Theo TS. Lê Ngọc Đức, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Nông nghiệp công nghệ cao (TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm đã làm việc với nhiều chuyên gia ở trong và ngoài nước và đều có nhận định chung là nông nghiệp sẽ là một trong những ngành đáp ứng được nhu cầu của xã hội trong hiện tại và tương lai. Những ai học nghề hay được đào tạo về nông nghiệp thích ứng với thời kỳ 4.0 sẽ rất dễ xin việc và có thu nhập ổn định, hấp dẫn.
Thiếu cả "chất" và lượng
Có thể thấy, điều TS. Lê Ngọc Đức nói quả không sai. Thời gian qua, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng nông nghiệp vẫn là ngành có đóng góp không nhỏ vào kinh tế. Tiêu biểu như năm 2020, ngành nông nghiệp đã đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2,65%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn đạt 41,25 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Hiện, 65% dân số Việt Nam đang sinh sống bằng phát triển sản xuất, kinh doanh những ngành nghề liên quan đến nông nghiệp và đời sống đều được nâng lên. Theo thống kê, đến hết năm 2020, thu nhập của người nông dân đã đạt khoảng 43 triệu đồng/người/năm.
Không chỉ dừng lại ở đó, hiện nay, nông nghiệp của nước ta đang trong quá trình chuyển hướng sang kinh tế thị trường, kinh tế hàng hóa thông qua các chuỗi giá trị để đáp ứng công cuộc hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ biến công nghệ thành yếu tố then chốt có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, trong đó nông nghiệp cũng không nằm ngoài quy luật này. Nông nghiệp với sự tham gia, hỗ trợ của công nghệ thì đi kèm với đó chính là sự đòi hỏi về nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành nghề và nâng cao giá trị, thương hiệu nông sản.
![]() |
Nông nghiệp là một ngành đang thiếu nguồn lao động chất lượng cao. |
Tuy nhiên, lao động ngành nông nghiệp tại Việt Nam đang chủ yếu làm những công việc giản đơn như trồng trọt, chăn nuôi theo mùa vụ; sản xuất theo quy mô hộ và làm chủ yếu theo kinh nghiệm. Các kỹ năng về quản lý, quản trị, kết nối thành chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ còn yếu. Việc tuân thủ quy trình sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp công nghệ cao vẫn chưa được chú trọng.
Tính riêng trong mô hình kinh tế tập thể, theo khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam, hiện vẫn còn trên 24.000 người (chiếm hơn 47%) cán bộ quản lý HTX trong lĩnh vực nông nghiệp chưa được đào tạo, trong khi nhân lực là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động của HTX.
Không chỉ về chất lượng mà số lượng nguồn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta cũng đang thiếu. Theo Bộ NN&PTNT, năm 2020, nguồn nhân lực đã qua đào tạo về nông nghiệp vẫn thiếu khoảng 3,2 triệu lao động. Và theo dự báo, đến năm 2025, ngành nông nghiệp sẽ cần khoảng 10.000 cán bộ quản lý, 80.000 cán bộ HTX nông nghiệp, 100.000 lao động có trình độ đào tạo, 60.000 lao động làm dịch vụ kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Thiếu cả "chất" và lượng nguồn lao động chính là nguyên nhân dẫn tới giá trị nông sản thấp. Đi cùng với đó là việc tiêu thụ nông sản cũng khó khăn hơn, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh đang diễn biến phức tạp cũng như các nước trên thế giới đang yêu cầu rất cao về hàng rào kỹ thuật.
Đáp ứng nhu cầu thị trường
Để giải quyết khó khăn này, đào tạo nghề, xây dựng các môn học về nông nghiệp là một trong những mục tiêu quan trọng cần thực hiện cấp bách. Nắm bắt được xu hướng phát triển nông nghiệp và thực trạng nguồn lao động của ngành nông nghiệp, các trường học, các trường nghề và trung tâm giáo dục cũng đang coi đây là một mục tiêu trọng tâm trong quá trình hoạt động và phát triển.
Tiêu biểu như Trung tâm dạy nghề Nông nghiệp công nghệ cao (TP.HCM) hiện nay đang đẩy mạnh tuyển sinh các lớp học về nông nghiệp như: “Kỹ thuật trồng và chăm sóc rau tại nhà”, “Sản xuất rau theo hướng hữu cơ”, “Kỹ thuật trồng và chăm sóc rau mầm dụng công nghệ cao”, “Kỹ thuật sản xuất và vận hành hệ thống nhà màng”… Ngoài ra, Trung tâm còn đào tạo các ngành nghề như quản lý nông nghiệp, cố vấn nông nghiệp. Học viên được tư vấn học nghề, tư vấn làm việc miễn phí thông qua việc liên kết với các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp ở trong và ngoài nước…
![]() |
Đào tạo ngành nông nghiệp cần đa dạng về hình thức để bảo đảm chất lượng. |
Hay như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hiện cũng đẩy mạnh đào tạo nguồn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng vừa nâng cao về chất, vừa đáp ứng được số lượng. Các bộ môn mà sinh viên được đào tạo như: Kinh tế nông nghiệp, marketing nông nghiệp, quản trị thương hiệu, du lịch sinh thái, công nghệ nông nghiệp, tiếng Anh ngành kinh doanh nông nghiệp... Sinh viên phải hoàn thành 128 tín chỉ và có thể đáp ứng những yêu cầu cao về phát triển nông nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0.
Và ngành nghề này cũng đang thu hút không ít sinh viên. Tiêu biểu như năm 2018, tỷ lệ sinh viên đăng ký học về nông nghiệp của trường Đại học Kinh tế Quốc dân là 20,75% thì đến năm 2019 là 22,60% và đến năm 2020 đã tăng lên 25,65%.
Việc hệ thống giáo dục và đào tạo nghề quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp sẽ giúp Việt Nam xây dựng và phát triển được các chuỗi giá trị gia tăng ngành hàng nông sản. Đây chính là xu hướng của ngành nông nghiệp vì tạo được sự gắn kết lợi ích giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, từ đó tạo sự phát triển bền vững cho cả nông nghiệp, công nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, muốn đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp thành công, các trường, các trung tâm giáo dục và đào tạo nghề cần quan tâm đến đặc thù của ngành này. Dù đào tạo chính quy hay phi chính quy thì ở lĩnh vực nông nghiệp, cần gắn kết đa dạng các loại hình đào tạo như trực tuyến để phù hợp với tình hình dịch bệnh hay trực tiếp trên đồng ruộng, từ đó giúp người được đào tạo chủ động ứng dụng các kỹ năng vào làm việc.
Hiện nay, các trường đại học trên thế giới như Idaho- University, Southeast Missouri State University, Florida A&M University (Mỹ) hay University of New Zealand… cũng đang thành công trong việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Hệ thống giáo dục, đào tạo nghề ở Việt Nam cũng có thể học hỏi những mô hình này để nâng cao chất lượng đào tạo.
Trong bối cảnh trên Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, Liên minh HTX Việt Nam cũng đang đẩy mạnh công tác đào tạo chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể, HTX. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016-2020, Liên minh HTX Việt Nam tổ chức 785 lớp bồi dưỡng và đào tạo nghề với tổng số 39.487 lượt cán bộ, người lao động của HTX.
Không dừng lại ở đó, Liên minh HTX Việt Nam còn hỗ trợ nhiều HTX tham gia hội chợ tại châu Âu và Trung Quốc; tổ chức 6 hội chợ quốc gia với tổng số 2.421 gian hàng của các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác.
Liên minh HTX Việt Nam hướng tới năm 2030, tỷ lệ cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 30% và khoảng 80% giám đốc HTX được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc. Để thực hiện được mục tiêu này, Liên minh HTX Việt Nam đang tích cực thực hiện các lớp đào tạo, thu hút hàng nghìn lượt học viên, trong đó có các cán bộ HTX. Điều đó không chỉ giúp nâng cao chất lượng nguồn lao động ngành nông nghiệp, mà còn góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp có trách nhiệm, nông nghiệp xanh theo hướng bền vững.
Như Yến