![]() |
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT. |
Thưa ông, có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng sốt đất đang lan rộng ở nhiều địa phương. Theo ông, đâu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này?
Như tôi đã từng cảnh báo, tình trạng sốt đất bắt nguồn từ việc thiếu nguồn cung từ năm 2019. Theo đó, giá nhà đất tại TP. HCM năm 2020 tăng khoảng 30%, Hà Nội tăng khoảng 20%. Việc thiếu nguồn cung sẽ còn diễn ra vài ba năm nữa. Hơn nữa, một số chủ đầu tư có nguồn cung chưa muốn tung sản phẩm ra thị trường vì họ chờ đợi để tăng giá. Đấy là nguyên nhân đẩy giá nhà tăng cao.
Còn liên quan tới việc "sốt đất", nguyên nhân chính là do năm 2021 là năm đầu tiên của kỳ quy hoạch 10 năm. Nhiều địa phương cần phải đưa ra ý tưởng quy hoạch sân bay, hệ thống giao thông, hệ thống đô thị nhà ở, xây dựng – quy hoạch lại tổ chức hành chính địa phương nâng huyện lên quận, thành lập thành phố mới… Điều này vô tình đã dẫn tới những cơn sóng sốt đất tại các địa phương.
Trong đó, chỉ có một số được phê duyệt, còn lại mới chỉ là dạng ý tưởng hoặc đang xây dựng đồ án. Như vậy, chính những thông tin chưa rõ ràng này mới bị lợi dụng để giới đầu cơ đẩy giá đất cao, từ đó có thể kiếm lợi. Khi nhìn ra thì thị trường BĐS đã rơi vào hoàn cảnh sốt đất tăng cao.
Có ý kiến cho rằng, việc "sốt đất" mang lại lợi ích cho nhiều người, nhưng đồng thời cũng dẫn đến rủi ro cho nhiều người khác. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Trong trạng thái bình thường, thị trường BĐS phát triển theo hướng đúng nhịp độ của nó, thì việc phân bổ lợi ích cũng diễn ra một cách bình thường. Nhưng có sốt đất tức là khả năng sẽ dẫn tới việc phân chia, phân bổ lợi ích từ đầu tư bất thường, có nghĩa là có thể mang lại lợi ích cho một số người, nhưng lại mang lại rủi ro, thất bát cho nhiều người. Đây là điều chúng ta không mong muốn.
Đối với việc đầu tư, ai có công sức đầu tư thì họ được hưởng lợi là đúng, nhưng nếu giá trị đất đai tăng thêm không phải do mình tạo ra thì chắc chắn đây là bất lương. Đây là ngữ cảnh không mong muốn của bất kỳ một thị trường BĐS nào và chúng ta cần phải dẹp bỏ.
Lúc này chính là lúc các cơ quan nhà nước, cơ quan báo chí truyền thông phải đưa các thông tin minh bạch về quy hoạch, những rủi ro có thể xảy ra để ngăn chặn việc hình thành một hiệu ứng đám đông trong việc nối gót nhau đi tìm lợi ích của việc mua bán BĐS. Đặc biệt là BĐS tại những vùng được hy vọng sẽ phát triển nhưng có thể vùng đó sẽ không phát triển nếu xem xét về quy hoạch được duyệt sau này.
![]() |
Theo GS. Đặng Hùng Võ, cần giao trách nhiệm chính cho một cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương để chặn đứng cơn sốt đất (Ảnh: Int). |
Các Bộ, ngành đã vào cuộc để ngăn chặn cơn sốt đất. Theo ông, cơ quan nào chịu trách nhiệm chính và giải pháp ra sao để cắt được cơn sốt đất này?
Trước tình trạng sốt đất, 4 bộ: Xây dựng, TN&MT, Tài chính và Kế hoạch Đầu tư đã vào cuộc để ngăn chặn tình trạng này. Thời hạn để báo cáo về Bộ TN&MT là trước 31/5/2021. Tuy nhiên, theo tôi nhiệm vụ lớn nhất của cơ quan quản lý thị trường BĐS Việt Nam lúc này là “cắt sốt” bằng mọi cách.
Bên cạnh đó, chính quyền các đô thị lớn như Hà Nội hay TP. HCM phải đặt việc cắt sốt đất là nhiệm vụ trọng tâm để ngăn chặn việc lan ra toàn thị trường. Trong đó phải có công cụ thuế để “cắt sốt”. Điều đáng tiếc hiện nay hệ thống thuế BĐS của Việt Nam chưa được đổi mới, do đó chưa thể dùng công cụ thuế để cắt sốt đất.
Kinh nghiệm tại các nước phát triển cho thấy họ sử dụng công cụ thuế chuyển quyền đánh thuế theo lũy tiến ở mức cao vào những trường hợp mua nhanh, bán nhanh mang tính "lướt sóng", đồng thời có sắc thuế riêng đánh vào giá trị đất đai tăng thêm do đầu tư của người khác mang lại. Ở Việt Nam, công cụ điều tiết cung cầu tức là nhà nước có thể tung ra nhà ở, đất ở để “giảm sốt” cũng không có, chính vì vậy, giải pháp cơ bản nhất trước hết là các địa phương chỉ có thể ngừng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất vì quy hoạch kỳ tới chưa được phê duyệt.
Hơn nữa, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương làm rõ thông tin lợi - hại để cảnh báo cho mọi người tham gia là phải nghiên cứu kỹ, phải có thông tin đầy đủ, về tình trạng quy hoạch, những rủi ro gặp phải…
Điều nữa, chính quyền cần mạnh tay giải tán tất cả các cuộc tụ tập mua bán đất đai đông người tự phát mọc lên tại các vùng đang nóng sốt, không nên để nó ồn ã trên thị trường và đi theo hướng tạo lợi ích bất chính cho một số người mà họ không có công sức gì nhờ việc tăng giá do sốt đất.
Vì vậy các nhà đầu tư kể cả đầu tư dự án và các nhà đầu tư thứ cấp nên cân nhắc kỹ về mặt thông tin trước khi đưa ra quyết định nào đó.
Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Trang thực hiện