Suốt mấy năm mưu sinh nơi đất khách, chàng trai trẻ sinh năm 1987 Trần Hữu Đức (ở xóm 7, xã Thuận Sơn, Đô Lương, Nghệ An) thấm thía sự khốn khổ của cảnh "cơm niêu nước lọ" tại các khu công nghiệp Bình Dương nên quyết quay về quê lập nghiệp. Từ giã quê hương ra đi tìm miền đất hứa rồi lại quay về quê, không ai nghĩ Đức sẽ thành công.
Mở vùng Khe Nước
Vùng Khe Nước ở xóm 7 xã Thuận Sơn được ví là vùng đất khó; bởi nơi đây ngoài những khu nghĩa địa hoang vắng, những cây mua, cây sim hoang dại là những cây lâm nghiệp còi cọc. Gia đình Đức có 3ha đất nơi vùng Khe Nước nhưng hiệu quả kinh tế thấp.
Năm 2010, Đức đưa vợ về quê sinh con đầu lòng. Trong một lần xem ti vi, thấy một hộ dân ở Tây Nguyên nuôi gà thả đồi hiệu quả kinh tế cao, Đức đã nảy ra ý định sẽ nuôi thử gà. Ban đầu, Đức nuôi thử 50 con gà tại vườn gia đình, lấy thức ăn chính là cám ngô, lúa… Ai ngờ vụ gà trúng đậm.
Thấy "bở ăn", năm 2011, Đức xin gia đình 3ha đất trên vùng đất Khe Nước rồi nhờ bố xây dựng hai chuồng trại nhỏ để thả 500 con theo hình thức bán thả cho ăn chuối, ngô… Sau mấy tháng, Đức lãi ròng 30 triệu đồng.
Nghĩ nuôi gà dễ dàng lại thu lãi cao, Đức vay mượn rồi nhân đàn lên 1.200 con đẻ. "Ai ngờ, gà bị dịch hàng loạt, có ngày gà chết hàng bao tải. Chở gà đi chôn mà như đứt từng khúc ruột", Đức nhớ lại.
Vốn liếng 100 triệu đồng tích cóp những năm làm thuê trong miền Nam đã bỏ vào xây dựng chuồng trại. Vốn vay gần 100 triệu để nuôi gà chưa biết lấy đâu trả. Đức hỏi mượn "bìa đất" của bố mẹ để thế chấp thì bị khước từ vì quá mạo hiểm, nếu thua lỗ thì nhà đâu mà ở!
Không nản, Đức sang nhà ông nội mượn "bìa đất" để có vốn tái đàn. Giống như một kẻ khát bạc trong các cuộc đỏ đen, Đức tiếp tục nuôi 400 con gà và 30 con lợn. Oái oăm thay, gà lại bị bệnh, lợn rớt giá thê thảm khiến Đức như ngã quỵ.
"Nhiều đêm trằn trọc, lắng nghe tiếng thở dài của vợ mà rơi nước mắt, biết vợ hiểu, thông cảm, chia sẻ và ủng hộ nhưng trời phụ công mình quá", Đức kể.
![]() |
Trần Hữu Đức kiểm tra đàn gà chuẩn bị xuất bán |
Từ gà, lợn, Đức lại chuyển sang nuôi nhím Sơn La. Như một kẻ cùng đường, Đức bấu víu vào tất cả những hi vọng mong manh nhưng rồi vốn liếng 120 triệu đồng mua 20 cặp nhím đã "bay hơi". Chỉ sau một năm, giá nhím thịt "chạm đáy" khiến chàng trai trẻ trắng tay một lần nữa.
Chị Đoàn Thị Thanh, vợ anh Đức, vẫn không quên một thời khốn khó: "Anh Đức nhà em gàn lắm, gia đình can ngăn nhưng vẫn quyết làm bằng được. Đi hỏi vay tiền mà không ai dám cho, chúng em suýt mất nhà cửa cũng vì chăn nuôi".
Rút kinh nghiệm từ những thất bại, Đức đã chịu khó học hỏi thêm kiến thức từ mạng internet, đăng ký học thêm lớp chăn nuôi, thậm chí "mổ xẻ" những con gà ốm chết rồi ghi chép cẩn thận để phòng tránh lần sau. Các chuồng trại cũng được anh xử lý dịch bệnh sạch sẽ, kiểm tra con giống, thức ăn kỹ trước khi tái đàn.
Cuối năm 2013, Đức vay mượn rồi làm "vố" cuối cùng. Khăn gói ra Ninh Bình, anh "rước" về 20 cặp vịt trời cùng 2.000 gà lai chọi nuôi theo hình thức bán thả. Thế rồi, 2.000 con gà lai chọi cứ thế lớn nhanh trong sự vui mừng phấn khởi và chăm sóc, nuôi nấng tỉ mỉ của vợ chồng Đức.
Tự tin với kiến thức của mình, Đức đã mạnh dạn xây dựng thêm 5 khu chuồng trại và mở rộng thêm quy mô chăn nuôi theo hình thức gà gối đàn bán thả đồi. Vịt trời và gà đã bén duyên vùng Khe Nước mang lại hiệu quả cao, khách hàng tìm đến mua sản phẩm càng lúc càng đông.
Đến năm 2015, Đức trả hết nợ. Có tiền, anh mua thêm 6,5ha đất để mở rộng quy mô trang trại. Năm 2017, trang trại chăn nuôi của Đức đã được chứng nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm VietGAP.
![]() |
Nguyễn Hữu Đức kiểm tra hệ thống tưới phun mưa cục bộ tại trang trại. |
Giám đốc trẻ năng động
Hiện tại, trang trại của Đức có 10ha với 15.000 con gà đủ các lứa tuổi từ mới nhân giống đến gà thịt xuất bán. Trung bình mỗi năm, anh xuất bán khoảng 70.000 con gà các loại, trừ chi phí thu lãi 1,1 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho 4-5 người với mức lương trung bình 5 triệu đồng/tháng, việc làm thời vụ cho 5-6 người địa phương.
Ngoài ra, anh còn có 1.500 gốc na Thái, 1.000 gốc bưởi da xanh, 1.000 gốc mít Thái, 1.000 gốc chanh không hạt, 400 gốc ổi lê được trồng trên diện tích 8ha sử dụng hệ thống tưới phun mưa cục bộ theo công nghệ Israel.
Được nhiều người ví là "Vua gà", Đức cười rõ tươi: "Tất cả là sự chịu khó và dám thất bại thôi. Vừa chăn nuôi, tôi vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, vừa kết hợp kỹ thuật hiện đại và truyền thống trong chăn nuôi. Thức ăn chính ngoài cám hỗn hợp thì vẫn là ngô và thóc, được chăn thả trên đồi nên con gà chắc khỏe, không dịch bệnh và chất lượng thịt ngon hơn nên khách hàng rất thích".
Theo Đức, bí quyết để thành công là phải liên kết chặt chẽ với các đơn vị cung ứng giống, thức ăn, thuốc phòng dịch và tìm đầu ra cho sản phẩm.
"Với thức ăn và thuốc phòng bệnh, tôi yêu cầu và có cam kết với các đơn vị cung ứng phải hỗ trợ kỹ thuật; còn con giống thì khi mua lứa gà sau sẽ trả tiền lứa gà trước để có tính ràng buộc. Ngoài ra, phải định hướng được nuôi lúc nào, bán cho ai", Đức nói.
Vừa là ông chủ trang trại quy mô lớn, vừa là Giám đốc, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp sạch và dịch vụ thanh niên Nghệ An khiến Đức thêm bận rộn hơn. Hết điều hành hoạt động của gia đình, Đức còn phải dành thời gian quan tâm, hỏi thăm hoạt động của các thành viên trong HTX.
Đức cho biết: "HTX thành lập năm 2017 từ ý tưởng ban đầu của tôi. Do yêu cầu về nguồn cung thực phẩm không đủ, thêm nữa nếu liên kết nhiều người thì đầu vào (giống, thức ăn, phân bón, thuốc phòng bệnh…) và đầu ra (sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt) sẽ rẻ hơn so với làm riêng lẻ. Mặt khác, khi cùng tập hợp lại theo tổ chức HTX thì mỗi thành viên không còn phải lo chuyện đầu ra sản phẩm.
15 thành viên HTX Nông nghiệp sạch và dịch vụ thanh niên Nghệ An là những ông chủ trang trại chăn nuôi, trồng trọt ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Ngành nghề hoạt động của HTX là kinh doanh, sản xuất thực phẩm sạch như rau, đậu, trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả, chăn nuôi hỗn hợp; kết hợp nhà hàng và các dịch vụ ăn uống lưu động, bán buôn tổng hợp.
Mục tiêu của HTX với những thành viên trẻ, tâm huyết, năng động chính là cung cấp những sản phẩm sạch, chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để người tiêu dùng có những bữa ăn ngon, sạch.
Theo Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp sạch và dịch vụ thanh niên Nghệ An, khó khăn hiện nay họ đang gặp phải là thiếu vốn, quỹ đất và cả kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý. Anh Đức tâm sự: "Vừa làm trang trại vừa kiêm Giám đốc, Chủ tịch HĐQT khiến nhiều lúc mình cảm thấy quá sức, vì mình còn trẻ, học hành chắp vá, kinh nghiệm, kỹ năng điều hành chưa có nhiều".
Dù mới thành lập nhưng HTX Nông nghiệp sạch và dịch vụ thanh niên Nghệ An được đánh giá là thành công bởi hoạt động theo mô hình liên kết chuỗi rất chặt chẽ. Mô hình liên kết trong chăn nuôi từ đầu vào đến đầu ra của bản thân đã được Đức áp dụng triệt để cho hoạt động của HTX nên rất hiệu quả.
"Chúng tôi sẽ xây dựng trang web để quảng bá sản phẩm; xây dựng lò mổ, chăn nuôi theo hình thức khép kín từ đầu vào, đóng gói, bảo quản sản phẩm theo chuẩn để đến tay người tiêu dùng. Và những sản phẩm sẽ được bán ở chợ Phong Toàn Tp. Vinh do HTX quản lý. Riêng tôi, đã có ý tưởng và đã hỗ trợ khởi nghiệp cho 20 thanh niên trên địa bàn với hình thức cung cấp con giống, thức ăn, chuyển giao công nghệ kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu toàn bộ sản phẩm", Đức hồ hởi.
Thanh Hải