Cả nước hiện có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp (DN) tham gia cung cấp dịch vụ logistics. Trong đó, 70% có trụ sở tại Tp.HCM. 1.300 DN hoạt động tích cực. 89% DN 100% vốn trong nước còn lại là DN có vốn đầu tư nước ngoài
Nhu cầu cao, mức lương tốt
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, quản lý chuỗi cung ứng và logistics đã và đang trở thành lĩnh vực mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng tiềm năng và cơ hội để ngành quản lý chuỗi cung ứng và logistics ở Việt Nam phát triển là rất lớn, đặc biệt khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực.
Theo Hiệp hội Các DN logistics Việt Nam (VLA), hiện cả nước có khoảng 200.000 nhân viên chuyên nghiệp trong tổng số gần 1 triệu người làm việc trong mảng logistics.
Từ nay tới năm 2030, chỉ tính riêng nguồn nhân lực cho các công ty cung cấp dịch vụ logistics (không bao gồm các công ty vận tải thủy, bộ, biển, hàng không, chuyển phát nhanh, cảng thuần túy) sẽ cần đào tạo mới và bài bản 250.000 nhân sự.
Khảo sát ở 108 DN của VLA vào tháng 9/2017, có đến 40,6% công ty có nhu cầu tuyển dụng thêm 10 - 50 nhân viên trong thời gian tới.
Nhiều vị trí khan hiếm nhân lực từ lãnh đạo - quản trị tới quản lý, giám sát và cả nhân viên chuyên nghiệp. Nếu tính thêm các công ty vận tải cùng các công ty sử dụng dịch vụ logistics, trong vòng 15 năm tới, Việt Nam cần đào tạo 717.500 nhân sự logistics các cấp.
Trong khi đó, báo cáo lương 2016 của Jobstreet - một trong những mạng việc làm trực tuyến lớn nhất tại châu Á, cho biết mức lương khởi điểm đối với ngành quản lý chuỗi cung ứng và logistics giao động 5 - 9 triệu/tháng.
Mức lương tăng dần theo số kinh nghiệm, kỹ năng được tích lũy. Với vị trí cấp cao và trưởng nhóm, mức lương trung bình tăng lên 15 - 23 triệu/ tháng. Song, cũng không thiếu những công ty sẵn sàng trả cho vị trí này 80 - 100 triệu/tháng. Đây chắc chắn là một mức lương cao đối với mặt bằng chung các ngành dịch vụ tại Việt Nam.
Giáo sư Mathews Nkhoma (Trưởng khoa Thương mại và Quản lý - Đại học RMIT Việt Nam), nhận định: “Các DN tại Việt Nam nói riêng và khu vực ASEAN nói chung đều có nhu cầu rất lớn trong việc “săn lùng” các chuyên gia trong lĩnh vực này”.
![]() |
Cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo về logistics |
Nhân lực thiếu và yếu
Tuy nhu cầu tuyển dụng cao, nhưng hiện nay nguồn nhân lực trong ngành logistic Việt Nam còn thiếu và yếu.
Báo cáo của VLA cho biết, 3/4 nhân lực losgistics Việt Nam hiện nay thiếu kiến thức toàn diện, trình độ ICT còn hạn chế, chưa theo kịp tiến độ logistics thế giới. Trình độ tiếng Anh nghiệp vụ logistics còn hạn chế, chỉ khoảng 4% nhân lực thông thạo tiếng Anh nghiệp vụ. 30% các DN phải đào tạo lại nhân viên.
Được biết, tại Việt Nam hiện có ba hình thức đào tạo logistics, đó là: tại các cơ sở đào tạo bậc đại học/sau đại học và nghề, tại các hiệp hội và tại chính các DN. Theo khảo sát sơ bộ, Việt Nam hiện có khoảng 15 cơ sở đào tạo về chuyên ngành logistics hoặc gần chuyên ngành logistics ở cấp đại học/sau đại học và cơ sở dạy nghề về logistics.
PGs.Ts. Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, cho biết trong vòng 4 năm tới, các trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành logistics sẽ có khoảng 1.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường. Trong 10 năm tới, các trường đào tạo logistic cũng mới chỉ đáp ứng được 12% nhu cầu về nhân lực trong mảng này.
Trong khi đó, giới DN nhận định, việc giáo dục tại các trường đại học không tập trung chuyên sâu vào trong mảng logistics nên thường ưu tiên chọn những nhân sự có thiên hướng ngành hơn là nhân sự đã được đào tạo.
Nguyên nhân được cho là do hiện nay, lực lượng giảng viên trong nhà trường còn thiếu và mỏng, chủ yếu chuyển từ các chuyên ngành khác sang, kiến thức thực tế còn chưa nhiều.
Theo các chuyên gia, yêu cầu đặt ra lúc này là cần xây dựng và củng cố cơ chế hợp tác giữa các bộ ngành liên quan về đào tạo logistics.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo (đại học, sau đại học, nghề) về logistics và nghiên cứu. Tiếp tục xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo ngắn hạn và các hoạt động hỗ trợ liên quan.
Đặc biệt, từ việc nghiên cứu các mô hình đào tạo logistics, cần rút ra được những bài học kinh nghiệm cần thiết trong việc xây dựng hoặc đề xuất xây dựng mô hình mới, đảm bảo tính hiệu quả trong việc đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc tăng cường phối hợp giữa DN, cơ sở đào tạo cũng là yếu tố quan trọng.
Hồng Nhung