Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà nêu một số thách thức của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới như nguy cơ lạm phát, mặt bằng lãi suất phải cân đối trong tương quan với lạm phát và lợi ích của người gửi tiền. Dù thế, hệ thống vẫn có nguồn lực, như tăng thêm vốn cho các ngân hàng thương mại, bởi nếu tăng được 1 đồng vốn cho khối này sẽ tăng được 8 đồng cho dư nợ nền kinh tế.
Lãi suất cuối năm khó giảm
Trước áp lực lạm phát, lãi tiết kiệm giảm, sức hấp dẫn của các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán, tăng trưởng tiền gửi của ngân hàng đang sụt giảm. Trong khi đó, cầu vốn khách hàng dần hồi phục trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nên ngân hàng tái tăng lãi suất để huy động vốn.
![]() |
Các chuyên gia đề xuất ngân hàng có thể giảm thêm 0,5-1% lãi suất cho vay bình quân trong năm 2022 và duy trì ổn định trong năm 2023. |
Theo khảo sát của VnBusiness, một số ngân hàng gần đây đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng từ 0,1 - 0,3%/năm. Mức lãi suất huy động cao nhất là 7%/năm. Điển hình như Eximbank vừa tăng lãi suất huy động tiền đồng thêm khoảng 0,1 - 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn vào đầu tháng 12; OCB tăng lãi suất huy động tiền đồng 0,2%/năm ở một số kỳ hạn…
Không chỉ lãi suất huy động ở một số ngân hàng thương mại tăng, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có dấu hiệu tăng kể từ cuối tháng 11. Trong đó, lãi suất vay mượn vốn ở các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần tăng lần lượt 0,01%, 0,06% và 0,05% so với tuần trước đó lên mức 0,64%, 0,75% và 0,84%/năm.
Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, để giảm được lãi suất cho vay, trước hết, nhà băng phải cắt giảm chi phí đầu vào cũng như tiết giảm chi phí hoạt động, vận hành. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh trong thời gian qua, khiến huy động tiền gửi tiết kiệm ngân hàng giảm, nên lãi vay khó giảm sâu.
Cũng tại Diễn đàn Kinh tế 2021 mới đây, ông Phạm Thanh Hà cho biết, 2 năm qua, hệ thống đã hỗ trợ cho nền kinh tế rất lớn. Cụ thể, NHNN đã có 3 lần giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5-2 điểm phần trăm và phát tín hiệu điều hành lãi suất theo hướng đi xuống. Nhờ đó, các nhà băng có điều kiện miễn, giảm lãi suất cho các khoản vay cũ và mới, cơ cấu lại nợ vay cho các doanh nghiệp.
Đến cuối tháng 11, dư nợ tăng trên 10%, phù hợp với mục tiêu 12% đề ra. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng sẵn sàng phát đi tín hiệu có thể nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong tháng 12/2021.
Hiện, lãi suất huy động giảm 1,5 điểm phần trăm, còn lãi suất cho vay giảm 1,77 điểm phần trăm so với đầu năm 2020. Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,4%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm); lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,6 - 9,5%/năm. Theo các ngân hàng mức lãi suất hiện nay đã khá thấp nên việc giảm thêm lãi suất trong tháng cuối năm sẽ khó thực hiện.
Giảm lãi suất thêm 1% trong năm 2022
Như vậy, có thể nói, dư địa giảm lãi suất cho vay cuối năm nay sẽ không còn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng bước sang năm 2022, những khó khăn cho nền kinh tế và doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều. Vì vậy, nhiều chuyên gia đề xuất ngân hàng có thể giảm thêm 0,5-1% lãi suất cho vay bình quân trong năm 2022 và duy trì ổn định trong năm 2023.
Tuy nhiên, để có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới, NHNN có thể xem xét một số giải pháp như điều chỉnh các lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn), cho phép sự cạnh tranh nhất định về cung cấp tín dụng ở nhóm các ngân hàng tốt nhằm hạ lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, NHNN cũng có thể xem xét việc điều chỉnh tạm thời các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng nhằm hỗ trợ cho việc huy động và cho vay.
"Việc thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay đối với một số ngành nghề và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh cũng nên được xem xét. Tuy nhiên, cần hết sức tránh các nguy cơ của lựa chọn ngược và rủi ro đạo đức“, một chuyên g1ia lưu ý.
Trả lời câu hỏi của VnBusiness về việc ngân hàng có kế hoạch giảm tiếp lãi suất cho vay trong năm 2022, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết: “Để tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong năm 2022 phụ thuộc phần lớn vào chính sách điều hành của NHNN. Bởi hiện nay, ngân hàng đã dùng tất cả những dư địa có thể như trích lợi nhuận và tiết giảm chi phí để giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Quan điểm của ngành ngân hàng là không giảm cào bằng, khách hàng nào khó khăn nhiều thì sẽ hỗ trợ nhiều hơn và ngược lại”.
Thanh Hoa