Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) vừa công bố Báo cáo tình hình kinh tế – tài chính quý I/2018 và dự báo cả năm 2018. Một trong những vấn đề đáng quan tâm là tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn tăng cao hơn so với cùng kỳ và vượt mức tỷ trọng cơ cấu ngắn hạn.
Tăng trưởng chậm lại
Thông thường, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân giảm trong quý đầu năm do yếu tố vụ mùa, đặc biệt thời điểm này rơi vào tháng cận Tết và tháng Tết. Tuy nhiên, xu hướng này năm nay đã bị đảo ngược.
Theo báo cáo của NFSC, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 3% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 2,6%). Trong đó, huy động VND tăng 3,7%, huy động ngoại tệ giảm 3,1%. Tỷ trọng vốn huy động ngoại tệ trong tổng nguồn vốn huy động là 9,2% (cuối năm 2017 là 9,7%).
Cũng theo quy luật thị trường, những tháng đầu năm, nhu cầu vốn để mở rộng đầu tư kinh doanh cho một năm tài chính mới của các doanh nghiệp tăng cao sẽ đẩy tín dụng tăng. Tuy nhiên, năm nay, tín dụng trong quý I giảm so với cùng kỳ năm 2017.
NFSC cho biết, quý I/2018, tín dụng ước tăng khoảng 3,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 4,3%). Tín dụng VND ước tăng 3,3%, chiếm 91,9% tổng tín dụng, trong khi tín dụng ngoại tệ tăng 5,4%, chiếm 8,1% tổng tín dụng (cuối năm 2017 là 7,9%).
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính – ngân hàng, tín dụng đang theo chiều hướng tích cực, nhờ diễn biến của nền kinh tế đang theo chiều hướng thuận lợi cho hoạt động ngành ngân hàng như: xử lý nợ xấu được cải thiện nhờ, tín dụng tiêu dùng tăng trưởng tích cực…
Ngoài ra, hiện nay, các ngân hàng đã chú trọng tăng trưởng chất lượng tín dụng hơn là số lượng. “Tín dụng không còn tăng trưởng nóng ngay từ đầu năm, mà sẽ được các ngân hàng phân bổ đều cả năm”, một chuyên gia cho biết.
Thực tế, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 17%, thấp hơn năm 2017 (18,17%). Bước đầu, NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các thành viên ở các mức khá thấp 14 – 16%, thậm chí thấp hơn đối với các nhà băng nhỏ, nhằm kiểm soát tốc độ chung của ngành, cũng như giữ vững an toàn hệ thống.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, phụ thuộc tình hình thực tế, các ngân hàng thành viên sẽ trình và NHNN sẽ xem xét nới chỉ tiêu theo điều kiện của mỗi thành viên.
Dẫu vậy, trong quý I/2018, chất lượng tín dụng chưa đạt được kỳ vọng. NFSC cho biết tín dụng trung, dài hạn có dấu hiệu tăng trở lại trong các tháng đầu năm 2018. Quý I, tín dụng trung và dài hạn tăng 4,3%, trong khi tín dụng ngắn hạn tăng 2,6%. Tỷ trọng tín dụng trung, dài hạn khoảng 53,2% (cuối năm 2017 là 52,8%).
![]() |
Quý I, tín dụng trung và dài hạn tăng 4,3%, trong khi tín dụng ngắn hạn tăng 2,6%. Tỷ trọng tín dụng trung, dài hạn khoảng 53,2% (cuối năm 2017 là 52,8%). |
Yên tâm về thanh khoản
Báo cáo của NFSC cho thấy trong quý I, lãi suất huy động và cho vay ổn định. Hiện, lãi suất huy động VND kỳ hạn 12 tháng phổ biến ở mức 6,5% – 7,5%; lãi suất bình quân huy động kỳ hạn 12 tháng là 6,81%, tăng 0,02% so với cuối năm 2017.
Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8- 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3% – 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Riêng lãi suất liên ngân hàng giảm xuống mức thấp. Cuối quý I/2018, lãi suất qua đêm bình quân ở mức 0,83% (giảm 0,47 điểm % so với cuối năm 2017), lãi suất 1 tuần ở mức 0,98%, lãi suất 1 tháng ở mức 1,73% (giảm 0,9% và 1,2% so với cuối năm 2017).
Ngoài ra, nếu như thanh khoản ngân hàng những năm trước thường căng thẳng do yếu tố vụ mùa, thì năm nay luôn trong trạng thái ổn định, kể cả những tháng cận Tết.
Nguyên nhân, NFSC cho rằng một phần do NHNN tăng mua ngoại tệ và giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ chậm. Đến cuối quý I/2018, tỷ lệ tín dụng so với vốn huy động (LDR) ở mức 88,2% (cuối năm 2017 là 87,8%)
Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND ổn định và tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Tính đến ngày 29/3/2018, tỷ giá trung tâm ở mức 22.463 VND/USD, tăng 0,21% so với cuối năm 2017. Trong khi đó, tỷ giá ngân hàng thương mại tăng khoảng 0,25%, tỷ giá thị trường tự do tăng khoảng 0,4% so với đầu năm 2018.
Cùng với đó, cán cân thanh toán quốc tế năm 2017 thặng dư cao nhất trong 5 năm gần đây, chủ yếu nhờ cán cân vốn tăng đột biến (tăng 85%) do vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng mạnh.
Theo NFSC, quý I/2018, dự báo cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục thặng dư ở mức cao nhờ cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu. Tuy nhiên, NFSC nhận định cả năm 2018, cán cân thương mại có thể bị tác động bất lợi do lo ngại về xung đột thương mại Mỹ – Trung và chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng mạnh mẽ.
Huyền Anh