Cụ thể, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, BIDV đã tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 cũng như triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội. Cụ thể, ngân hàng đã thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi, phí theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước cho 7.379 khách hàng với tổng dư nợ gần 78.000 tỷ đồng.
![]() |
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV. (Ảnh chụp màn hình) |
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đã tích cực giảm lãi suất chia sẻ khó khăn với khách hàng, bao gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ cho vay mới. Năm 2020, BIDV đã giảm thu nhập 6.400 tỷ đồng để chia sẻ với khách hàng. Trong 9 tháng đầu năm nay, ngân hàng cũng đã giảm số tiền lãi 5.200 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng.
Mặc dù vậy, Tổng giám đốc Lê Ngọc Lâm cũng cho hay, ngành ngân hàng cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Chính vì vậy, ông Lâm đề nghị, Quốc hội xem xét luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu. Nghị quyết 42 sau khi ra đời đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu, song chỉ có hiệu lực trong 5 năm, hiện đã sắp hết hiệu lực (tháng 8/2022), trong khi nợ xấu ngân hàng lại tăng mạnh do Covid-19.
Trước đó, VnBusiness phản ánh dự báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về nợ xấu trong năm 2021 trong báo cáo gửi cơ quan của Quốc hội phục vụ quá trình thẩm tra về tình hình, kinh tế xã hội trước kỳ hop thứ hai của Quốc hội khóa XV. Trong báo cáo, NHNN cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, dự báo tỷ lệ này là 7,21% (cuối năm 2020 là 5,08%).
Đưa ra giải pháp xử lý nợ xấu, NHNN cho rằng, cho rằng hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ xấu đã hình thành nhưng được quy định rải rác tại nhiều văn bản, NHNN đề nghị luật hoá các chính sách quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 để tiếp tục triển khai, áp dụng trong xử lý nợ xấu của các TCTD, theo hướng ban hành 1 luật riêng quy định về xử lý nợ xấu.
Cũng tại báo cáo này, NHNN còn đề nghị bố trí, cấp vốn, bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ để cải thiện, nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo đủ mức vốn tự có theo chuẩn an toàn vốn của Basel II.
Trong số 3 ngân hàng có vốn nhà nước, hiện tại còn BIDV vẫn chưa được Chính phủ thông qua phương án tăng vốn. Phát biểu của ông Lê Ngọc Lâm cũng mong muốn Quốc hội và các bộ, ngành xem xét chấp thuận chủ trương tăng vốn điều lệ cho BIDV bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, giúp ngân hàng tăng năng lực tài chính.
Trước đó, trong tháng 5, VietinBank chính thức được Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung gần 7.000 tỷ đồng vốn nhà nước theo Quyết định số 765/QĐ-TTg. Đây là tin vui không chỉ đối với VietinBank, mà của cả cơ quan quản lý sau một thời gian nỗ lực phối hợp, làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thúc đẩy quá trình phê duyệt đối với phương án tăng vốn điều lệ của ngân hàng này.
Theo đó, NHNN đã chấp thuận cho VietinBank tăng vốn điều lệ từ hơn 37.234 tỷ đồng lên 48.058 tỷ đồng theo phương án phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức 2017-2018, tỷ lệ hơn 29%.
Cuối tháng 9/2021 vừa qua, Vietcombank cũng đã được Thủ tướng phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước hơn 7.657 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietcombank từ nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông Nhà nước, thông qua việc Vietcombank phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ, chi trả cổ tức bằng tiền mặt.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, cổ đông Vietcombank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 50.000 tỷ đồng, bao gồm hai cấu phần. Trong đó, cấu phần thứ nhất, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 1,024 tỷ cổ phiếu (tương đương 27,6%) để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019. Cấu phần thứ hai là phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ của Vietcombank sau khi phát hành cổ phiếu chia cổ tức.
Thanh Hoa