![]() |
Các thành viên HTX rau, củ, quả an toàn thôn Thanh Đông có thu nhập ổn định nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (Ảnh: TL) |
Tập trung vào sản xuất rau an toàn VietGAP, hoạt động của HTX rau, củ, quả an toàn thôn Thanh Đông được địa phương đánh giá cao khi đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng về phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa.
Cạnh tranh lành mạnh
Điều dễ nhận thấy là từ trồng rau VietGAP và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, mỗi năm, HTX Thanh Đông thu về tiền tỷ, giúp người dân và thành viên có thu nhập ổn định từ trồng rau.
Được sự hỗ trợ của địa phương, HTX thực hiện chuyển đổi diện tích đất canh tác lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng rau VietGAP. Đến nay, diện tích sản xuất của HTX là 7ha.
Tham gia sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, thành viên được hỗ trợ nhiều mặt như giống cây trồng; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, thu hái và bảo quản; đồng thời được hỗ trợ kiểm định chất lượng mẫu đất trồng, mẫu nước tưới... Cán bộ của Sở NN&PTNT còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn thành viên HTX thực hiện ghi chép nhật ký đồng ruộng, cấp mã số cho từng hộ gia đình trồng rau để tiện truy xuất nguồn gốc...
Bình thường, các mặt hàng rau chính vụ của địa phương rất khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại tại những tỉnh lân cận vì chưa có thương hiệu. Do vậy, khi nhận được sự hỗ trợ của địa phương, doanh nghiệp nên ngoài sản xuất rau chính vụ, HTX còn đẩy mạnh sản xuất rau nghịch vụ theo hướng an toàn.
Nếu như rau cải bắp, cà chua trước đây chỉ trồng được vào mùa lạnh thì nay có thể trồng quanh năm. Đầu ra vì thế cũng thuận lợi hơn.
Ông Nguyễn Hữu Tân - Giám đốc HTX rau, củ, quả an toàn Thanh Đông, cho biết: Các loại rau màu sản xuất theo chuẩn VietGAP phát triển xanh tốt, năng suất khá, rất phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Điều quan trọng là để doanh nghiệp thu mua, thành viên và người dân phải tuyệt đối tuân thủ quy trình sản xuất rau an toàn, đặt chất lượng và niềm tin người tiêu dùng lên hàng đầu.
Thu nhập ổn định
Sự hỗ trợ đắc lực từ HTX rau, củ, quả an toàn thôn Thanh Đông đã giúp thành viên và bà con dân tộc vùng cao nơi đây thích ứng với các phương pháp sản xuất, canh tác mới và cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Ông Nguyễn Hữu Lý - thành viên HTX và cũng là một trong những người đầu tiên tham gia mô hình trồng rau an toàn ở địa phương, cho biết với diện tích đất canh tác ít ỏi vùng cao, từ việc trồng lúa một vụ năng suất thấp, việc chuyển đổi sang trồng cải bắp, su su, cà chua, dưa mèo, bí là hướng đi đúng đắn.
![]() |
HTX thôn Thanh Đông đã xây dựng được chuỗi sản xuất khi liên kết được với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm (Ảnh: TL) |
“Ngày mới làm theo chuẩn VietGAP, phải thực hiện đúng quy trình ghi chép nhật ký đồng ruộng, ủ phân chuồng hoai mục rồi sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách và tuân thủ thời gian cách ly, mọi người cũng thấy vất vả. Thậm chí, nếu hộ nào làm sai, lập tức còn bị tổ thanh tra, giám sát nhắc nhở, cảnh báo không cho tham gia chuỗi sản xuất-tiêu thụ. Một vài vụ đầu chưa quen, rau sản xuất ra xấu, không đồng đều và hư hỏng nhiều, không tiêu thụ được, bà con cũng dao động, chán nản nhưng bây giờ thì mọi thứ đã tốt hơn nhiều rồi”, ông Lý cho biết.
Hiện nay, HTX có 9 thành viên, chủ yếu sản xuất 3-4 vụ/năm. Tuy nhiên, thu nhập 1 vụ rau tính ra lãi bằng 3 vụ lúa nên trung bình mỗi vụ, mỗi thành viên có thể thu về 150-170 triệu đồng. Đây là thu nhập tương đối cao đối với người dân vùng lòng chảo Điện Biên vốn chỉ gắn bó với cây lúa kém hiệu quả. Nhờ trồng rau, nhiều hộ gia đình đã trở lên khá giả và thoát nghèo thành công.
Điều thuận lợi là HTX đã thực hiện đã ký hợp đồng sản xuất rau, củ, quả an toàn cho Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green Điện Biên, với sản lượng tiêu thụ khoảng 300 tấn/năm, mang lại doanh thu 1 tỷ đồng.
Theo đánh giá của chính quyền xã, mô hình sản xuất rau an toàn của HTX thôn Thanh Đông hoạt động hiệu quả đã làm nền tảng để người dân thay đổi tư duy, tập quán canh tác. HTX đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân từ 14 triệu đồng/người năm 2011 lên 29 triệu đồng/người năm 2019; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,49% còn dưới 2%.
Nhằm duy trì, phát huy và khai thác tiềm năng, lợi thế về về điều kiện tự nhiên, trong thời gian tới, HTX thôn Thanh Đông tiếp tục thu hút thêm thành viên, mở rộng diện tích lên 10ha để làm nền tảng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Đây cũng là nền tảng để xã giữ vững các tiêu chí sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có tiêu chí giảm nghèo bền vững.
Huyền Trang