Ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh cho biết, tại các địa phương, vấn đề truyền thông về giáo dục nghề nghiệp ngày càng cho thấy sự cấp thiết, nhất là trong bối cảnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Xác định đối tượng mục tiêu
Theo ông Trực, truyền thông tốt để nâng cao hình ảnh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp là “chìa khóa” để các trường nghề, cơ sở đào tạo thu hút học sinh, sinh viên có trình độ, thay vì chỉ nhận những học viên “không có cửa vào đại học”.
![]() |
Truyền thông hiệu quả sẽ nâng cao hình ảnh cho giáo dục nghề nghiệp. |
Để nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông, việc xác định đối tượng truyền thông rất quan trọng. Trong đó, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần hướng mạnh truyền thông cho lao động tại các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, các đối tượng tiềm năng như học sinh lớp 9, lớp 12, phụ huynh học sinh.
Cùng với đó, cơ quan quản lý trong lĩnh vực này cũng cần quan tâm lựa chọn đội ngũ nòng cốt làm cộng tác viên truyền thông, từ đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của các ngành liên quan, đến đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan truyền thông báo chí.
“Báo chí chính thống là nền tảng quan trọng trong công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp. Một tấm gương học nghề truyền thông được đăng tải trên các cơ quan báo chí có giá trị tuyên truyền, lan tỏa hơn cả trăm bài diễn thuyết”, ông Vũ Quang Trực nhấn mạnh.
Kết quả các cuộc khảo sát thực tế của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng chỉ ra các câu chuyện học nghề thành công đăng tải trên báo chí đã cho thấy được sức lan tỏa mạnh mẽ và từng bước góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề.
Bằng việc lựa chọn các hình thức thể hiện sinh động, hiện đại như E-magazin, Longform…, cùng với những câu chuyện thành công của các nhân vật bước ra từ trường nghề, những bài báo trên các tờ báo, tạp chí đã tạo sức lan toả, thu hút lượng lớn độc giả quan tâm, với số lượt truy cập luôn ở tốp đầu.
Xây dựng hệ sinh thái truyền thông
Bà Trần Thị Hồng Hoa, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Lào Cai chia sẻ, đến nay, nhiều gia đình vẫn nặng nề câu chuyện học nghề không "sang", cơ hội việc làm thấp, thu nhập không cao.
Vì vậy, khi đi tuyển sinh, cán bộ nhà trường phải đưa ra các bài báo, giới thiệu những tấm gương học nghề thành công, được vinh danh trên các bảng xếp hạng quốc tế, quốc gia thì mới thay đổi được quan điểm của các bậc phụ huynh và học sinh.
![]() |
Các trường nghề cũng đang rất quan tâm đến việc nâng cao hình ảnh, với các gian hàng giới thiệu, quảng bá. |
“Thực tế cho thấy công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp là rất quan trọng trong bối cảnh hiện tại. Hiệu quả của công tác này sẽ nâng cao hình ảnh, tạo sức hút mạnh hơn với những học sinh giỏi, khá, tạo sự yên tâm, tin tưởng với phụ huynh”, bà Hoa khẳng định.
Cũng đánh giá cao công tác truyền thông trong giáo dục nghề nghiệp, TS. Phạm Xuân Khánh, phụ trách Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho rằng, phải có quan điểm rõ ràng đối với câu chuyện tuyển sinh của giáo dục nghề nghiệp. Trường nghề không thể mãi “vơ bèo vạt tép”, không phải là không còn đường nào để đi mới đi học nghề. Cần đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn, và thực tế cũng cho thấy những học sinh thành công trong giáo dục nghề nghiệp đều có điểm đầu vào cao.
Theo ông Khánh, để truyền thông hiệu quả cần chú trọng đến sự khác biệt của giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học, quan tâm đến tiếng nói của doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh. Truyền thông mạnh về giáo dục nghề nghiệp nhưng truyền thông đúng, khách quan, không truyền thông thái quá.
Thực tế cho thấy, để nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông, nâng cao hình ảnh của giáo dục nghề nghiệp, năm 2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã lần đầu tiên xây dựng khái niệm “hệ sinh thái truyền thông giáo dục nghề nghiệp”.
Theo đó, trong thời gian tới, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ tập trung xây dựng và phát triển không gian truyền thông. Giai đoạn 2021-2022 sẽ chú trọng xây dựng hạ tầng số và phát triển các sản phẩm số, triển khai xây dựng không gian truyền thông giáo dục nghề nghiệp tại các nơi công cộng, địa điểm đông người qua lại bằng các gian hàng, các biển quảng bá… tại các địa phương. Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh mối quan hệ với các cơ quan thông tin đại chúng, thông tấn báo chí. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng tích cực, chủ động xây dựng không gian truyền thông riêng.
Nhật Minh