Giám đốc một doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ xuất khẩu - ông Hoàng Bình Minh, cho biết lãi suất ngân hàng hiện nay vẫn quá cao so với khả năng chịu đựng của DN.
Trung bình lãi suất vay vẫn là 12%/năm, trong khi lợi nhuận của DN không vượt quá 20%, nên chỉ còn 8% để trang trải tất cả các khoản.
Lãi suất chịu nhiều tác động
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, những bất ổn của nền kinh tế trong năm 2018 như khủng hoảng tài chính tại thị trường mới nổi, căng thẳng thương mại toàn cầu tăng lên và chính sách tiền tệ thắt chặt bởi ngân hàng trung ương tại các nước phát triển vẫn tiếp tục được duy trì sang năm 2019.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ thông qua giảm mức độ hoạt động trên thị trường mở và yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát hoạt động cho vay theo hạn mức tăng trưởng tín dụng do NHNN đặt ra. Điều này sẽ tác động đến lãi suất cơ bản trong năm tới.
![]() |
Lãi suất huy động tăng có thể tạo áp lực lên lãi vay |
CTCP Chứng khoán VNDirect nhận định: "Chúng tôi ước tính lãi suất cơ bản sẽ tăng 50 điểm cơ bản vào năm 2019, nâng mức lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn lần lượt lên 4,75% và 6,75%".
Những thông tin này khiến nhiều DN lo lắng. Ông Minh cho biết đầu năm 2018, công ty của ông có vay ngân hàng 10 tỷ đồng để mở rộng sản xuất với lãi suất 11%/năm – mức ưu đãi dành cho DN được đánh giá tín nhiệm thấp và được điều chỉnh sau một năm.
Theo ông Minh, với mức lãi suất hiện tại thì công ty chịu đựng được, nhưng nếu lãi suất tăng thêm khoảng 2% trong thời gian tới sẽ là một gánh nặng.
"Với việc lãi suất đầu vào tại một số ngân hàng nhích nhẹ thời gian gần đây, tôi sợ lãi suất cho vay bị điều chỉnh tăng và như vậy sẽ tác động tiêu cực đến giá thành sản phẩm, hoạt động kinh doanh của DN", ông Minh nói.
Trên thực tế, nhiều ngân hàng chào mức lãi suất cho vay thời hạn 12 tháng 6,5 – 7%/ năm, song rất ít DN được hưởng mức ưu đãi này. Mức lãi suất vay mà nhiều DN đang phải trả dao động 9,0 – 11%/năm, thậm chí cao hơn.
Đáng chú ý, lãi suất cho vay tăng nhưng không phải DN nào muốn vay cũng được đáp ứng. Hiện nay, để quản lý rủi ro, các ngân hàng đưa ra thang điểm đánh giá "sức khỏe" DN để xét duyệt khi cho vay vốn. Theo đó, có 3 thang điểm bao gồm: tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp và không tín nhiệm.
Nhóm DN không được tín nhiệm gần như không thể tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, còn nhóm tín nhiệm cao và thấp có thể dễ dàng vay nhưng sẽ chịu những mức lãi suất khác nhau.
Lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho biết, hiện nay, nhóm khách hàng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên và khách hàng được đánh giá tốt sẽ được hưởng lãi suất cho vay kỳ hạn từ 1 năm khoảng 6,5 – 7%/năm. Trong khi những DN được đánh giá tín nhiệm thấp phải vay với mức bình quân tương đối cao: 9,0- 12%/năm.
Được vay cũng không dám vay?
Liên tiếp trong hai tháng qua, nhiều ngân hàng TMCP điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi 0,2- 0,3%, nhiều DN bày tỏ nỗi lo về việc trong tương lai gần có khả năng sẽ phải trả thêm lãi suất khi vay. Thậm chí có DN cho biết, áp lực trả lãi khiến họ không dám vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất.
Bà Hoàng Thị Hiền, giám đốc một công ty xuất khẩu gỗ ở Hà Nam, chia sẻ năm 2019, các DN trong nước đón chờ cơ hội mới khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực.
Để tận dụng được cơ hội này, DN phải đầu tư đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, nghĩa là cần có vốn. Tuy nhiên, với mức lãi suất trong năm 2019 dự kiến có thể tăng thêm 2%, nhiều DN dù có đủ điều kiện được vay vốn ngân hàng cũng không dám vay.
"Với những người vay vốn thông thường, khoản vay nhỏ thì áp lực tới kỳ hạn trả nợ cũng đã nặng nề. Trong khi những DN như chúng tôi có khoản vay lên tới cả chục tỷ đồng, áp lực trả lãi hàng tháng càng lớn hơn nhiều lần", bà Hiền nói.
Hiện nay, DN nội không chỉ đứng trước áp lực cạnh tranh với các sản phẩm trong nước, mà còn phải cạnh tranh với rất nhiều sản phẩm có xuất xứ từ nước ngoài đang tràn vào Việt Nam.
Để giữ vững và mở rộng thị phần, DN phải đưa ra những chiến lược kinh doanh cụ thể như hạ thấp chí phí đầu vào, sử dụng tài nguyên sẵn có hiệu quả, tránh lãng phí, giảm thấp các chi phí phát sinh, tận dụng nguồn tài lực tối đa…
Nghĩa là các DN sẽ phải tính toán cho hợp lý giữa đầu vào và đầu ra mà sản phẩm vẫn đủ sức cạnh tranh trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận.
Tuy nhiên, chỉ cần động thái tăng nhẹ lãi suất cho vay của ngân hàng thì những giải pháp trên sẽ khó có thể chống đỡ cho việc tăng giá thành sản phẩm.
"Chưa kể, lãi suất đó được điều chỉnh qua từng thời kỳ, chẳng hạn 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, thì rủi ro cho DN càng cao", bà Hiền cho hay.
Huyền Anh