Ông Trần Thanh Hải, hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông (TP.HCM) lý giải chương trình đào tạo kép có nghĩa là sau khi tốt nghiệp, học sinh, sinh viên trường nghề sẽ được cấp hai bằng cao đẳng của trường tại Việt Nam và trường đối tác.
Được “định giá” cao sau tốt nghiệp
Cuối tháng 6 vừa qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã cho phép Trường CĐ Viễn Đông liên kết đào tạo nghề điều dưỡng với Tập đoàn Knappschaft (Đức).
![]() |
Sinh viên trường nghề có cơ hội nhận 2 bằng trong nước và quốc tế khi theo chương trình đào tạo kép. |
Theo chương trình, sinh viên sẽ học 1 năm các kiến thức điều dưỡng tại Việt Nam kèm 1 năm lấy bằng tiếng Đức trình độ B1, rồi sau đó sang Đức vừa học vừa làm cho Knappschaft trong vòng 24 tháng.
Thời gian ở Đức, sinh viên không tốn tiền học, sinh hoạt phí, ngược lại được nhận lương 1.500-2.400 euro/tháng kèm nhiều quyền lợi khác. Tốt nghiệp xong, sinh viên có hai tấm bằng điều dưỡng của Trường CĐ Viễn Đông và bằng chuẩn Đức.
"Ngoài Knappschaft, một số tổ chức khác cũng đang đặt hàng chúng tôi cung cấp sinh viên điều dưỡng sang Đức. Chúng tôi đang chạy hết công suất đào tạo sinh viên", ông Hải nói.
Bên cạnh liên kết với các trường ở Đức, Trường CĐ Viễn Đông cũng có nhiều chương trình chuyển giao tiêu chuẩn quốc tế khác như liên kết với Đại học Silliman (Philippines) đào tạo nghề điều dưỡng, Trường CĐ Công nghệ ôtô Nakanihon (Nhật) cung ứng lao động ngành công nghệ ôtô...
Việc có 2 tấm bằng, và một trong số đó là chuẩn quốc tế, sinh viên trường nghề sau tốt nghiệp gần như nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ các doanh nghiệp hàng đầu, từ đó nâng cao cơ hội việc làm, lương cao, cùng cơ hội thăng tiến cho học viên.
Như tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, sinh viên theo học ngành Quản trị khách sạn và Kỹ thuật chế biến món ăn chuyển giao từ Đức được phía bạn tài trợ kinh phí và giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp.
Sau khi hoàn thành khóa học, sinh viên được cấp hai bằng tốt nghiệp cao đẳng của Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội và của Viện Tiểu thủ công nghiệp và kỹ năng nghề Leipzig.
Ngoài kỹ năng nghề được quốc tế công nhận, người tốt nghiệp các chương trình đào tạo còn có năng lực tiếng Anh thấp nhất đạt trình độ B1 trở lên đến B2 theo khung năng lực ngoại ngữ chung châu Âu, đủ điều kiện tham gia thị trường lao động trong khu vực ASEAN và quốc tế.
Với những điều kiện trên, sinh viên được đào tạo kép có cơ hội tìm việc tại các công ty quốc tế trong và ngoài nước, có thể tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hay liên thông lên bậc đại học tại các nước phát triển.
Giải pháp để tăng hiệu quả
Các mô hình đào tạo kép theo chuẩn quốc tế đang cho thấy chuyển biến tích cực, tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam, tạo sức hút với sinh viên, học sinh các trường nghề cũng đang có sự chọn lọc, linh hoạt thay đổi để nâng cao hiệu quả.
![]() |
Bằng quốc tế giúp sinh viên nghề tăng cơ hội việc làm, thăng tiến, hoặc làm việc tại nước ngoài. |
Đơn cử, hiện một số trường đang học hỏi mô hình KOSEN của Nhật để đào tạo hệ 9+ (sau trung học cơ sở). Điển hình là 3 trường CĐ Công nghiệp và thương mại, CĐ kỹ thuật Cao Thắng và CĐ Công nghiệp Huế đang tham gia dự án do Bộ Công thương chủ trì.
Ths Trương Quang Trung, Phó hiệu trưởng Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM), cho biết mô hình KOSEN được nhiều trường nghề trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên khi về Việt Nam, KOSEN không được trường "bê" hoàn toàn mà chắt lọc học hỏi những cái hay, tối ưu nhất.
Chẳng hạn trường học hỏi phương pháp đào tạo sinh viên theo tiêu chuẩn 5S, gồm Seiri (sàng lọc - loại bỏ những thứ không cần thiết), Seiton (sắp xếp - giúp mọi thứ trật tự), Seiso (sạch sẽ - vệ sinh nơi làm việc), Seiketsu (săn sóc - xây dựng tiêu chuẩn cao), Shitsuke (sẵn sàng - tạo thành thói quen).
Bên cạnh đó, trường chuyển sang cho sinh viên thực hiện những dự án mang tính kế thừa. Học kỳ đầu, sinh viên làm một đồ án nhỏ thuộc dự án lớn, học kỳ hai tiếp tục đồ án tiếp theo cũng thuộc dự án đó. Cứ thế đến khi tốt nghiệp, học sinh có một dự án lớn hoàn chỉnh.
Cùng với học hỏi và linh hoạt điều chỉnh theo điều kiện thực tế, theo đại diện các trường nghề, hiệu quả của mô hình đào tạo kép đòi hỏi có sự đóng góp tích cực hơn từ các doanh nghiệp.
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, cho rằng trong những yếu tố nâng chất lượng đào tạo nghề thì việc liên kết chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp phải xác định là khâu đột phá.
Ở các nước tiên tiến như Đức, Nhật Bản, đào tạo kép là sự hợp tác giữa doanh nghiệp và trường nghề, được tài trợ công khai, sự hợp tác này được quy định trong luật. Theo đó, học viên trong hệ thống đào tạo kép thường dành một phần mỗi tuần tại một trường dạy nghề và phần khác tại một công ty. Đào tạo kép thường kéo dài 2 đến 3,5 năm.
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, trước hết cần luật hóa các quy định tại các luật (Luật doanh nghiệp, Luật giáo dục nghề nghiệp...), các chính sách quy định công khai quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo. Nhà nước cũng cần trao quyền tự chủ cho cơ sở đào tạo để linh hoạt trong quá trình đào tạo, cùng với đó là trách nhiệm giải trình, thực hành giám sát xã hội.
Mỹ Chí