Trước tình trạng ùn ứ nông sản, bên cạnh các biện pháp phòng dịch Covid - 19, tỉnh Hải Dương đã có nhiều lời kêu gọi người dân hỗ trợ giải cứu nông sản, tỉnh này cũng đề nghị Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh có cửa khẩu quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan cho phép phương tiện, tài xế chở hàng hóa từ Hải Dương đi lại để kịp thời tiêu thụ, thông quan xuất khẩu.
Tỉnh đoàn Hải Dương, đoàn viên thanh niên thuộc Tỉnh Đoàn cũng tích cực tham gia "giải cứu", thu hoạch nông sản giúp người dân để chuẩn bị cho mùa vụ mới.
![]() |
Điểm giải cứu 38 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội. |
Trước tình trạng ùn ứ nông sản của các HTX nông nghiệp, tuần trước, Liên minh HTX Việt Nam cũng đã đề nghị SaiGonCoop hỗ trợ tiêu thụ, giải cứu nông sản cho các HTX chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Hưởng ứng đề xuất này, Liên minh HTX TP Hà Nội và đại diện SaiGonCoop (Coopmart) tại Hà Nội đã khẩn trương làm việc để lên phương án hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các HTX, trước mắt là tại tỉnh Hải Dương.
Tại Hà Nội, trên các diễn đàn, hàng loạt hội nhóm người con quê hương Hải Dương sống tại Hà Nội cùng nhau góp tiền thuê xe vận chuyển rau, củ, quả tiêu thụ giúp bà con vùng dịch. Những chuyến xe trĩu nặng nghĩa tình với hàng trăm tấn nông sản đã được các nhóm thiện nguyện tổ chức bán hàng giải cứu trên nhiều tuyến đường ở Hà Nội trong cuối tuần qua. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, thống kê trong 3 ngày gần đây, hơn 500 tấn rau xanh gồm nhiều loại từ cải bắp, cà chua, cà rốt... đã được tiêu thụ.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, xót xa trước tình cảnh bao nhiêu công sức của bà con vun trồng, chăm sóc mà không ai thu mua, phải nhổ bỏ, những phiên chợ 0 đồng của các nghệ sĩ đã xuất hiện nhằm giúp đỡ nông dân Hải Dương tiêu thụ nông sản.
Mặc dù số lượng tiêu thụ chưa thấm vào đâu so với lượng tồn đọng hàng chục ngàn tấn song cũng phần nào giúp người dân và các HTX nông nghiệp tại Hải Dương cảm thấy ấm lòng bởi sự chung tay của người dân.
Có thể thấy, tình người trong đại dịch đã và đang được thể hiện rất rõ trong những ngày vừa qua. Việc "giải cứu" tuy chưa thể tiêu thụ được hết số nông sản bị ùn ứ, nhưng đã phần nào giúp cho tỉnh Hải Dương cũng như người nông dân và các HTX trên địa bàn bớt lo lắng phần nào.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, việc giải cứu hiện nay vẫn mang tính tự phát của những Hội, nhóm và chưa thành một chương trình bài bản và có tính toán giữa các địa phương, các Bộ, ngành... Câu chuyện này không phải hôm nay mới nói mà việc giải cứu nông sản đã được nói nhiều từ trước đại dịch Covid – 19.
Đặc biệt, năm ngoái khi đại dịch xảy ra đã có nhiều địa phương được người tiêu dùng trong cả nước mua nông sản, giúp tiêu thụ nông sản trong các vùng tâm dịch. Và đến nay, câu chuyện này một lần nữa lại được người dân cả nước chung tay giúp cho tỉnh Hải Dương trong mùa dịch.
Đáng nói, ngay chính khó khăn trong việc vận chuyển qua các chốt kiểm dịch cũng là một trong những nguyên nhân, thậm chí là “rào cản” khiến cho hàng hóa nông sản bị ùn ứ.
Hoạt động thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản bị ách tắc khi các thương lái không thể vận chuyển nông sản do quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương giáp với tỉnh Hải Dương. Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại cửa ngõ ra vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hoá ra vào tỉnh Hải Dương. Nhiều xe phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải quay đầu....
Chính vì cách hiểu chưa thống nhất giữa các tỉnh, thành nên việc vận chuyển hàng hoá đã gặp nhiều khó khăn, các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại các cửa ngõ tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng ra vào Hải Dương. Điều này vô tình đã khiến hàng hoá bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, gây nhiều khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu đến hạn phải giao hàng, gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, theo phản ánh từ các địa phương, doanh nghiệp, việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm COVID-19 của Bộ Y tế tại Công văn số 898/BYT-MT ngày 7/2/2021 hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp, dẫn đến việc nông sản bị tồn ứ khó tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Người nông dân và các HTX nông nghiệp đã cảm thấy ấm lòng khi một phần nông sản của họ ùn ứ đã được tiêu thụ nhanh chóng trong mấy ngày qua. Nhưng, bên cạnh những tổ chức tự phát, những chương trình do tỉnh Hải Dương thực hiện… thì đâu đó vẫn còn tình trạng thương lái mạo danh các hội nhóm từ thiện đến tận ruộng ép giá bà con. Người nông dân, các HTX nông nghiệp chỉ biết ngơ ngác khi không hiểu sao giá nông sản đã rẻ, giờ còn bị ép giá.
Trong cả năm 2020 và đặc biệt gần 2 tháng qua, người nông dân và các HTX nói chung và tại Hải Dương nói riêng đã rất điêu đứng vì nông sản bị ùn ứ, chuỗi cung ứng nông sản bị đứt, gãy khiến họ lao đao và có lẽ sẽ phải mất vài năm mới có thể khôi phục được những thiệt hại.
Trong hoàn cảnh dịch Covid - 19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đành rằng việc phòng, chống dịch để dịch không lây lan là nhiệm vụ hàng đầu. Song, việc thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, đó là tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh là điều cũng không thể lơ là.
Đã đến lúc các nhà chức trách, các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là ngành Nông nghiệp cần có những chương trình dài hạn cho câu chuyện này. Bởi nếu không thì tình trạng ùn ứ nông sản khi có “sự cố” sẽ tiếp tục tiếp diễn, và người thiệt hại nhất chắc chắn sẽ là người nông dân và các HTX nông nghiệp.
Rõ ràng, việc giải cứu nông sản dù không phải là câu chuyện mới nhưng sao vẫn còn nhiều điều phải suy ngẫm?
Quốc Anh