Ngày 29/4, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (mã: EIB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025.
Tại đại hội năm nay, Eximbank trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.188 tỷ đồng, tăng 23,8% (tăng 1.000 tỷ đồng) so với thực hiện năm 2024. Mục tiêu tổng tài sản đạt 265.500 tỷ đồng, tăng 10,7%, trong đó dư nợ tín dụng đạt 195.500 tỷ đồng, tăng 16,2%.
Huy động vốn (bao gồm huy động vốn từ tổ chức kinh tế, dân cư và phát hành giấy tờ có giá) đạt 206.000 tỷ đồng, tăng 15,5%. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng giảm 0,54% xuống còn 1,99%.
Chủ tịch Nguyễn Cảnh Anh cho biết trong năm 2025, Eximbank sẽ xoay quanh 3 mục tiêu lớn nhằm tăng trưởng hiệu quả, an toàn. Đó là tín dụng tăng có chọn lọc, tập trung vào các khách hàng tiềm năng an toàn trên cơ sở các thế mạnh: bán lẻ, xuất nhập khẩu, thương mại...
![]() |
Ngày 29/4, Eximbank tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 |
Huy động tập trung vào nguồn vốn giá rẻ, tăng CASA tự nhiên từ nguồn khách hàng hiện có trên cơ sở tăng chất lượng cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Đồng thời, tập trung thu thêm phí đặc biệt với các lĩnh vực có thế mạnh như hoạt động tài trợ thương mại,... Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ ứng dụng công nghê, AI để tối ưu chi phí hoạt động của ngân hàng.
Đáng chú ý, Eximbank là ngân hàng có tỷ trọng khách hàng xuất nhập khẩu lớn, ông Nguyễn Cảnh Anh cho biết chính sách thuế quan của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng tới tốc độ tăng tín dụng, chất lượng tài sản, gây áp lực nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu chịu áp lực tăng, đặc biệt khi Thông tư 02 hết hiệu lực.
“Lãi suất đầu vào đang có xu hướng tăng do lãi suất thị trường quốc tế tăng, áp lực nhu cầu vốn dài hạn tăng dẫn đến cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng có thể diễn ra, trong khi khách hàng lại yêu cầu lãi suất huy động cao hơn,... Tất cả điều này dẫn đến lãi suất đầu vào của Eximbank đang chịu áp lực tăng”, Chủ tịch Eximbank cho hay.
Phía khách hàng ngày càng kỳ vọng lãi suất cao hơn, thậm chí yêu cầu các sản phẩm sinh lời kèm dịch vụ giá trị gia tăng. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của tất cả các ngân hàng, trong đó có Eximbank. Ngoài ra, cạnh tranh từ lĩnh vực Fintech cũng là một yếu tố mà ngân hàng phải đối mặt trong năm 2025.
Tuy nhiên, lãnh đạo Eximbank tin tưởng năm 2025 vẫn có nhiều cơ hội cho các ngân hàng, cơ hội sẽ đến với những tổ chức biết kiểm soát rủi ro tốt, tăng trưởng có chọn lọc, thực hiện quản trị hiệu quả và chuyển đổi số đúng bản chất.
Về xử lý nợ xấu, quyền Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Hải cho biết ngân hàng đặt ra kế hoạch đưa tỷ lệ nợ xấu từ mức 2,53% hiện nay xuống 1,99% trong năm 2025. Đây là mục tiêu rất thách thức, không phải cầu toàn. Ngân hàng sẽ tập trung xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu tồn đọng 10-15 năm qua.
“Một điểm thuận lợi là chất lượng tài sản thế chấp của Eximbank rất tốt, tỷ lệ cho vay có tài sản đảm bảo lên tới 96% tổng dư nợ. Chúng tôi sẽ tập trung toàn bộ hoạt động xử lý nợ về AMC, đồng thời tăng cường kiểm soát, hỗ trợ các đơn vị kinh doanh để xử lý nợ xấu hiệu quả hơn”, ông Hải cho hay.
Ngoài các nội dung trên, ĐHĐCĐ Eximbank năm 2025 cũng thông qua nhiều nội dung khác như: thông qua tờ trình của HĐQT về việc chấm dứt chủ trương đầu tư xây dựng trụ sở chính của Eximbank tại số 07 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM. Bầu HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới (2025-2030); HĐQT với 5 thành viên, trong đó có ông Phạm Tuấn Anh (từ Tập đoàn GELEX)…
Riêng với biến động nhân sự, cổ đông đặt câu hỏi: Cơ cấu nhân sự và quản trị điều hành của ngân hàng chưa thực sự ổn định, còn nhiều biến động. Vậy trong thời gian tới, ngân hàng có dự kiến thay đổi lớn nào nữa không?
Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết cơ cấu quản trị điều hành phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh của ngân hàng, bối cảnh thị trường, cũng như ý chí và mong muốn của tất cả quý vị cổ đông. "Chúng tôi mong muốn bước sang nhiệm kỳ 8 với những bước đi vững chắc, đồng thời xuất hiện những đơn vị đồng hành, những cổ đông lớn có tiềm lực, Eximbank sẽ hướng đến một ngân hàng vững mạnh, phát triển bền vững vì mục tiêu lâu dài, loại bỏ tâm lý "ăn xổi ở thì". Khi đó, chúng ta sẽ có một cơ cấu quản trị điều hành vững bền", ông Hải nói.
Quyền Tổng giám đốc cho hay khi bộ máy nhân sự đã vận hành ổn định, Eximbank có thể phát triển một cách dài hạn, tránh những thay đổi thường xuyên do thị trường hoặc các yếu tố nội bộ gây khó khăn.
Về việc có thay đổi nhân sự lớn nào nữa không, ông Hải nói chắc chắn sẽ có một thay đổi rất lớn đối với Eximbank. Trong nhiệm kỳ sắp tới, bộ mặt của Eximbank sẽ thay đổi, hình ảnh của Eximbank sẽ thay đổi, và vị thế của Eximbank trên thị trường cũng sẽ thay đổi. Điều này sẽ thể hiện qua mức độ vốn hóa trên thị trường và giá cổ phiếu.
Một cổ đông khác đặt câu hỏi: Tại sao mới bầu thành viên ban kiểm soát vào cuối tháng 2 năm nay, mà đến tháng 4 lại tiếp tục bầu ban kiểm soát?
Quyền Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Hải giải thích nhiệm kỳ 7 kéo dài từ năm 2020 -2025. Tháng 11/2024, Eximbank đã tổ chức một kỳ họp ĐHĐCĐ bất thường để miễn nhiệm một thành viên ban kiểm soát. Khi đó, theo quy định pháp luật, số thành viên ban kiểm soát không đủ số tối thiểu, nên bắt buộc phải tổ chức ĐHĐCĐ trong vòng 90 ngày. "Từ ngày 28/11/2024 cộng thêm 90 ngày, Eximbank đã tổ chức Đại hội vào tháng 2 để bổ sung 3 thành viên, gồm ông Lâm Nguyễn Thiện Nhơn, bà Trần Thị Minh Lý và ông Nguyễn Trí Trung, nhằm đảm bảo theo đúng quy định pháp luật", ông Hải cho hay.
Hiện nay, khi kết thúc nhiệm kỳ 7 và bước sang nhiệm kỳ 8 (từ 2025 đến 2030), Eximbank bầu lại ban kiểm soát là hoàn toàn tuân theo quy định pháp luật, không phải do ý chí chủ quan.
Thanh Hoa