Mới đây, Bộ GTVT quyết định hủy thầu quốc tế chọn NĐT cao tốc Bắc – Nam đã mở lại cánh cửa cho các nhà đầu tư (NĐT) trong nước. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp (DN) trong nước. Cơ hội lớn nhưng DN Việt Nam có làm được hay không vẫn là một dấu hỏi.
Đủ tiềm lực và khả năng
Công bố mới đây của Bộ GTVT cho thấy trong 8 dự án thành phần mời thầu hiện theo kết quả sơ tuyển có 4 dự án không có NĐT tham gia, 2 dự án có 1 NĐT, 1 dự án có 2 NĐT, 1 dự án có 3 NĐT. Đây là cơ hội lớn cho các NĐT trong nước tham gia.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là liệu các NĐT trong nước có đủ năng lực, trình độ và công nghệ để thực hiện dự án trọng điểm này hay không?
Theo ông Đặng Văn Đại, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các NĐT công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), về kỹ thuật, các NĐT trong nước đã thực hiện nhiều tuyến cao tốc và cầu lớn, hầm đường về mặt kỹ thuật, do đó điều này hoàn toàn đáp ứng yêu cầu.
Điều kiện tham gia là vốn chủ sở hữu chiếm 20%. Như vậy, 8 đoạn tuyến này, chủ đầu tư đảm bảo 20%, còn lại là nguồn vốn vay tín dụng. Với 20% này, các NĐT trong nước hoàn toàn đáp ứng được.
“Hiện, năng lực và kỹ thuật thi công của các NĐT trong nước hoàn toàn có thể thực hiện được yêu cầu của đoạn tuyến tại dự án”, ông Đại nhận xét.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, cũng cho rằng việc huỷ thầu quốc tế dự án cao tốc Bắc – Nam là một quyết định sáng suốt. Đồng thời, giúp loại bỏ nguy cơ lặp lại một dự án tương tự như đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Theo ông Thuỷ, Việt Nam có rất nhiều NĐT có đủ năng lực thực hiện các dự án lớn như Tổng công ty Sông Đà, các Tổng công ty xây dựng công trình giao thông (Bộ GTVT), Tổng công ty Thăng Long, Tổng công ty Trường Sơn và các tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup, Sun Group, T&T…
![]() |
Dự án cao tốc Bắc – Nam là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong nước |
Nhiều trăn trở, lo lắng
“Đây đều là những DN có đủ thiết bị, công nghệ và đặc biệt là có kinh nghiệm trong việc thực hiện các công trình lớn. Nếu họ liên danh với nhau sẽ tạo được một nguồn lực tài chính mạnh, sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn về kinh nghiệm để có thể hoàn thành tốt dự án cao tốc Bắc – Nam”, ông Thuỷ khẳng định.
Bài học về NĐT trong nước vẫn còn “nóng hổi”, bên cạnh cơ hội, các chuyên gia cũng đã chỉ ra thách thức. Đơn cử như DN trong nước được nhận thầu nhưng hậu quả để lại là những đoạn đường vá víu, sụt lún như tại tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi trị giá 34.000 tỷ đồng vừa làm xong đã xuống cấp.
Quốc lộ 1 đoạn nối Bình Định – Phú Yên đầu tư 7.789 tỷ đồng cho 123km, nhưng đang tồn tại tới 5.200 ổ gà, đặc biệt nguy hiểm nếu lặp lại tại cao tốc Bắc – Nam.
Ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng, cho rằng việc huỷ bỏ đấu thầu quốc tế cũng không phải đã tốt vì không có sự cạnh tranh và học hỏi công tác thi công quốc tế của các nhà thầu nước ngoài. Nếu chỉ nhà thầu trong nước thì không có sự cạnh tranh quyết liệt và sẽ là sự “chia bánh, chia phần”. Cùng đó, năng lực của các nhà thầu trong nước phần lớn không có đội quân chuyên nghiệp thường trực.
Cũng theo ông Thịnh, hiện thiếu trầm trọng nguồn nhân lực vì phần lớn không có công nhân xây dựng mà là nông dân làm xây dựng, không có tay nghề do vậy không thể đáp ứng được yêu cầu dẫn đến chất lượng công trình không cao. Bên cạnh đó, thiết bị và công nghệ thi công lạc hậu, dẫn đến không đủ điều kiện để đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, “bóng ma” của những DN “sân sau”, “lợi ích nhóm” vẫn là những thách thức rất lớn, đặc biệt với các dự án giao thông theo hình thức BOT đã có thời gian dài được chỉ định thầu.
Chính vì thế mà khi phát lệnh khởi công xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn Cam Lộ – La Sơn đi qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc chống tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực hiện dự án và nhấn mạnh nếu đơn vị nào làm sai, quản lý sai phải xử lý nghiêm khắc nhất theo quy định.
Trước đó, hồi tháng 7/2019, tại cuộc họp báo của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan này đã từng đưa ra những con số để chứng minh rất nhiều dự án BT, BOT trên toàn quốc là chỉ định thầu, bởi vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương.
Ngay chính báo cáo của Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra tính riêng năm 2017, cả nước có 221.469 gói thầu, trong đó có tới 153.280 gói thầu được chỉ định thầu, chiếm 69%.
Những DN “sân sau”, “thân hữu” với một số quan chức sẽ hưởng đặc quyền tiếp cận những dự án lớn, khai thác tài nguyên thiên nhiên, sở hữu quỹ đất vàng với giá rẻ hơn nhiều so với giá trị thực. Đổi lại, cơ quan nhà nước hoặc quan chức sẽ được “lại quả” các quyền lợi, chủ yếu là vật chất.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đối với dự án cao tốc Bắc – Nam, nếu còn có hiện tượng DN “sân sau”, DN “thân hữu” được tạo điều kiện thực hiện dự án thì nguy hại lâu dài.
Minh Sơn