Đồng thời, Chính phủ yêu cầu mở rộng phạm vi Chương trình đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.
Gói tín dụng lâm, thủy sản được xây dựng với trị giá 15.000 tỷ đồng vào giữa tháng 7/2023. Sau đó, đến cuối năm 2023 nâng lên 30.000 tỷ đồng và sang năm 2024 nâng lên 60.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất thương mại từ 1-1,5%/năm, nên tốc độ giải ngân rất nhanh chóng.
Mới đây, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Khu vực 2 cho biết, các ngân hàng thương mại đang đăng ký một gói tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực nông - lâm thủy sản với lãi suất ưu đãi.
![]() |
Chính phủ yêu cầu NHNN nghiên cứu nâng quy mô gói tín dụng với lâm, thủy sản lên khoảng trên 100.000 tỷ đồng. |
Các khoản tín dụng ưu đãi này là nguồn lực tài chính của các ngân hàng thương mại nên nguồn vốn được giải ngân cho vay phải đúng mục đích, đúng đối tượng, đảm bảo điều kiện và nguyên tắc tín dụng. Điều này đòi hỏi hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã thực hiện tốt mới phát huy vai trò và ý nghĩa của các gói tín dụng.
"Việc nâng quy mô của gói tín dụng cho vay lĩnh vực nông - lâm thủy sản sẽ là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nhóm ngành này tiếp tục tăng trưởng và phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", ông Lệnh nhấn mạnh.
Bên cạnh việc nâng quy mô gói tín dụng lâm thuỷ sản, tại Nghị quyết, Chính phủ giao NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
NHNN cũng cần chủ động thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất điều hành bằng các công cụ thuộc thẩm quyền; theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng, việc công bố lãi suất tiền gửi và cho vay và nghiêm cấm, xử lý nghiêm theo pháp luật các ngân hàng thương mại cạnh tranh lãi suất không lành mạnh.
Đáng chú ý, NHNN được yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần có "sân sau" là các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.
Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu NHNN nghiên cứu giao bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng theo thẩm quyền; rà soát cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục vay vốn tín dụng, đẩy nhanh vốn tín dụng đối với các đề án, dự án, lĩnh vực tạo động lực cho tăng trưởng, nhất là tăng trưởng xanh.
NHNN cũng cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục nghiên cứu triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho người dưới 35 tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.
Cũng tại nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu ngân sách Nhà nước, nhất là thu từ hoạt động thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống; hoàn thành số hóa trong quý II/2025.
Bộ Tài chính tiếp tục nhân rộng cơ chế tổ công tác làm việc với từng nhà đầu tư chiến lược; nghiên cứu phát triển "Cổng một cửa đầu tư quốc gia", báo cáo Thủ tướng trong quý II/2025.
Nghị quyết cũng nêu rõ, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý.
Các đơn vị này cần xử lý nghiêm theo quy định đối với tổ chức, cá nhân cố tình chậm tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, có hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà…
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đề xuất khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát đối với các ngành công nghệ mới.
Các bộ, cơ quan, địa phương cũng cần đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) vào công tác quản lý, giám sát; chia sẻ dữ liệu về dân cư, giáo dục, ngân hàng, thuế, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, phương tiện.
Thanh Hoa