"Cách nhanh nhất để thanh toán điện tử phủ được toàn dân thì Mobile Money là giải pháp tốt nhất. Những thủ tục cuối cùng đang được hoàn tất để đầu tháng 10 này, giấy phép thí điểm Mobile Money sẽ được cấp và hy vọng tạo thành cú huých mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số”, Bộ trưởng Hùng chia sẻ.
Tốc độ nhanh hơn nhờ... Covid-19
Điều đáng nói, trong khi thị trường vẫn ngóng chờ Mobile Money chính thức được cấp phép hoạt động, thì lượng tiền thanh toán cá nhân tiếp tục đổ mạnh vào tài khoản ngân hàng.
Cũng phải nhắc lại, mục tiêu bao phủ tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt được Chính phủ và các bộ ngành đẩy mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, phải đến khi cơn bão Covid-19 xuất hiện từ năm ngoái đến nay, xu hướng này mới mạnh mẽ hơn. Đại dịch đã làm thay đổi mọi thứ và hành vi tiêu dùng cũng chuyển đổi nhanh chóng.
Trước các chính sách giãn cách xã hội, mọi người buộc phải sử dụng các kênh trực tuyến để thanh toán các dịch vụ thiết yếu nhất như trả tiền điện, tiền nước, cước phí truyền hình, điện thoại, Internet,… cũng như hạn chế sử dụng tiền mặt để tránh nguy cơ nhiễm virus.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc đẩy nhanh tốc độ triển khai Mobile Money để hỗ trợ phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt đang được Chính phủ, doanh nghiệp và người dân mong chờ.
![]() |
Mobile Money đang được hoàn tất để tiến tới đầu tháng 10 sẽ cấp phép triển khai. |
Trên thực tế, việc chuẩn bị cho việc triển khai Mobile Money đã được các doanh nghiệp VNPT, Viettel và MobiFone đã chuẩn bị nội dung hồ sơ, cùng với đó là phương án, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, nhân sự và chính sách liên quan.
Bình luận về việc Chính phủ cho phép thí điểm dịch vụ Mobile Money, ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc VNPT Media cho hay, việc Chính phủ cho phép thí điểm Mobile Money sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế và người dân có thêm công cụ thanh toán điện tử. Đây là nền tảng để tiến đến công dân số và xã hội số khi mật độ điện thoại di động phổ cập đến người dân.
“Thí điểm Mobile Money là nỗ lực rất lớn của Chính phủ cũng như các bộ ngành liên quan, đặc biệt là vai trò của Bộ TT&TT. Đây cũng là sandbox được áp dụng cho một lĩnh vực dịch vụ mới, khó và nhạy cảm, nhưng là hình mẫu có thể áp dụng cho nhiều dịch vụ mới sẽ được Chính phủ cho phép thí điểm sau này”, ông Nguyễn Sơn Hải nói.
Người dân đã sẵn sàng
Về quản lý thanh khoản của các doanh nghiệp viễn thông khi cung cấp dịch vụ Mobile Money, Ngân hàng Nhà nước sẽ là đơn vị trực tiếp quản lý, đảm bảo quyền lợi cho các ngân hàng thương mại.
Với sự ra mắt của Mobile Money, bức tranh thị phần của thị trường thanh toán được phân chia ngày càng rõ giữa ngân hàng, ví điện tử và Mobile Money. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sẽ không có sự cạnh tranh giữa các phân khúc này, mà thay vào đó các ngân hàng ráo riết bắt tay với các đối tác của phân khúc khác (ví điện tử, Mobile Money) để làm giàu hệ sinh thái, hơn là lo ngại cạnh tranh.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại khẳng định, việc xây dựng hệ sinh thái số ngày càng quan trọng. Trong khi đó, ngân hàng không thể đủ năng lực để ngay lập tức xây dựng được hệ sinh thái. Vì vậy, thay vì cạnh tranh, ngân hàng sẽ tìm cách kết hợp với các fintech để tăng trải nghiệm cho khách hàng và mở rộng thị phần.
Đặc biệt, phân khúc chính của Mobile Money được xem là tại địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi mà các ngân hàng chưa “vươn” tới được. Vì vậy, Mobile Money xuất hiện sẽ bù đắp được khoảng trống thanh toán không dùng tiền mặt ở địa bàn này, góp phần thúc đẩy tín dụng toàn diện.
Vấn đề mà các chuyên gia lo ngại nhất khi thí điểm Mobile Money đó là việc đảm bảo an toàn cho người dùng trước những hành vi lợi dụng lừa đảo, tấn công tài chính. Thực tế, tại nhiều quốc gia như Nigeria, rất nhiều người dân nông thôn - vốn có hiểu biết hạn chế về tài chính - đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền qua Mobile Money.
Dưới góc độ nhà cung cấp dịch vụ, ông Phạm Trung Kiên, CEO Viettel Digital cho hay, khi Chính phủ cho phép triển khai Mobile Money để thanh toán các loại dịch vụ và hàng hóa mệnh giá nhỏ thì số lượng người dùng được thanh toán điện tử rất lớn.
Được biết, cả nước hiện có 125 triệu thuê bao di động, song không phải mọi chủ thuê bao đều đáp ứng đầy đủ điều kiện về xác thực danh tính để có thể đăng ký tài khoản Mobile Money. Như vậy, Mobile Money có thể xem là điểm bùng phát cho việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Nghĩa là qua một đêm thì bất cứ ai, bất cứ người dân nào trên đất nước Việt Nam có thể sẵn sàng sử dụng điện thoại để chi tiêu thanh toán không dùng tiền mặt.
Thanh Hoa