![]() |
Liên kết HTX, doanh nghiệp, nông dân là xu hướng tất yếu của nông nghiệp bền vững (Ảnh Tư liệu) |
Liên kết cùng phát triển
HTX rau an toàn Mười Hai tại xã Long Khê (huyện Cần Đước) nổi tiếng với vùng trồng cải bẹ xanh, hiện là 1 trong 3 HTX điểm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Để hoạt động canh tác rau an toàn, HTX đã trang bị hệ thống nhà lưới, tưới tự động được đầu tư bài bản, chi phí phù hợp với nông dân. HTX hiện sản xuất khoảng 10 loại rau ăn lá với diện tích 8,1ha.
Ông Lê Văn Giấy, Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai cho biết, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp, HTX tổ chức trồng rau trong nhà lưới, thực hiện quy trình bán hữu cơ, sử dụng phân sinh học.
“Sản phẩm được thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu phân tích định kỳ nhằm bảo đảm chất lượng. HTX cũng luôn bảo đảm các điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm tại khu vực sản xuất, sơ chế”, ông Giấy nhấn mạnh.
Một ví dụ khác là HTX Sản xuất nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Phước Thịnh (huyện Cần Giuộc) cung cấp 3 - 4 tấn rau sạch VietGAP các loại cho thị trường TP.HCM thông qua một số HTX thương mại khác.
Nhờ liên kết tiêu thụ, doanh thu của HTX liên tục tăng trong những năm qua, mang lại nhiều lợi nhuận cho thành viên. Hiện doanh thu của HTX đạt trên 25 tỉ đồng/năm, giá trị sản xuất bình quân đạt hơn 342 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với sản xuất lúa.
Với cây lúa, vấn đề liên kết càng quan trong với nông dân để giảm thiểu tình trạng “được mùa, mất giá”. HTX Gò Gòn (huyện Tân Hưng) đang là điểm sáng của tỉnh trong liên kết sản xuất – tiêu thụ lúa gạo.
![]() |
HTX cần được trợ lực để không bị lép vế trong "cuộc chơi" với doanh nghiệp (Ảnh TL) |
Một trường hợp thành công khác nhờ liên kết là HTX Gò Gòn, thành lập năm 2005, hiện sản xuất trên cánh đồng rộng hơn 460 ha, trong đó, lúa là cây trồng chủ lực”. Năm 2013, HTX chính thức triển khai mô hình cánh đồng lớn theo liên kết “4 nhà” và hỗ trợ các thành viên ứng dụng tia laser trong khâu làm đất, san phẳng mặt ruộng, áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm”...
Ông Trương Hữu Trí, giám đốc HTX Gò Gòn nói rằng, tham gia liên kết, thành viên HTX luôn có lợi nhuận cao hơn hộ sản xuất cá thể 2 - 3 triệu đồng/ha/vụ. 100% sản phẩm “Gạo sạch Gò Gòn” sản xuất theo quy trình VietGAP được các doanh nghiệp bao tiêu. HTX cũng xuất khẩu gạo thành công sang Mỹ.
Tạo “sân chơi” bình đẳng cho HTX
Ở Long An, có rất nhiều mô hình HTX liên kết 4 nhà thành công, đây có thể xem là một hướng đi mới mà các HTX trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng phát triển.Theo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân vẫn được xem là ưu việt nhất trong việc tổ chức sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, bởi những thuận lợi trong quá trình cơ giới hóa, áp dụng khoa học – kỹ thuật.
Tuy nhiên, để tạo nên một “sân chơi” bình đằng, ngành nông nghiệp tỉnh Long An sẽ cần thêm nhiều chính sách trợ lực giúp các HTX để họ không bị "lép vế" so với doanh nghiệp.
Theo đó, kể từ năm 2018 đến nay, tỉnh Long An đã đẩy mạnh tuyên truyền về chuỗi giá trị và vai trò nòng cốt của HTX nông nghiệp trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Nâng cao năng lực cho HTX về quản trị, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, tiếp cận thị trường. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy phát triển liên kết giữa doanh nghiệp và HTX đang là mục tiêu mà Long An đang hướng tới.
Trên thực tế, để hiện thực hoá mục tiêu này, Long An đang hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác… xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản nông sản…Đây là hướng đi đúng đắn nếu muốn phát triển bền vững các sản phẩm nông sản trong thời gian tới.
Hưng Nguyên