Trong hơn 10 năm qua, nghề đan lọp cua đồng có xu hướng phát triển mạnh, liên tục được nhân rộng, tạo sinh kế cho hàng trăm lao động nông thôn trên địa bàn xã Bình Thạnh. Đặc biệt, sự hình thành của làng nghề đan lọp ấp Bình Thạnh B đang mở hướng đi mới đầy tiềm năng.
Liên kết tạo việc làm
Chị Bùi Thị Thanh, người gắn bó với làng nghề đan lọp ở Bình Thạnh nhiều năm qua, cho hay trước năm 2010, nghề làm lọp cua gặp rất nhiều khó khăn, lọp đan ra "nhốt vốn" mà lại không có thị trường.
![]() |
Nhiều nông dân Bình Thạnh liên kết để tạo việc làm, nâng cao thu nhập (Ảnh TL). |
Để làm được một cái lọp cua, người đan phải thực hiện nhiều công đoạn như chẻ nan, làm vành, làm bững, hom…, do đó đòi hỏi nhiều công sức, sự tỉ mỉ, tay nghề thuần thục. Là việc làm lúc nông nhàn, trung bình mỗi người kiếm thêm được từ 30 - 50 nghìn đồng/ngày từ việc đan lọp cua.
Dần dần nhờ sự quan tâm của địa phương, cùng tay nghề của người dân ngày càng được nâng lên, số lượng, chất lượng sản phẩm được đảm bảo, hiệu quả của nghề đan lọp ở Bình Thạnh mới dần được cải thiện, thị trường dần được mở rộng.
“Từ việc làm thêm vào lúc nông nhàn, nhiều gia đình ở Bình Thạnh phát triển nghề đan lọp thành nghề thu nhập chính. Bên cạnh tự sản xuất tại nhà để bán, các hộ còn đi đặt lọp cua ở Tháp Mười, Tam Nông, Tân Hồng… để kiếm thêm thu nhập”, chị Thanh chia sẻ.
Để nâng cao giá trị sản xuất, các hộ làm nghề đan lọp ở Bình Thạnh còn liên kết thành lập tổ hợp tác đan lọp Bình Thạnh, hướng đến sản xuất lớn, thị trường lớn.
Lãnh đạo xã Bình Thạnh cho biết, từ khi có tổ hợp tác, nghề đan lọp cua trong xã có chuyển biến tích cực, tình hình kinh tế của nhiều gia đình cải thiện đáng kể, góp phần giảm số hộ nghèo qua từng năm.
Tổ hợp tác đã tích cực phối hợp với xã để tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng, kỹ thuật cho không chỉ thành viên mà cả các hộ làm nghề tại địa phương. Tổ chức kết nối với các đơn vị sản xuất uy tín để mang về những hợp đồng lớn, tạo thêm việc làm cho người dân.
Cùng với nghề đan lọp, nghề chăn nuôi gia cầm trên địa bàn xã Bình Thạnh cũng có những thành công tích cực. Hiện, tổng đàn gia cầm trên địa bàn xã lên tới hàng chục nghìn con, chủ yếu là gà, ngan… Bên cạnh đó, người dân ở xã biên giới Bình Thạnh cũng đang duy trì nghề truyền thống sản xuất lúa.
Đáng chú ý, xã cũng đã thành lập được tổ hợp tác chăn nuôi, giúp các thành viên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm được nhiều chi phí, tăng năng suất, chất lượng đàn bò...
Nâng cao hiệu quả đào tạo
Lãnh đạo UBND xã Bình Thạnh cho biết, trong 5 năm trở lại đây, xã đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, dự án về việc làm, tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động… và đạt được nhiều kết quả tích cực.
![]() |
Các chương trình đào tạo nghề của xã sẽ được đẩy mạnh cả trong nông nghiệp và phi nông nghiệp (Ảnh TL). |
Tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã liên tục gia tăng, từ 20% năm 2015 lên trên 50% thời điểm hiện tại. Năm 2020, xã tổ chức dạy nghề và tạo việc làm mới cho hơn 300 lao động. Hiệu quả của công tác đào tạo nghề góp phần nâng thu nhập bình quân toàn xã lên trên 40 triệu đồng/người/năm.
Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, xã đã chủ động hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia vào các HTX, tổ hợp tác để có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, học nghề, nâng cao thu nhập. Các HTX, tổ hợp tác cũng đang là một trong những đơn vị chủ lực tiếp nhận lao động sau đào tạo của xã.
Trong các năm tới, bên cạnh các ngành nghề nông nghiệp, nghề tiểu thủ công truyền thống, xã đặt mục tiêu đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Quyết tâm duy trì đà tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo hàng năm đạt từ 4 đến 6%.
Để hoàn thành mục tiêu, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề, chủ động phối hợp với các ban, ngành huyện, tỉnh để tổ chức các lớp dạy nghề chuyên sâu, bám sát thực tế địa phương. Liên kết với các trường nghề của huyện để tổ chức các lớp tập huấn tại chỗ. Ngoài ra, vai trò của các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn xã cũng sẽ được nâng lên nhằm mở thêm cơ hội việc làm, thu nhập cao cho người dân sau khi học nghề.
Mỹ Chí