Tại Diễn đàn "Tối ưu hoá Chuỗi cung ứng & Chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp" do Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) tổ chức chiều ngày 21/8, PGs. Ts. Bùi Văn Nam, Chủ tịch BCSI, cho biết Việt Nam đã bước sang nền kinh tế thị trường, nhưng sức cạnh tranh còn rất thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu khi hội nhập với kinh tế thế giới, trong đó yếu kém nổi bật nhất là chuỗi cung ứng hàng hóa, phát triển rời rạc, lạc hậu, còn mang dáng dấp thời bao cấp.
Chi phí logistic còn quá cao
Theo Ts. Võ Trí Thành, Viện trưởng BCSI, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, độ mở nền kinh tế của Việt Nam chỉ sau Singapore (với 16 Hiệp định thương mại tự do đang được thực hiện), Việt Nam trở thành một nơi hấp dẫn cho đầu tư. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam thấp, lợi nhuận của DN chưa cao do chi phí cho logistic còn quá cao.
PGs. Ts. Trịnh Thị Thu Hương, Phó Trưởng Khoa Kinh tế & Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại Thương, phân tích: việc gia nhập các Hiệp định thương mại thế hệ mới mở ra cho ngành logistics Việt Nam nhiều cơ hội, đặc biệt khi hàng hóa trao đổi giữa Việt Nam và các nước khác trên thế giới tăng lên.
Theo các chuyên gia, cơ hội của ngành logistics rất lớn vì những lợi thế là sở hữu phần lớn kho bãi phục vụ dịch vụ logistics, các cảng biển Việt Nam đã đầu tư, xây dựng quy mô lớn, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng trên 100.000 tấn; có 70 đường bay quốc tế… rất có lợi thế để phát triển dịch vụ logistics.
Tuy nhiên, trên thực tế, chi phí cho logistics của Việt Nam so với các nước cùng điều kiện lại rất cao, khiến lợi nhuận của DN giảm mạnh. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sức cạnh tranh của DN Việt Nam thấp, lợi nhuận của DN cũng sụt giảm.
Ông Nam cho biết: "Hiện nay, chi phí về logicstic ở Việt Nam cao gấp 2 –3 lần so với các nước có điều kiện tương tự. Trong đó, chi phí vận tải, bốc xếp, cảng và các loại phí khác là rất lớn. Điều này làm tăng chi phí của các DN, tăng giá thành sản phẩm của Việt Nam, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam".
Theo các chuyên gia kinh tế, thông thường chi phí logistics chỉ khoảng 12 –14% GDP, song tại Việt Nam, con số này lên đến 21-23% GDP. Chi phí logistics của Việt Nam cao hơn so với mức trung bình trên thế giới gấp ba lần.
"Về mặt định lượng, liên quan tới tạo thuận lợi thương mại, nếu làm giảm chi phí được 1 USD thì có thể làm tăng thương mại tới 70 USD", bà Hương nói.
![]() |
Hiện nay, chi phí về logicstic ở Việt Nam cao gấp 2 –3 lần so với các nước có điều kiện tương tự |
Cải thiện chuỗi cung ứng
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tận dụng các lợi thế đang có để phát triển ngành logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao.
Ông Thành cho rằng để tạo giá trị gia tăng tốt, phải đáp ứng nguyên tắc xuất xứ, cải thiện chuỗi cung ứng và hệ thống phân phối. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất trong chuỗi cung ứng ở Việt Nam hiện nay là hạ tầng.
Ông Daniel Wong, thành viên của Viện nghiên cứu các kỹ sư Malaysia, cho rằng: Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam không có bộ phận quản trị chuỗi cung ứng, họ phải chọn giải pháp thuê ngoài. Nhưng thực tế, việc sử dụng dịch vụ thuê ngoài để quản trị chuỗi cung ứng cũng không được như kỳ vọng của DN.
Ngoài ra, hạ tầng kém cũng là nguyên nhân khiến chi phí logistics tăng cao. Ông Daniel Wong dẫn chứng: giao thông ở Việt Nam là một "cơn ác mộng", khiến việc vận chuyển hàng hóa của DN luôn đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông, quãng đường vận chuyển dài, dẫn đến chí phí vận chuyển quá nhiều.
"Việt Nam là một địa điểm đáng đến đầu tư nhưng chúng ta cần quan tâm đến địa điểm, bến cảng biển, cần quan tâm đến đối tác công tư", ông Daniel khẳng định.
Vậy làm thế nào để quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả. Các chuyên gia cho rằng bắt tay để kết nối với đối tác, "đắp" thêm cho sản phẩm những "chiếc áo mới", hoặc tạo ra sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ vào quản trị.
Ông Jay Fortenberry, một chuyên gia trong ngành logistics, đưa ra giải pháp: bản thân các DN phải hiểu rõ mình đang ở mắt xích nào trong chuỗi cung ứng, từ đó xây dựng ra những chiến lược kinh doanh, chia sẻ chiến lược đó với công nhân, cán bộ của mình.
"Chuỗi cung ứng chính là việc DN quản lý các thông tin từ nhà phân phối đến người mua. Vì vậy, những gì DN cần phải làm ở đây để tối ưu hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu chi phí vận hành và giảm thiểu hàng tồn kho", ông Jay Fortenberry chia sẻ.
Thanh Hoa