Ngày 16/4, Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả với quy mô lớn, bắt giữ 14 nghi phạm về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh”.
Theo điều tra ban đầu, các bị can đã lợi dụng thói quen tự kê đơn mua thuốc chữa bệnh cũng như sự thiếu hiểu biết khi tìm hiểu về nguồn gốc hàng hóa của người tiêu dùng, nhất là nhóm người cao tuổi có nhu cầu lớn về sử dụng các loại thuốc chữa bệnh về xương khớp.
![]() |
Công an thu 10 tấn thuốc và nguyên liệu trong đường dây sản xuất thuốc giả quy mô lớn |
Cụ thể, đường dây này mua nguyên liệu dược phẩm, dược liệu, thảo mộc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuê nhân công trộn lẫn nghiền thành bột. Sử dụng máy móc đóng thành viên nang, ép vỉ, đóng gói thành phẩm tân dược, thuốc chữa xương khớp giả rồi bán ra thị trường.
Đối với các loại thuốc chữa bệnh về xương khớp, các đối tượng không làm giả các sản phẩm có sẵn đang lưu hành trên thị trường mà tự đặt những tên thuốc, tên công ty có trụ sở ở nước ngoài, chủ yếu là tại Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia, Singapore… Trong khi thực chất, nơi điều hành, sản xuất, cất giấu thuốc chữa bệnh giả của đường dây này được đặt tại nhiều tỉnh thành từ TP Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên đến TP. HCM, An Giang và Đồng Tháp.
Đáng nói, để đưa thuốc giả ra thị trường, các đối tượng đã tận dụng triệt để các mạng xã hội như Zalo, Facebook để quảng bá sản phẩm. Dưới vỏ bọc là dược sĩ buôn bán thuốc cho các công ty dược, họ đăng tải hình ảnh, video và bài viết quảng cáo có nguồn thuốc kháng sinh của công ty chính hãng, "tuồn" ra từ nguồn hàng đấu thầu, hoặc bán chạy doanh số không xuất được hóa đơn nên giao bán rẻ hơn so với hàng chính hãng.
Về các loại thuốc giả mạo nguồn gốc nước ngoài, các bị can giới thiệu là hàng xách tay nên không có hóa đơn, chứng từ kèm theo để lấy lòng tin của người mua hàng. Tinh vi đến mức, để tạo lòng tin, các bị can mua thuốc thật trà trộn vào thuốc giả. Khi khách hàng tin, nhóm này chỉ bán thuốc giả tự sản xuất.
"Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, từ khâu sản xuất đến bán hàng trên không gian mạng đến tay người tiêu dùng. Các đối tượng sử dụng số điện thoại, tài khoản ảo, bán hàng trên các trang mạng, ứng dụng bán hàng để gây khó khăn cho cảnh sát điều tra", Thiếu tá Tống Đình Xuân, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết.
Cùng thời điểm, Bộ Công an cũng đã triệt phá đường dây sản xuất, kinh doanh 573 loại sữa bột giả. Các đối tượng này dùng thủ đoạn thuê các cá nhân có uy tín, ảnh hưởng trên mạng để quảng cáo, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Việc bán hàng được thực hiện với các thông tin sai sự thật, thổi phồng, phóng đại tính năng, tác dụng, chất lượng sản phẩm để lôi kéo người tiêu dùng, đặc biệt nhắm vào phụ nữ mang thai, trẻ sinh non, người tiểu đường, suy thận – nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất. Với thủ đoạn “gắn mác hàng ngoại”, “sữa dinh dưỡng cao cấp”, các clip review, bán hàng thu hút hàng nghìn lượt xem. Chỉ trong vòng 4 năm, nhóm này thu về gần 500 tỷ đồng.
Trong khi các sàn thương mại điện tử lớn đã có cơ chế kiểm duyệt sản phẩm, mạng xã hội lại là mảnh đất hoang – nơi bất kỳ ai cũng có thể livestream, chia sẻ clip và nhận hàng trăm đơn hàng chỉ sau một bài đăng.
Trao đổi với Vnbusiness, bác sĩ Trần Thương (Hải Phòng) cảnh báo, tình trạng mua thuốc tràn lan không kiểm soát của người dân rất đáng báo động, có thể gây ra hậu quả khôn lường và hệ lụy sau này.
Theo bác sĩ, việc sử dụng thuốc giả và thuốc không rõ nguồn gốc rất nguy hiểm. Sử dụng thuốc giả làm chậm trễ thời gian điều trị bệnh của bệnh nhân, chưa kể các nguy hiểm do thuốc giả gây ra.
Các thuốc chữa xương khớp muốn giảm đau nhanh đa phần đều chứa corticoid, đặc biệt các thuốc không rõ nguồn gốc sẽ không biết được chính xác thành phần. Nếu sử dụng corticoid dài ngày và không theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ rất nguy hiểm, có nguy cơ suy thượng thận cấp, hội chứng cushing và nhiều bệnh nguy hiểm khác.
"Chúng tôi gặp nhiều trường hợp bệnh nhân sử dụng thuốc xương khớp không rõ nguồn gốc, khi đến khám bệnh nhân đã có biểu hiện hội chứng cushing rõ và suy tuyến thượng thận", bác sĩ cho biết.
Vị bác sĩ nói thêm, rất khó để người bệnh nhận ra mình đang sử dụng phải thuốc giả: "Cách tốt nhất là hướng dẫn người dân mua tại các nhà thuốc uy tín".
Có thể thấy, sự phát triển của mạng xã hội là tất yếu, nhưng đi kèm với đó là trách nhiệm của người dùng trong việc chọn lọc thông tin, đặc biệt là thông tin liên quan đến sức khỏe. Mỗi cú nhấp chuột mua hàng không kiểm chứng có thể đồng nghĩa với việc đánh đổi bằng tiền bạc, thậm chí là sức khỏe, tính mạng.
Đỗ Kiều