Huy nhấn mạnh.
Tiếp tục nâng cao chất lượng
Cũng lựa chọn nghề tin học ứng dụng sau khi tốt nghiệp phổ thông, sau 3 năm tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, anh Nguyễn Tiến Dụng đang làm việc cho một công ty quảng cáo có tiếng ở Đà Nẵng, với mức lương trên 10 triệu đồng.
![]() |
Các trường nghề cần nâng chất đào tạo để bắt kịp yêu cầu của doanh nghiệp. |
Anh Dụng cho biết, công việc hiện tại của anh là thiết kế đồ họa và hoạt ảnh, dựng phim. Đây là công việc đòi hỏi sự sáng tạo và kỳ công, đôi khi một đoạn quảng cáo chỉ dài 30 giây nhưng có thể “ngốn” 4 – 6 tiếng từ khâu chuẩn bị đến khâu hoàn thiện.
Trong bối cảnh sau dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước đang liên tục tăng cường sản xuất dẫn đến việc mở rộng quy mô nhân lực.
Anh Nguyễn Trung Triệu, Phó phòng Quản trị nguồn nhân lực, công ty cổ phần MISA, cho biết: “Hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ trên cả nước trong đó có MISA đang gấp rút, tăng cường tổ chức sớm hơn những chương trình tuyển dụng nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất lớn trong năm, đặc biệt chú trọng đến nhân lực trẻ, lành nghề”.
Khảo sát cũng cho thấy thông tin về các chương trình đào tạo, tuyển dụng, thực tập, sinh viên có thể dễ dàng tìm thấy trên website các doanh nghiệp, các trang tìm kiếm việc làm như Ybox, TopCV, Vietnamnetwork,… Tại những ngày hội việc làm, nghề tin học ứng dụng, IT cũng là một trong những ngành nghề được chú ý nhất.
Rõ ràng, nhu cầu nhân lực tin học ứng dụng đang rất lớn, tuy nhiên cùng với xu thế thời đại, yêu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng cao. Vì vậy, các trường nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng chuyên sâu.
Việc nâng cao chất lượng đào tạo không chỉ nhằm mục đích nâng cao năng lực, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên, mà còn góp phần giúp các trường nghề nâng cao uy tín với doanh nghiệp, gia tăng sức hút với người học, qua đó cạnh tranh sòng phẳng với các trường đại học, cao đẳng chính quy.
Mỹ Chí