Tại Hội thảo “Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh”, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết đến nay đã có 50 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ cho các dự án xanh, tổng dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2023, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 41%), nông nghiệp xanh (trên 29%). Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 21,2%/năm trong giai đoạn 2017 - 2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế. Đến nay, dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,6 triệu tỷ đồng, tăng trên 26% so với cuối năm 2023.
Mặc dù quy mô và tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh rất tích cực, tuy nhiên tỷ lệ tín dụng xanh trên tổng dư nợ tín dụng mới chiếm khoảng 4,6%. Phó Thống đốc nhìn nhận câu chuyện vốn tín dụng xanh là vấn đề rất lớn, các nguồn vốn hiện nay mới là nguồn vốn ngắn hạn, trong khi yêu cầu phải là nguồn vốn dài hạn.
![]() |
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại hội thảo. |
Kết quả khảo sát của Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho thấy 50% doanh nghiệp cho biết thiếu vốn đầu tư vào các dự án xanh là thách thức lớn nhất. Tiếp theo là thiếu nhân sự kỹ thuật phù hợp (46%) và thiếu giải pháp công nghệ xanh (42%). Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin, hồ sơ kỹ thuật và yêu cầu từ ngân hàng, khiến họ khó đáp ứng tiêu chí tiếp cận tín dụng xanh.
TS. Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng. Do đó, cần bàn luận kỹ hơn bên cạnh chuyển đổi xanh để lấy vốn dài hạn cho nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã bị khủng hoảng khi dùng nguồn vốn ngắn hạn cho mục tiêu dài hạn.
Về tính sẵn sàng triển khai tín dụng xanh, ông Minh đánh giá ngành ngân hàng có tính sẵn sàng cao nhất, còn phấn lớn các doanh nghiệp đã quan tâm, nhưng hai bên vẫn chưa “gặp được nhau”.
Phó giám đốc Ban IV ví von: Tín dụng xanh như dòng nước sạch, có thể vun bồi cho chúng ta, tạo ra những nguồn giá trị có thực. Do đó, phải hiểu thế nào là chuyển đổi xanh, chuyển đổi xanh không phải là chính sách đơn lẻ mà là chính sách tổng thể, từ chính sách nông nghiệp, tài chính, tài khóa, tín dụng, tín chỉ carbon, phải xây dựng một hệ thống như vậy.
Thứ hai, phải hiểu rõ tín dụng xanh không phải là nguồn vốn giá rẻ, mà là dòng vốn già. Bởi khi chuyển đổi sang các mô hình tăng trưởng tích hợp đa tầng các nguồn vốn, tín dụng xanh phải là nguồn vốn dài hạn.
Thông tin thêm về thị trường tài chính xanh trên thế giới, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết các sản phẩm về tín dụng xanh của các nước đã bắt kịp với trái phiếu xanh.
“Châu Âu vẫn là khu vực đi đầu về tài chính xanh. Tiếp đến là Châu Á - Thái Bình Dương. Các nước ASEAN+3 có xu hướng tăng trưởng tài chính xanh trong những năm gần đây rất năng động, cao hơn mức tăng trung bình của thế giới.
Các nước trong khu vực ASEAN+3 đã ban hành tương đối khung pháp lý về tài chính xanh nhưng Việt Nam vẫn chưa ban hành”, ông nói.
Do đó, chuyên gia ADB cho rằngViệt Nam cần thống nhất thế nào là chuyển đổi xanh và ý nghĩa chuyển đổi xanh là gì. Dư nợ tín dụng xanh năm vừa qua chiếm 4%, đây không phải con số lớn nhưng xu hướng tăng tương đối đều, kỳ vọng có thể tăng nhanh hơn nữa. Bên ngoài số tín dụng xanh này còn 21% tổng dư nợ có đánh giá rủi ro ESG. Các TCTD Việt Nam đã từng bước đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh đóng góp vào môi trường và xã hội của doanh nghiệp.
“Trong thời gian tới, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý cho tín dụng xanh và nâng cao năng lực của các tổ chức tài chính. Tăng cường nhận thức và tham gia của doanh nghiệp và người dân. Tổ chức tín dụng không quyết định được là dự án xanh hay không, vì vậy doanh nghiệp phải chứng minh được mình sản xuất xanh. Việt Nam cần tiếp tục thu hút và khai thác nguồn vốn xanh quốc tế”, ông Hùng khuyến nghị.
Thông tin tại hội thảo, TS. Lại Văn Mạnh, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để gửi Danh mục phân loại xanh đến Chính phủ. Đây là bước đi quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường tài chính xanh”.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường đã có bước tiến đột phá khi đưa vào hai điều khoản riêng biệt về tín dụng xanh và trái phiếu xanh. Các văn bản pháp luật chuyên ngành về tín dụng, trái phiếu cũng đã có quy định thống nhất đối với hai công cụ này. “Như vậy, khung pháp lý hiện nay đã tương đối toàn diện. Để thị trường vận hành hiệu quả, vẫn cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức, chính sách và cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan”, ông Mạnh cho hay.
Thanh Hoa